Nhà sử học Dương Trung Quốc dạy bạn trẻ khi hội nhập

(Dân trí) - “Biển lớn khiến chúng ta sợ nhưng ta phải nhảy xuống mới biết nước như thế nào, mặn hay ngọt, nông hay sâu, nghĩa là phải dấn thân…”, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ trong cuộc gặp với các bạn trẻ.

Trong buổi nói chuyện có tên gọi "Người Việt - Từ ao làng ra biển lớn" ngày hôm qua (17/4) do Học viện lãnh đạo FPT (FLI) tổ chức, Nhà sử học – Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã phân tích về những ưu điểm, nhược điểm của người trẻ trong quá trình hội nhập và những yếu tố tác động lên quá trình đó.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói chuyện với người trẻ tối 17/4.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói chuyện với người trẻ tối 17/4.

Hội nhập

Trước rất nhiều thắc mắc của những người trẻ về con đường hội nhập với thế giới, Nhà sử họ Dương Trung Quốc chia sẻ: "Tôi nhận thấy người trẻ Việt Nam ở nước ngoài rất dễ hoà nhập vào văn hoá sở tại. Đứng ở một số góc độ như tính bản sắc dân tộc thì có thể là yếu nhưng ở góc độ phát triển con người thì khá thuận lợi.

Nói về toàn cầu hoá không nhất thiết phải đi ra nước ngoài, mà chúng ta cần phải chiến thắng các đối thủ bên ngoài ngay chính trên sân nhà của chúng ta. Cần phải hiểu rằng chúng ta đề cao truyền thống nhưng truyền thống không phải là những cái cũ mà là cách chúng ta có được ngày hôm nay.
 
Chúng ta ứng xử với các di sản của chúng ta không phải là cứ bắt chước thiên hạ mà là giữ nó tốt theo cách riêng của chúng ta".

Học hỏi và giữ lấy bản sắc

Ông Dương Trung Quốc cho rằng các bạn trẻ ngày nay đều hiểu biết và học rất chăm chỉ, nhưng hầu như không nghĩ tới học để làm gì, trong khi người phương Tây thấy rõ mục tiêu là học để vào đời, làm người. Từ hội nhập chúng ta sẽ học tập được phương Tây điều đó.

Nhà sử học cho biết: "Tôi đi khảo sát các trường học ở Mỹ nhận thấy rằng các trường đều có người Trung Quốc trong nhóm học sinh dẫn đầu. Chúng ta nên học Trung Quốc về việc đưa người ra nước ngoài học. Trung Quốc tìm mọi cách để đưa người ra nước ngoài học để nâng cao trình độ, bất kể người đó có về nước làm việc hay không.

Thời đại này ta muốn giàu, làm ăn với thiên hạ thì phải học thiên hạ. Tôi thường ngồi ở các quán vỉa hè trên phố cổ để trò chuyện với các du khách nước ngoài. Qua câu chuyện với họ, tôi nhận thấy rằng khách du lịch trên thế giới hiện nay đang có một xu hướng là khi đã ở một nước quá phát triển họ lại muốn tìm về những mảnh đất tự nhiên. Do vậy, nếu chúng ta cứ xúc tiến du lịch theo các nước đang phát triển thì chưa chắc đã là con đường duy nhất đúng. Đó là một ví dụ.

Nói vậy có nghĩa là ta phải chọn lọc, phải giữ bản sắc của ta. Cho nên tôi nói với người thân của mình là muốn học ngoại ngữ giỏi phải giỏi tiếng Việt trước. Người trẻ Việt yếu ngoại ngữ vì chỉ coi ngôn ngữ là công cụ mà không mấy quan tâm đến văn hoá, như vậy là nông cạn và không hiểu rõ. Có người nói tiếng Anh rất giỏi mà không biết gì về văn Shakespeare...".

Dấn thân

"Nếu như cho rằng cái ao làng nhỏ còn biển lớn khiến chúng ta sợ thì chúng ta đều phải nhảy xuống mới biết nước như thế nào, mặn hay ngọt, nông hay sâu… Do đó các bạn trẻ cần phải dấn thân", lời dạy của Nhà sử học Dương Trung Quốc với các bạn trẻ.

Ông kể rằng cách đây 150 năm, khi phái đoàn Việt Nam lần đầu tiên đến nước Pháp cũng rất bỡ ngỡ và từ chối hoà nhập vào văn hoá sở tại nhưng khi làm quen với nó, phái đoàn này đã rất thích thú được mang một phần văn hoá Pháp về phổ biến tại Việt Nam.
 
Ông kết luận: "Điều đó có nghĩa người Việt Nam khi tiếp túc với nền văn minh khác mình, ban đầu rất bảo thủ nhưng khi đã tiếp xúc rồi thì học tập rất nhanh. Các bạn trẻ ngày nay có rất nhiều điều tiếp cận và học tập nhưng sau khi học tập phải tạo ra cái mang phong cách riêng của mình.

Trong xã hội thông tin hiện nay các bạn có nhiều sự chuẩn bị và điều chỉnh tốt hơn nên sẽ vươn lên tốt hơn, còn tôi chưa từng có điều kiện như các bạn nên không thể chỉ bảo cụ thể phải làm như thế nào".

Mai Châm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm