Nguyễn Huy Thiệp và dòng văn 8X

Đọc nhiều và theo dõi sát các sáng tác của 8X, “ông vua truyện ngắn” Nguyễn Huy Thiệp “có nhiều cảm tình, đặc biệt là những tác giả nữ ở hệ 8X này” và “với dòng 8X, tôi thích truyện ngắn hơn thơ, truyện ngắn thuyết phục được tôi hơn”.

Liệu đã có một dòng văn học 8X như những lời đồn đại chưa, thưa ông?

 

Trong cuộc sống cũng như trong văn học nghệ thuật, độ tuổi 8X có thể nói là trẻ trung, có khả năng, có tự tin để bước vào văn chương. Họ đang trên đường đi tìm mình và khẳng định mình. Tôi quan tâm đến cái lạ, thế hệ 8X. 

 

Tôi đã đọc nhiều của họ, như hai cuốn đặc trưng gần đây nhất là tập thơ “Dự báo phi thời tiết” và “Truyện ngắn 8X”. Nhìn chung, tôi có nhiều cảm tình, đặc biệt là những tác giả nữ ở hệ 8X này. Họ có độ chân thực hơn các tác giả nam. Có thể, các tác giả nam còn điệu đà câu chữ hay bị sức ép của các quan điểm trước nó. Riêng phụ nữ, họ ý thức về tuổi tác rất nhanh, ý thức về thời gian nên sự bộc lộ mạnh mẽ hơn đàn ông.

 

Với dòng 8X, tôi thích truyện ngắn hơn thơ, truyện ngắn thuyết phục được tôi hơn. Như thơ của nhóm “5 Con Ngựa Trời” tôi không ấn tượng, nhưng đọc đến văn xuôi tôi phải giật mình. Có những tác giả mới viết mà độ chững chạc và khả năng tay nghề tốt hơn so với thế hệ trước. Tôi nhận thấy dòng 8X được trang bị kiến thức, họ có đọc, có học, có theo dõi thời sự văn nghệ trong và ngoài nước.

 

“Truyện ngắn 8X” gồm 22 truyện ngắn của 18 tác giả sinh năm 1980 đến 1989, trong đó, các cây viết nữ chiếm đa phần điều này cho thấy sự khẳng định mình của nữ rất mạnh mẽ?

 

Tôi thấy văn học nghệ thuật ngoài tài năng ra còn sự chân thực, chân thực trong suy nghĩ và tình cảm. Đọc 8X, thấy được sự hoang mang, sợ hãi, ngờ vực… Tất nhiên, họ vẫn sống và họ sẽ biết cuộc sống còn nhiều thứ tồi tệ, nhưng cái đáng sợ nhất là con người vẫn chấp nhận sự tồi tệ đấy.

 

Nhưng trong truyện của các tác giả thế hệ 8X này, họ có đấu tranh nhưng cái gọi là đấu tranh đấy không đi đến đâu và không được rõ ràng?

 

Họ còn trẻ, họ bất bình trước những cái giả dối đen tối, đấy chính là sức mạnh của các cây bút 8X. Người viết trẻ thường trong sáng, bảng màu của họ chỉ có màu trắng và đen, tốt và xấu, hay và dở. Nếu không có những tiếng nói bất bình thì thiếu đi chất lửa trong văn học nghệ thuật.

 

Tất nhiên, đám viết già không phải họ suy đồi hay đểu giả gì, mà đơn giản họ thoả hiệp với mọi sự. Ngay như tôi cũng bắt đầu thoả hiệp. Nên ưu điểm của hệ 8X là không thoả hiệp, cho dù họ vẫn còn sự ngô nghê, nhưng họ biết bất bình và đòi hỏi sự rõ ràng.

 

Vừa qua, tại sao ông tổ chức cuộc gặp gỡ giữa các cây viết 8X với 2 nhà văn, dịch giả người Đức là ông Gunter Giesenfeld (Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Đức) và bà Marianne Ngo?

 

Tôi đã được nghe rất nhiều tin tức khó chịu của người trong nghề khi tôi tổ chức cuộc gặp gỡ này. Họ cho rằng tôi mị lớp trẻ 8X, họ cho rằng tôi muốn nhẩy lên làm thủ lĩnh lớp trẻ v.v… Tôi xin nói rằng, tôi chỉ như cây cầu nối các bạn với một cửa ra thế giới, chính các bạn trẻ phải tự trang bị ngoại ngữ, vi tính, ngay cả lái xe ôtô.

