“Người Việt Trẻ” nối vòng tay

“19 giờ thứ bảy tuần này mọi người cố gắng họp online đầy đủ nha. Chúng ta phải gấp rút lên kế hoạch tổ chức trung thu cho các em sao cho thật ý nghĩa đồng loạt trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam”. Dòng tin nhắn đó từ Singapore của Nguyễn Đình Quý liên tục được các thành viên <a href="http://www.forum.olympiavn.org/">www.forum.olympiavn.org</a nhấp chuột.

Sẻ chia và đòi hỏi

 

“Mọi người ơi! Lấy tên “Ngọn lửa trái tim” đi. Vì nó mới thể hiện được tình cảm của những người trẻ chúng ta chứ, chúng ta là nhóm người trẻ hoạt động xã hội mà”, “Không! Phải lấy tên “Hoa hướng dương” vì như thế mới nói lên được cái tâm và tầm nhìn của chúng ta”...

 

Các thành viên, kẻ ở Sài Gòn, người ở Hà Nội, Đà Nẵng... mỗi bạn đều đưa ra ý tưởng và bảo vệ “quyết liệt” ý tưởng của mình. Cuối cùng, Nguyễn Đình Quý và ban điều hành quyết định lấy tên “Người Việt Trẻ”. “Những người Việt trẻ trước hết cần có tri thức, nhận thức để khẳng định thương hiệu “Người Việt Trẻ” với bạn bè thế giới” - chủ tịch Người Việt Trẻ Nguyễn Đình Quý chia sẻ qua net.

 

Bản thân Nguyễn Đình Quý cũng cố gắng xây dựng, thể hiện “thương hiệu” ấy khi anh từng lọt vào vòng thi năm “Đường lên đỉnh Olympia”. Đồng thời, với kết quả học tốt, Quý còn được trao học bổng toàn phần nghiên cứu sinh tiến sĩ và hiện là trợ giảng cho một giáo sư tại Trường ĐH NTU - Singapore.

 

Bước khởi đầu, ban điều hành lập các box văn học, toán học, Anh văn... cập nhật khá đầy đủ các thông tin, tư liệu về mỗi môn học. Các thành viên - đa số là học sinh THPT - mong muốn được leo “Đường lên đỉnh Olympia - VTV3”. Hàng loạt câu hỏi được đặt trong box “Thư viện đề thi” để thử thách những ai muốn khám phá kiến thức loài người.

 

“Được voi đòi tiên” các “Olympian tương lai” yêu cầu: tổ chức cuộc thi Olympus online - một hình thức thi “Đường lên đỉnh Olympia” trực tuyến vào mỗi chiều chủ nhật để các member có cơ hội thể hiện khả năng chinh phục kiến thức. Sau mỗi cuộc thi trực tuyến, phần thưởng cho người chiến thắng ngoài “vòng nguyệt quế ảo” là những cuốn sách tri thức sẽ được gửi cho người chiến thắng qua đường bưu điện.

 

Tấm lòng Người Việt Trẻ

 

Ban điều hành quyết định các thành viên phải họp online trực tuyến mỗi tối thứ bảy hằng tuần để theo dõi và bàn kế hoạch hoạt động cụ thể ở mỗi miền. Miền Bắc là Phạm Văn Thắng, miền Trung: Trần Thị Ngọc Ánh, miền Nam: Dương Thị Thanh Tâm chịu trách nhiệm điều phối, phổ biến nội dung sao cho phù hợp với tình hình cụ thể từng miền. Chủ tịch Nguyễn Đình Quý - từ Singapore - chịu trách nhiệm chung.

 

Từ đó, mấy tháng nay bọn nhóc ở Làng nuôi dạy trẻ em mồ côi Hà Cầu (thị xã Hà Đông) quen mặt các anh chị Nguyễn Xuân Hiếu (SV năm 2 ĐH Xây dựng Hà Nội), Nguyễn Thị Mộng Điệp (HS lớp 12 Trường Hồ Xuân Hương), Huệ Giang (SV ĐH Ngoại thương) của Người Việt Trẻ... đến không chỉ dạy học mà còn chỉ vẽ từ cách đi đứng, ăn ở, kể chuyện cổ tích...

 

Riêng chuyến thăm nạn nhân bão Chanchu của nhóm Người Việt Trẻ miền Trung vừa qua khiến mẹ bé Nguyễn Thị Gái (lớp 4 Trường tiểu học Bình Minh) khi đưa con đến nhận quà đã xúc động: “Trẻ thế mà đã biết nghĩ đến người khác”.

 

Cô bé Tú Uyên - member vượt đèo ngoạn mục - năm nay mới lên lớp 10 Trường Trần Cao Vân (Tam Kỳ, Quảng Nam), thức dậy từ lúc 5g sáng để đón xe buýt ra Bình Minh kịp cùng tham gia chuyến đi với mọi người. Uyên ra vẻ người lớn: “Em cũng muốn góp phần khẳng định thương hiệu Người Việt Trẻ”.

 

Các thành viên của Người Việt Trẻ khoảng 4.000 bạn đang ráo riết bắt tay thực hiện dự án “Xây dựng website quảng bá và phân phối sản phẩm cho các đơn vị hoạt động xã hội” do chủ tịch Nguyễn Đình Quý và Nguyễn Minh Hải Nguyên viết.

 

Dự án này đã lọt vào vòng trong cuộc thi “Sống vì cộng đồng” (do báo Tuổi Trẻ, Hội đồng Anh, Prudential phối hợp tổ chức). Nhưng trước hết, tất cả đang hẹn nhau: làm sao tổ chức Trung thu cho các em có hoàn cảnh khó khăn thật ý nghĩa cùng lúc trên cả nước.

 

Theo Hằng Sa
Tuổi Trẻ