Người khởi xướng

Nguyễn Minh Mẫn là đại diện duy nhất của Việt Nam nhận giải thưởng “Thanh niên ASEAN” khối ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) vì những kết quả nhiều năm liền miệt mài giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho thanh niên...

Những bài học

1. 22 năm trước, Mẫn còn trẻ và là bí thư Đoàn kiêm luôn chủ tịch Hội LHTN phường Tam Hiệp (TP Biên Hòa, Đông Nai). Ngày ngày đi dạy lớp học tình thương. Một em học trò ngày nào cũng đến lớp Mẫn sau những giờ rong ruổi bán vé số khắp các ngả đường. Cha em lúc nào cũng chìm trong men rượu, bỏ mặc mấy chị em. Cô bé theo các chị lớn cùng lớp chơi hụi chỉ với một ước mơ duy nhất: có tiền làm giỗ cho mẹ.

Chuyện đến tai Mẫn. Không phải là người mau nước mắt vậy mà đêm đó Mẫn rơi nước mắt. Việc đầu tiên anh làm sau cái đêm thao thức ấy là đi vận động bất kể chỗ nào có thể hỗ trợ em kinh phí học hành, thôi chơi hụi. Và anh giúp được. Bài học đầu tiên Mẫn rút ra là: phải thấu hiểu hoàn cảnh sống của từng bạn trẻ quanh mình.

2. Muốn tổ chức sân chơi hè cho các trẻ trong phường mà... không có tiền. Ngày thi văn nghệ Hoa phượng đỏ kề bên cũng không xin đâu được, Mẫn quyết định bán chiếc xe đạp của mình. Cầm vài trăm ngàn trong tay, Mẫn tự tin dắt “đám con nít” của phường đi thi. Một cô bé học trò trong đoàn năm đó đã nói hết sức ngây thơ: “Mai mốt em lớn lên muốn giống thầy” làm Mẫn cười sung sướng. Bài học thứ hai: đến với bạn trẻ bằng lòng thành sẽ chẳng có gì là mất mát.

3. Nhưng chuyện anh “qua mặt” ngân hàng để vay tiền cho các bạn chăn nuôi là chuyện “bây giờ mới nói”. Đất để không, trong khi thanh niên lại chịu cảnh thất nghiệp vì thiếu tiền. Gom những bạn đồng cảnh ngộ, anh lên kế hoạch làm ăn. Nhà nào có sẵn ao cá thì cải tạo ao, nhà nào có chuồng nuôi heo thì làm dự án vay tiền nuôi heo, nhà nào có vườn rộng thì nuôi gà.

Nhưng khổ nỗi có nhà muốn nuôi cá nhưng lại chưa đào ao, mà phải có ao mới được vay. Thế là anh nghĩ ra cách: thanh niên “mượn” ao của nhau để lập dự án, một cái ao mà làm được đến... ba dự án vay tiền. “Nếu không làm vậy, các bạn đâu có tiền làm ăn”. Mọi chuyện trót lọt, không rủi ro gì, cũng chẳng ai “xù” nợ ngân hàng. Bài học thứ ba: nếu cán bộ cơ sở linh động và gần thanh niên, chẳng có khó khăn nào là không thể giải quyết.

...Và bài học thứ... n: đừng tự nhận mình là bạn với thanh niên nếu mỗi cán bộ còn ngày ngày ngồi ở bàn giấy, không xuống cơ sở, không biết những bạn trẻ đang đối mặt với cuộc mưu sinh hằng ngày ra sao.

“Bà đỡ” cho những ước mơ vào đời

Hai năm liền Trung tâm Dịch vụ việc làm dạy nghề thanh niên tỉnh do anh lãnh đạo là một trong những đơn vị dẫn đầu khối trung tâm dạy nghề và giải quyết việc làm của T.Ư Đoàn. Mười năm hoạt động với biết bao thăng trầm, trung tâm đã giới thiệu việc làm cho trên 37.500 bạn trẻ (trong đó trên 12.000 bạn có việc làm ổn định) và đào tạo nghề cho gần 15.000 bạn...

Vậy mà khi “chai mặt” gõ cửa các trường ĐH lớn tại TPHCM tìm giáo viên đứng lớp anh đã nhận được những ánh nhìn nghi ngờ vì “biết được chất lượng trung tâm ra sao mà hợp tác”. Không dài dòng, Mẫn mời các thầy cô cứ giám sát trực tiếp các khóa học tại trung tâm rồi hãy quyết định. Sau đó, trong danh sách giáo viên đứng lớp đã có những giảng viên đến từ những đơn vị nói trên.

Đó là chuyện của vài năm trước. Còn hiện nay, những lớp học nghề, tin học, Anh văn được mở đều đặn hằng tháng. Số người tìm việc có thời điểm lên đến gần 1.000 người/tháng nhưng vẫn chưa làm “ông giám đốc” mỉm cười. “Nếu xét trên qui mô toàn tỉnh, con số ấy vẫn còn khiêm tốn lắm. Chỉ khi nào các bạn đến với trung tâm của mình như tìm đến mái nhà chung, lúc đó mới cười được” - giám đốc “tham lam” nói.

Gần đây nhất là những đợt tiếp xúc với bộ đội xuất ngũ ở các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, anh đã hình thành trong đầu dự án “kêu gọi các nhà doanh nghiệp trẻ góp quĩ để giúp các bạn làm ăn”. Mẫn nói thẳng thắn với những bộ đội xuất ngũ: “Nếu các bạn chịu làm ăn một cách nghiêm túc, tôi sẵn sàng đứng ra bảo lãnh để trợ vốn cho các bạn”.

Mà thật ra đó cũng chỉ là bước đi kế tiếp sau khi anh đã “trần mình” giải trình với các ban ngành về dự án thành lập Trường đào tạo nghề 26-3 dành riêng cho đối tượng bộ đội xuất ngũ. Ngôi trường mơ ước ấy đang đi vào hoạt động, khóa học đầu tiên đang được chiêu sinh và dự kiến khai giảng trong nay mai. Điều anh trăn trở lớn nhất không phải là sẽ có bao nhiêu bộ đội xuất ngũ tìm đến học mà chính là đào tạo sao cho có hiệu quả.

Dự định chẳng lúc nào thiếu, chỉ sợ không đủ thời gian để thực hiện. Chẳng vậy mà ngay khi cưới vợ, Mẫn đã “quán triệt tư tưởng” (theo cách nói của anh) với vợ về công tác của mình: đi, đi và đi. Cũng may vợ anh, một giáo viên tiếng Anh cấp II, chấp nhận được vì cũng từng là cán bộ Đoàn.

Anh lại đang bắt tay, mà nói đúng hơn là “dụ dỗ” một doanh nhân (đang thành lập một trường tư thục cấp III) cùng anh thực hiện ý tưởng đưa chương trình đào tạo những kiến thức dành cho doanh nhân vào trường học giúp bạn trẻ định hướng, biết lập dự án kinh doanh, biến ý tưởng làm ăn thành hiện thực. Đó cũng là thu thập sau chuyến đi nhận giải thưởng “Thanh niên ASEAN” vừa rồi ở Indonesia. Phải rút được cho mình “một điêu gì đó” là cách mà anh vẫn chưa bao giờ bỏ qua trong mỗi chuyến đi xa... 

Theo Quốc Linh
Tuổi Trẻ