Nguyễn Thanh Sơn - Kẻ sành điệu biết lắng nghe

Nhìn vẻ ngoài, Nguyễn Thanh Sơn mang phong thái của một kẻ sành điệu, thích hưởng thụ cuộc sống. Nhưng điều đó chưa đủ về người đàn ông thành đạt này.

Ngoài chức danh giám đốc điều hành của một công ty truyền thông lớn, anh còn được biết đến là một cây bút phê bình văn chương sắc sảo. Cây bút sinh năm 1970 này đã từng gây ra nhiều vụ tranh luận nảy lửa, khiến không ít người mếch lòng.

Những năm học cấp 3, anh là dân chuyên văn, từng được điểm 10 môn văn, điều gì khiến anh nhảy sang làm kinh doanh?

Thực ra tôi chưa bao giờ là học sinh chuyên văn. Khi học ở trường Chu Văn An, tôi là học sinh lớp toán của trường, nhưng vì học toán khó quá nên thi trượt sang lớp thường. Có lẽ trình độ toán của tôi không đủ để trở thành một nhà toán học hay một chuyên gia máy tính mà chỉ vừa đủ để có thể tính toán cho công việc của chính mình.

Sau khi học truyền thông ở Mỹ về, vào thời điểm những năm 1994-1995, PR là một khái niệm xa lạ với người Việt Nam. Vì sao anh vẫn quyết tâm đâm đầu vào nó?

Thực ra chúng tôi là những sinh viên đầu tiên ở Nga học về truyền thông từ cuối những năm 1980. Trường Quan hệ quốc tế của Nga đã sản sinh ra cho VN một loạt chuyên gia về truyền thông hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau, tư nhân có, nhà nước có.

Ngay từ khi học ở Nga, vì quá hứng thú với nghề này nên một nhóm 3 người chúng tôi đã quyết tâm khi về VN sẽ thành lập một công ty chuyên về tư vấn truyền thông. Đáng tiếc là hai người bạn của tôi, ngay khi về nước đã có những công ty nước ngoài chiêu dụ về làm, nên cuối cùng chỉ có mình tôi theo đuổi nghề này.

Khi mới về nước, chưa có ai biết thế nào là quan hệ công chúng, đến xin giấy phép để thành lập công ty quan hệ công chúng cũng không được, vì trong danh mục nghề nghiệp không có. Những ngày đầu vất vả lắm, vì thị trường chưa có, đi đâu cũng phải giải thích "quan hệ công chúng" là gì. Người ta cũng chú ý nghe, nhưng làm thì lại lắc đầu quầy quậy.

Nhiều người ác miệng đồn, thời gian đầu anh đi buôn tinh bò bên Mỹ về. Thực ra, công ty của anh lúc đầu hoạt động thế nào?

Có gì đâu mà ác miệng. Tôi từng đi buôn quần áo lót, buôn chó cảnh, thì cũng có thể buôn tinh bò chứ sao.

Giai đoạn đầu, vì thị trường Việt Nam chưa phát triển, nên tôi đành phải cung cấp các dịch vụ tư vấn tiếp thị, chú trọng đến truyền thông, vì lúc đó nói tiếp thị người ta còn hiểu được. Khách hàng đầu tiên của chúng tôi là chính quyền bang Oklahoma (Mỹ), ký hợp đồng để công ty chúng tôi đứng ra làm đại diện thương mại cho họ tại VN.

Năm nay là tròn 10 năm chúng tôi làm việc với họ. Một trong những thế mạnh của bang Oklahoma là các sản phẩm nông nghiệp như thịt bò, ngũ cốc, bò giống... Tôi không đi buôn, nhưng chúng tôi đã tổ chức rất nhiều chương trình giới thiệu sản phẩm của bang Oklahoma ở VN, trong đó có bò giống.

Có người nói, nhìn anh ngoài đường, chẳng ai nghĩ anh là doanh nhân. Thậm chí nếu được giới thiệu là doanh nhân, họ cũng nghĩ là anh chẳng làm nên cơm cháo gì với cái tướng "bạch diện thư sinh" ấy. Anh cảm thấy thế nào?

Không tự ái tý nào. Trông tôi không có dáng doanh nhân thật, nên tôi lựa chọn cái nghề vừa kinh doanh nhưng cũng hợp với tạng tôi nhất. Mà lựa chọn như thế thì chưa phải là doanh nhân đích thực thật. Theo tôi, doanh nhân đích thực là bất cứ cái gì cũng có thể làm được, và làm ra rất nhiều tiền.

