Người trẻ Hà Nội “phải lòng” Long Biên

(Dân trí) - Có những tình yêu không thể hôn hít, ôm ấp. Có những tình yêu dành cho cả những vật vô tri như gỗ đá và đôi khi là cả khối sắt khổng lồ. Bắc qua sông Hồng, cầu Long Biên đẹp lãng mạn và “đáng yêu kinh khủng”.

1. Quy định chỉ các phương tiện hai bánh và người đi bộ được phép qua cầu nên cây cầu Long Biên lịch sử trở nên đặc biệt hấp dẫn. 

Không nhiều khói bụi và tạm biệt tiếng còi ôtô chói tai ở nội thành, biểu tượng của kiến trúc này có góc nhìn rất ấn tượng: Sông Hồng ngầu đỏ, một bãi bồi xanh ngắt nằm giữa và đối diện sang bên là cây cầu Chương Dương mà khi về đêm là một dải ảnh sáng màu vàng rực… Vẻ đẹp thật khó thờ ơ!

Ngọc Mai (SV Đại học Luật) thích ngắm mặt trời lặn trên cầu Long Biên, đây là nơi lần đầu tiên Mai nhận được cái xiết tay ấm áp và không chỉ một lần.  

Trên cầu có những đoạn được thiết kế riêng để những chiếc xe đỗ lại, đó là lý do để Phương (THPT Chu Văn An) và bạn bè của mình thường hay ra đây ngắm cảnh và chụp ảnh: “Ai nhìn hình em chụp cũng đòi ra đây làm một tấm như thế”. 

2. Long Biên vẫn giữ được dáng vẻ cổ xưa của nó. Không có quán xá đắt tiền, không có người thu tiền dịch vụ. Có chăng chỉ là đôi ba hàng bán rong với một vài thứ hoa quả quê của những cô bán hàng mộc mạc chân chất.  

Người trẻ Hà Nội “phải lòng” Long Biên  - 1
Nét yên bình và cổ xưa của cầu Long Biên. 

Khung cảnh lãng mạn này khiến cầu Long Biên cứ dập dìu từng đôi đứng hóng mát vào mỗi buổi hoàng hôn. Thi thoảng, lại nghe tiếng một đoàn tàu rầm rập đi qua. Thứ âm thanh từ bao nhiêu năm nay vẫn thế. 

Phương Thảo đang vừa làm ở công ty nước ngoài, vừa học thêm thạc sĩ, thời gian rỗi là một thứ xa xỉ. Nhưng thứ xa xỉ ấy được dùng để lang thang Hà Nội cuối tuần và điểm nhấn là Long Biên, Thảo gọi nó là “nơi nhiều gió nhất Hà Nội”. Dưới gầm cầu, phía nội thành là một cái chợ xanh mang “một sự sống mãnh liệt và cuốn hút”, trước khi về nhà bao giờ Thảo cũng mua một chút hoa quả về nhà cho các em của mình. 

3. Có một cô gái Sài Gòn đã hỏi Nam (Sinh viên trường Xây dựng): “Tại sao hướng xuôi của cầu Long Biên lại đi về bên tay trái?” Nam trả lời: “Đó là một nét riêng, nét riêng để nhớ, để nhận ra nó”. Không giải thích được điều khó hiểu của Long Biên, nhưng Nam giải thích được một lý do đặc biệt để Long Biên được người trẻ nhớ lâu và yêu thương đến thế. 

Sau này khi sang Mỹ du học, Nam đã viết thư cho cô gái ấy miêu tả về nỗi nhớ Hà Nội: “Ở đây có mọi thứ, có cả cầu Brooklyn nhưng không có cầu Long Biên, không có gió sông Hồng…”

Cao Cường