 

Các bạn phải giữ mối quan hệ tốt với các nhà xuất bản, các dịch giả nước ngoài để in ấn sách của mình. Chẳng hạn như ký một cái hợp đồng phải ra làm sao, biết tin học để giữ liên hệ với các nhà xuất bản nước ngoài thế nào. Thị trường văn học mở ra chứ đâu phải chỉ xung quanh phố Nguyễn Xí. Nếu chỉ quan tâm đến thị trường văn học trong nước sẽ khó đi xa.

 

Ngoài viết lách ra, cây viết trẻ phải là con người của nền văn minh. Nhà văn được phong tặng là tiên tiến trong giới trí thức nên anh phải văn minh, phải tổ chức cuộc sống đàng hoàng. Chứ không phải là uống rượu ngồi một chỗ than vãn chửi đổng, coi mình là trên hết.

 

Ông có cho rằng lứa nhà văn 8X viết bằng bản năng quá lớn không?

 

Bản năng mới tuyệt vời. Bản năng là quan trọng và tử tế nhất. Người văn nghệ giỏi là người bộc lộ bản năng, nhưng bản năng thôi chưa đủ mà vẫn phải trang bị thêm văn hoá, và được nhiều người giỏi hướng cho nữa.

 

Nhưng bản thân những truyện đầy khủng hoảng thừa cái trống rỗng, đổ vỡ, tình dục… Họ ngại kiếm tìm ý tưởng mới, ngại chau chuốt ngôn ngũ, nên khiến tầm nhìn hạn hẹp, thậm chí cực đoan...

 

Tôi cảm thấy họ có sự bơ vơ trong đời sống tinh thần. Ám ảnh lớn nhất của bất cứ cá nhân con người nào, hơn cả tôn giáo đạo đức, tiền bạc, chính trị... là ám ảnh tình dục. Đấy là điều đáng viết và khó viết hay nhất. Đấy cũng là hấp lực mạnh mẽ đối với cuộc sống nói chung và văn học nói riêng.

 

Người nào tổ chức được tình dục trong văn học nghệ thuật thì sẽ phản ánh được đời sống tự nhiên và đời sống xã hội. Tôi tin đấy là tác phẩm đáng mơ ước của các nhà văn. Tôi thấy có 2 thứ đáng ca ngợi nhất: Một là Thượng đế và hai là tình dục. Người ta sống loanh quanh cũng chỉ có hai mối quan tâm nhất đấy thôi.

 

Văn học đâu chỉ có tình dục?

 

(Cười!) Tất nhiên rồi, văn học cao siêu lắm, nói về điều này điều kia, nhưng không có tình dục thì không có văn học và người viết văn không có khao khát tình dục sẽ khó cầm bút được.

 

Giới trẻ lợi dụng đề tài tình dục và viết như là mốt?

 

Tôi nói lại nhé! Đấy là lứa tuổi ám ảnh về độ tình dục lớn nhất, những khao khát về tình dục, những tiếng gọi hoang dã trong cơ thể… rất gay cấn và thường xuyên. Có thể ở những lứa tuổi khác cũng nghe thấy tiếng gọi đấy, nhưng họ có nhiều mối quan tâm khác.

 

Tình dục là đề tài tốt, nhưng cũng cho thấy sự chật hẹp mối quan tâm trong bọn trẻ, bọn trẻ ít chỗ chơi quá. Họ có ngồi với mấy ông đàn anh lớn tuổi mắt trước mắt sau là đòi rủ đi nhà nghỉ, họ ngồi trong cơ quan với thủ trưởng hay ngồi với mấy ông thầy giáo cứ loanh quanh lại bị rủ đi nhà nghỉ.

 

Ông có buồn không khi các cây viết trẻ coi văn chương là cái chợ?

 

Tôi không biết họ có đi hết với con đường văn học hay không, nhưng tôi thấy họ nên nuôi nấng bản năng của mình, cũng nên “tầm sư học đạo”, nên tìm những bậc đàn anh hướng đạo và khuyến khích. Tôi thấy nhiều cây viết trẻ coi văn chương là cuộc chơi, nghe tôi thấy buồn. Nhưng nói thật, tôi quan niệm nghệ thuật là phải bán được, văn học cũng cần phải thế. Cái chính là nhà văn phải sống được bằng nghề viết. 

Theo Thụy Du
Vietnamnet