Người trẻ "ngại" Tết vì áp lực, ám ảnh với những câu hỏi khó
(Dân trí) - Tết là dịp để người ta trở về sum vầy cùng gia đình sau một năm tất bật, thế nhưng với nhiều bạn trẻ thì năm mới cũng thật "đau đầu" vì phải đối mặt với những áp lực và loạt câu hỏi khó đỡ.
Ám ảnh vì bị hỏi "Bao giờ lấy chồng?"
Nguyễn Thị Tuyết Nga (27 tuổi, Đồng Tháp) cảm thấy ám ảnh mỗi khi Tết đến lại "bị" hỏi những câu như: "Bao giờ lấy chồng"; "Có người yêu chưa?"; "Sao không thấy dẫn ai về ra mắt?"... Chuỗi câu hỏi này lặp đi lặp lại khiến Nga áp lực và mệt mỏi, nhiều khi không muốn nói chuyện vì bị nhắc chuyện chồng con.
Tuyết Nga kể thêm: "Tết mình toàn bị hỏi những câu xoáy vào chuyện riêng tư. Ngoài ra, còn kèm theo một số câu hỏi khác, rồi những lời nhận xét khiếm nhã, kiểu như "Con gái học nhiều rồi cũng chỉ lấy chồng là hết"; rồi "Trông cũng xinh gái mà ế là sao"...
Mình không biết bao giờ mọi người sẽ chấp nhận việc người khác tự lựa chọn cuộc sống của họ. Nếu thấy thương họ, nhắc 1-2 lần là đủ. Có nhiều thứ mình muốn giữ cho riêng mình, đôi khi không thể tâm sự với người thân. Mình an yên với cuộc sống hiện tại, có bạn bè và công việc.
Hơn thế nữa, mình còn độc thân nên mỗi lần Tết đến rất sợ cảm giác bị hỏi khi nào lấy chồng. Mình chỉ muốn đi du lịch ngày Tết để né tránh những điều này nhưng cũng muốn gần người thân lắm, áp lực ngày một lớn dần theo năm tháng".
Dọn dẹp nhà cửa "như một cái máy"
Dọn dẹp nhà cửa "như một cái máy" là cảm giác của Phương Thảo (24 tuổi, Hà Tĩnh) khi nói đến "nỗi sợ" ngày Tết. Thảo làm việc xa nhà nên cô hy vọng Tết sẽ là thời gian để nghỉ ngơi và tận hưởng những khoảnh khắc vui vẻ bên người thân.
Thế nhưng, hầu như năm nào cô cũng quần quật dọn dẹp nhà cửa từ khi năm mới bắt đầu gõ cửa cho đến kết thúc ngày Tết. Thảo kể: "Công việc ám ảnh nhất khi Tết về với mình có lẽ là dọn dẹp nhà cửa. Mình cứ có cảm giác chỗ nào, góc nào cũng phải lau chùi, dọn dẹp.
Dọn nhà mệt phờ rồi, lại phải trả lời thêm loạt câu hỏi "khó đỡ" của họ hàng, hàng xóm, nào là người yêu, tiền lương… đủ thứ chuyện trên đời. Cuối cùng kết thúc một ngày với cái chổi để quét dọn vỏ hạt vương vãi trên nền nhà".
Áp lực chuyện tiền bạc, lương thưởng
Huyền Trang (22 tuổi, Yên Bái) làm việc ở Hà Nội, thế nên cô háo hức chờ đợi đến Tết để trở về sum vầy cùng gia đình. Thế nhưng, niềm vui đoàn viên chưa kịp dài thì cô đã ngán ngẩm khi mọi người cứ chú ý đến chuyện lương, thưởng vào cuộc gặp ngày Tết. Trong khi đó, mức lương của cô chưa cao, lại còn nhiều khoản phải chi tiêu.
Cô gái trẻ tâm sự: "Đến Tết mình cảm thấy khá áp lực chuyện tiền bạc, quà cáp rồi mọi người cũng hỏi về vấn đề tiền lương, thưởng. Mức lương ở Hà Nội của mình không quá cao, lại thêm mức sống cũng đắt đỏ nên khó để tiết kiệm. Nhiều khi có người nói rằng đi làm cả năm không có một khoản tiết kiệm nào mình cũng mặc kệ, không đáp lời.
Mình nghĩ Tết là dịp để mọi người quây quần bên nhau, thay vì chú ý người này có bao nhiêu tiền, người kia được thưởng như thế nào thì hãy hỏi han tinh tế thôi. Mình đón Tết với tâm thế về nhà là vui, bố mẹ mình cũng không quá áp lực mình phải "mang tiền về cho mẹ".
Thông thường mình sẽ chuẩn bị những món quà nhỏ nhưng ý nghĩa, phù hợp. Đừng để mấy ngày Tết bớt vui vì bị hỏi chuyện tiền nong, năm mới nên dọn dẹp áp lực tài chính, ra năm lại tiếp tục chăm chỉ làm việc để có khoản tích lũy thôi. Mình nghĩ như thế để bớt áp lực đi (cười)".
Sợ "phải làm người trưởng thành"
Khác với mọi năm, Tết 2023 Minh Hương (27 tuổi, Quảng Bình) về ra mắt gia đình bạn trai để ra năm tính "chuyện trầu cau". Bởi thế, cô cảm thấy khá áp lực khi "phải làm người trưởng thành".
"Mình không ngại phải làm việc bếp núc nhưng mỗi nhà có khẩu vị, thói quen ăn uống riêng nên mình sợ làm không đúng. Rồi những cuộc họp mặt gia đình, họ hàng, mình áp lực vì nghĩ đến ánh nhìn dò xét của người khác. Bạn trai động viên mình rằng hãy cứ thoải mái nhưng nghĩ đến thôi mình cũng sợ rồi, làm sao mà thả lỏng tâm lý được.
Mỗi năm Tết đến mình sợ nhất bị hỏi "sao chưa lấy chồng?"; rồi "đi làm chắc đưa được nhiều tiền về cho bố mẹ lắm"... Có rất nhiều câu hỏi vô duyên được người ta đưa ra, không chú ý đến cảm xúc của đối phương luôn. Đúng là càng lớn thì càng thấy Tết có nhiều áp lực".