Người con gái lạc quan trước nỗi buồn đau

(Dân trí) - “Khát vọng sống để yêu” giúp người ta hiểu hơn về nội tâm của một cô gái nhạy cảm và yêu quá cuộc đời này.

Sau khi xuất bản quyển sách gần như là tự truyện của cuộc đời mình Khát vọng sống để yêu, người ta biết đến Nguyễn Hồng Công như một cô gái đầy nghị lực, chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo viêm cầu thận và vẫn không ngừng lạc quan và yêu thương cuộc sống này.

Phải luồn lách mãi qua những ngõ nhỏ mới tìm được đến nhà trọ của Hồng Công bởi thời tiết giá lạnh của Hà Nội khiến chân chị phù nề hết cả lên và không thể bước đi được. Cho dù sức khoẻ của chị đã kém đi rất nhiều so với ngày ra cuốn sách đầu tiên, nhưng có một điều không thay đổi ở chị, vẫn là sự lạc quan hết mức về cuộc sống, về những nỗi buồn không ngừng đến trong cuộc sống của mình.
 
Người con gái lạc quan trước nỗi buồn đau - 1

12 năm chống chọi với căn bệnh nghiệt ngã, lọc máu 3 lần một tuần, 
nhưng sự lạc quan vẫn luôn đầy ắp trên gương mặt Nguyễn Hồng Công

Khát vọng sống để yêu

12 năm chống chọi với căn bệnh nghiệt ngã, lọc máu 3 lần một tuần, những ngày dị ứng thuốc sưng tấy mặt mũi và trở nên “nở ngàn hoa trên mặt”, thuộc làu những tên thuốc mình có thể dùng được hoặc không dùng được, nhưng những điều ấy không khiến Hồng Công ngừng lạc quan và ngừng yêu thương cuộc sống này. Nụ cười vẫn luôn nở rất tươi, và khát khao được làm nhiều, thật nhiều việc hơn nữa để có thể giúp đỡ được những người bất hạnh xung quanh mình vẫn luôn thôi thúc chị.

12 năm, quãng thời gian đủ dài với một cuộc sống con người, huống chi với một cô gái đang phải từng ngày đối diện với căn bệnh quá hiểm nghèo này. Kinh nghiệm sống giúp Hồng Công thấu hiểu được cảm giác đau khổ của những người trẻ - những người bạn cùng trong “khu bệnh thận” của chị, chị cũng hiểu cả những tuyệt vọng và muốn buông xuôi của những người bạn bất hạnh ấy. Chính vì thế, chị luôn cố gắng mỗi ngày, để động viên họ, cổ vũ họ bằng cách lấy chính bản thân mình ra để “làm gương”.

Hồng Công còn chia sẻ về những người bạn đã tìm đến với chị trong cuộc sống. Ngẫu nhiên, chị trở thành “bác sĩ tư vấn tình yêu - hôn nhân và gia đình”, chị cười và tự nhận thế.

Khát vọng sống để làm việc

Hồng Công vẫn không ngừng đi. Trừ những ngày buộc phải đến viện để lọc máu và chạy thận, chị vẫn cứ đi thăm và giúp đỡ những trẻ em nghèo. Sau Khát vọng sống để yêu, chị ngày càng trở nên lạc quan hơn, nghĩ nhiều hơn, làm nhiều hơn và yêu thương rộng mở. Chị kể về những người bạn nhỏ - những cô bé, cậu bé với cuộc sống cực kì khó khăn và cần sự giúp đỡ. Chị vẫn tự tìm đến thăm họ, giúp đỡ trong khả năng có thể, tìm đến niềm vui trong cuộc sống và cho mình lí do để tiếp tục cố gắng chiến đấu. Chị khiến người đối diện nể phục bởi sức mạnh và nghị lực tỏa ra từ mình.
 
Người con gái lạc quan trước nỗi buồn đau - 2

Đi thăm, giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt là "công việc" không thể thiếu của Nguyễn Hồng Công

Những ngày này, Hồng Công bị dị ứng rất nặng. Sức khoẻ ngày càng trở nên kém đi khiến chị đôi khi dù chỉ muốn viết vẫn rất khó để có thể làm được. Nhưng rồi sự lạc quan hiếm thấy và tinh thần sống mạnh mẽ giúp chị rất nhiều. Những nỗi buồn vẫn không ngừng đến trong cuộc sống, nhất là với những người sống một mình như chị, nhưng chị chống chọi với những nỗi buồn cũng bằng sức lực mạnh mẽ khiến người khác cảm thấy ngạc nhiên. Hồng Công nghĩ rằng mình cần đến tinh thần rất lớn, sự hài hước trong cuộc sống đem lại sự “cứu rỗi” chị trong những ngày cảm thấy mình bắt đầu trở nên trầm cảm.

Hồng Công thố lộ, chị chỉ làm thơ vào những lúc buồn, buồn nhất. Chị viết thơ theo mạch cảm xúc của mình. Những câu thơ đơn lẻ, cô độc như chị, như đời chị... Anh thì bèo giạt mây trôi, anh thì đứng đó xa xôi đợi chờ…

Và yêu thương vẫn còn…

Người yêu cũ của chị thỉnh thoảng vẫn đến thăm. Chị không ngừng giục anh cưới vợ. “Nhưng có lẽ anh đã qua tuổi muốn lấy vợ rồi”, chị cười. Yêu thương vẫn còn trong chị, nhưng với một tương lai không chắc chắn, Hồng Công chôn giấu yêu thương của mình ở một góc sâu đáy tim, và từ nơi ấy, chị yêu thương cuộc đời này, những con người bất hạnh khác trong cuộc sống.

Vẫn sống một mình ở căn nhà chị thuê, tự chăm sóc mình trong tất cả mọi vấn đề. Đi chợ, nấu ăn, viết lách và làm những việc khác cũng chỉ một mình. Hồng Công mong mỏi có thể tự mình nuôi sống mình bằng cách viết. Khát khao lớn nhất của cuộc đời chị, đến tận bây giờ, khi 30 tuổi, vẫn là có thể sống hoàn toàn tự lập, không còn phụ thuộc vào bố mẹ nữa.

“Mình hi vọng mình sẽ có đủ tiền để xuất bản quyển sách thứ 2 của mình. Cuốn sách vẫn đang trong giai đoạn chỉnh sửa bản thảo và dự định sẽ đến với bạn đọc vào đầu năm 2009 này”, chị chia sẻ.

Nguyên Phan