Người dám “nhập khẩu” giáo trình “triệu đô”
Tại Mỹ, giáo trình mà cựu sinh viên chuyên Toán Tổng hợp Nguyễn Thế Trung quyết định “nhập khẩu” chỉ có 100-200 sinh viên được học mỗi năm, 16 người thi chỉ 1 người được chọn học, mức học phí thuộc hàng “khủng” là 36.000 USD/năm.
Nguyễn Thế Trung
Mua một giáo trình với giá “triệu đô”
Nguyễn Thế Trung, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ DTT vừa bước qua tuổi 30, nhưng đã quản lý một công ty với 200 nhân viên, với các chi nhánh và liên doanh toàn cầu tại Mỹ, Singapore và Đan Mạch.
Từng rất thành công trong “kinh doanh các giải pháp và dịch vụ công nghệ thông tin”, đoạt hai giải Sao Khuê về xuất khẩu phần mềm năm 2007, song thương vụ “đình đám” nhất của anh lại là dám nhập khẩu giáo trình “triệu đô” của Đại học Carnegie Mellon - Đại học về công nghệ thông tin hàng đầu tại Mỹ.
Đây là bộ giáo trình về kỹ nghệ phần mềm được thiết kế dựa trên thực tiễn kinh doanh của các công ty toàn cầu như HP, Google, Microsoft, Boeing...
Tại Mỹ, giáo trình này chỉ có 100-200 sinh viên được học mỗi năm, 16 người thi chỉ 1 người được chọn học, mức học phí thuộc hàng “khủng” là 36.000 USD/năm.
Giá của giáo trình lên tới 8 con số, tính theo đôla Mỹ. Và mặc dù, nhờ có sự hỗ trợ của hãng Boeing, thông qua liên hiệp SEG Vietnam, DTT đã mua được giáo trình này với mức giá “hữu nghị” hơn, song nó cũng là một khoản đầu tư tiền triệu.
Nguyễn Thế Trung vốn là dân chuyên Toán Tổng hợp Hà Nội, từng giành giải nhì Toán quốc tế năm 1995, tại Canada. Năm 1996, anh sang Úc học công nghệ thông tin tại Đại học Công nghệ Sydney, theo học bổng toàn phần của Chính phủ Úc. Tại đây, năm thứ 4, mặc dù chưa tốt nghiệp, Trung đã làm giám đốc kinh doanh cho một công ty của Úc với mức lương 70.000 đôla Úc/năm, quản lý nhiều nhân viên có bằng thạc sĩ, tiến sĩ... |
Chấp nhận mạo hiểm cho… điều muốn thấy
Chấp nhận mạo hiểm, Trung bảo, vì anh muốn thấy các bạn sinh viên có đam mê có được cơ hội học với giáo trình tốt nhất, để khi ra trường các bạn có thể làm việc ở bất kỳ đâu trên Trái đất này, góp phần tạo ra một nguồn nhân lực phần mềm chất lượng cao cho Việt Nam.
Thời điểm đó, kinh tế Việt Nam gặp khó khăn, hoạt động đầu tư, nói chung, không được ủng hộ của các ngân hàng. Các doanh nghiệp phải tự “bơi”. “Nhưng tôi quyết không bỏ lỡ, dù biết đầu tư sẽ có thể rủi ro. Bởi vì tôi muốn chúng ta sẽ thành công cả trong “kinh doanh tri thức” - Trung nói.
Ý tưởng như một cái cây
Sẵn sàng “đặt cược” để mang “cái mới” về Việt Nam, nhưng Trung quan niệm, ý tưởng như một cái cây, phải nảy mầm từ mảnh đất hiện thực. Không thể lấy cây của người khác đã lớn, rồi đem về trồng trên mảnh đất của mình.
“Tôi thường bắt đầu suy nghĩ và nghiên cứu thông tin, trải qua quá trình “công phá não”, kỹ nghệ hóa tri thức thành một chiến lược, chứ không phải hình thành ý tưởng theo kiểu bất chợt”.
Triết lý của Nguyễn Thế Trung khá đơn giản: "Luôn mở rộng đường chân trời, cộng tác toàn cầu, làm việc hết sức mình và chỉ làm những việc mà tôi cho là đúng...".