Người ta nói PR là nghề buôn nước bọt ăn tiền, chả mất vốn liếng gì cả. Bản thân anh nghĩ sao?

Vốn liếng nghề này là kiến thức chuyên môn, tích lũy về văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, là lao động 12-14 tiếng một ngày. Đôi khi chỉ sai một dấu chấm, một dấu phẩy hay sau dấu chấm câu là hai dấu cách, là đã bị khách hàng nhắc nhở ngay. Vâng, nếu như vậy gọi là dễ ăn thì nghề này cũng dễ kiếm tiền.

Tham gia khá nhiều bài viết vào lĩnh vực phê bình văn học, anh thích được gọi là gì, một doanh nhân thành đạt hay một nhà phê bình trẻ?

Tôi sẽ trả lời tùy theo ai là người đặt câu hỏi. Doanh nhân thành đạt thì không rồi, biết thế nào mới được gọi là thành đạt. Đối với những ai yêu văn chương, tôi muốn họ biết đến tôi như một người viết phê bình văn học. Còn việc làm giám đốc một công ty truyền thông có lẽ nên dành cho giới doanh nghiệp.

PR là một nghề rất... khéo miệng, trong khi phê bình văn học đòi hỏi người viết phải nói thẳng, nói thật. Anh dùng công nghệ PR để viết phê bình hay dùng giọng phê bình để làm PR?

Người ta thường hay nhìn cái vỏ của nghề PR để nói rằng nghề này là một nghề khéo mồm, không đúng đâu. Khi bạn là người làm tư vấn truyền thông, đôi khi bạn phải hết sức thẳng thắn, có khi còn quyết liệt nữa để tư vấn đúng cho khách hàng, tránh cho khách hàng khỏi sai lầm trong truyền thông do khác biệt về văn hóa hay chính trị, kinh tế. Tuy vậy, tôi luôn tách bạch hai công việc đó: viết phê bình là dành cho văn học, làm PR là công việc kinh doanh.

Cách đây mấy năm, anh nổi trên văn đàn với những bài phê bình sắc sảo, thường lôi chị em nhà văn ra làm mồi nhắm, gọi tác phẩm của họ là "mãi mãi không chịu lớn", hay "làm tăng lượng giấy vụn trên thế giới"... Mọi người đồn, có mấy chị nhà văn đi tìm anh tính sổ. Anh hãi quá hay sao mà dạo này "lặn mất tăm" vậy?

Không hãi, nhưng nói thật tôi thấy văn chương Việt Nam mệt mỏi quá. Các nhà văn Việt Nam càng ngày càng bị cuộc sống đẩy sang hai bên lề. Tôi cần một thời gian để tìm lại hứng thú, và công ty của tôi những năm vừa rồi cũng đòi hỏi phần lớn thời gian của tôi. Giờ tôi đã có một đội ngũ làm việc tốt, nên chắc sẽ có nhiều thời gian hơn cho việc viết lách.

Với hàng loạt hiện tượng mới như Hoàng Linh "Thiên tài", Hoàng Diệu "Bóng đè", Vi Thùy Linh "Đồng tử", anh nhìn nhận họ như thế nào?

Tôi vẫn chưa thấy cái mới trong sáng tác của họ, và tôi vẫn đang chờ đợi. Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu chỉ là sự kéo dài của một nền văn hóa cũ, tư duy cũ, lối văn chương cũ. Cái gọi là xôm trò đó khó có thể kéo dài, vì tôi vẫn chưa thấy bề sâu văn hóa và tài năng thực sự trong các sáng tác của họ.

Từng gây tranh luận khi kể ra "Những sai lầm của các nhà thơ lớn tuổi", hay "Những khát khao thay đổi không mấy thành công của các nhà thơ trẻ tuổi". Vậy đã khi nào anh tự kiểm điểm những sai lầm của mình khi đặt bút viết phê bình ai đó?

Một người phải mạnh lắm mới có thể tự kiểm điểm những sai lầm của mình. Tôi chưa làm được điều đó, nhưng tôi là người biết lắng nghe. Tôi lắng nghe ý kiến của các đồng nghiệp, các nhà văn, bạn bè, của những người không quen biết, và tìm ra trong những ý kiến của họ những gì có thể học hỏi, thay đổi, nhìn lại mình từ con mắt người khác.

Theo Đàn Ông/Thể thao Văn hóa