Người ái kỷ luôn giữ 5 thói quen tài chính độc hại
(Dân trí) - Người ái kỷ hay còn biết đến là kiểu người yêu bản thân thái quá, là một trong những tính cách thách thức đối với các mối quan hệ xung quanh.
Điều đáng tiếc là một số đặc điểm ái kỷ phổ biến nhất, như tự cao, luôn cho mình là đúng, có quyền và thiếu sự đồng cảm, đã gia tăng trong những năm gần đây. Tệ hơn nữa, những đặc điểm này thường không được quan tâm hoặc bị bỏ qua, đặc biệt là ở những người không biết về chứng ái kỷ hoặc có những tổn thương khác, như thiếu tự trọng.
Tiến sĩ, nhà tâm lý học Ramani Durvasula nhận thấy, ái kỷ là một kiểu tính cách không tốt, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và hoạt động của những người đang "vướng" vào hội chứng này, đặc biệt là khi liên quan đến vấn đề tiền bạc.
Những người theo chủ nghĩa ái kỷ tìm kiếm quyền lực trước người khác, để cảm thấy bản thân tốt hơn; tiền bạc là công cụ họ sử dụng để thao túng và kiểm soát.
Dưới đây là những thói quen độc hại liên quan đến tiền bạc đã được những người bị ái kỷ chia sẻ và cách đối phó với chúng.
1. Luôn giữ bí mật về tài chính
Trong những mối quan hệ thân thiết, người mắc chứng ái kỷ vẫn giữ bí mật về tình hình tài chính của họ, chẳng hạn như họ kiếm được bao nhiêu hoặc đã tiết kiệm được bao nhiêu.
Họ không chia sẻ cùng bạn và có thể đưa ra các quyết định về tiền bạc từ một phía và kiểm soát cả việc chi tiêu của bạn với tư cách là vợ/chồng. Họ có thể nói rằng: "Hãy để em/anh chịu trách nhiệm về tài chính của chúng tôi, để em/anh không phải căng thẳng về nó".
Điều này cũng có thể xảy ra trong kinh doanh. Một người đồng sáng lập công ty với bạn nếu là người ái kỷ có thể nói với bạn rằng: "Vì bạn là thiên tài sáng tạo, nên tôi sẽ quản lý đống tiền nhàm chán".
Cách giải quyết: Nếu bạn không cảm thấy tự tin về tiền bạc thì việc để đối tác xử lý nó có thể là một đề nghị hợp lý. Song, nó có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn, bạn sẽ dễ bị mất điểm trong tín dụng nếu có những hóa đơn thanh toán không đúng hạn. Vì thế, bạn hãy tham gia và biết được lợi ích trong bất kỳ quyết định tài chính nào ảnh hưởng đến bạn.
2. Chỉ hào phóng với người ngoài
Đối với những người ái kỷ, việc chi một số tiền lớn cho người khác có thể là cách để khiến người khác thích họ. Ví dụ, họ có thể rất keo kiệt trong việc chi tiêu riêng tư cho gia đình, nhưng có thể mời đồng nghiệp ăn bữa tối hoặc tặng quà cho họ.
Trải nghiệm này có thể khiến người ái kỷ như bị tách biệt, lại vừa gây khó chịu cho người thân vì cảm thấy không được đối đãi tử tế.
Hãy tưởng tượng, chồng bạn khăng khăng đòi chi trả cho một bữa ăn đắt tiền với bạn bè, sau đó lại thể hiện sự giận dữ khi nói về những người bạn đó.
Cách giải quyết: Việc sống bên cạnh một người quá yêu bản thân có thể sẽ khiến bạn mệt mỏi về tinh thần. Để giữ mối quan hệ được lành mạnh, hãy giải tỏa cảm xúc bằng cách viết nhật ký hoặc tìm đến bác sĩ trị liệu. Bạn thậm chí có thể áp dụng những giải pháp cứng rắn như đặt ra ranh giới tình cảm nghiêm ngặt hoặc thoát khỏi mối quan hệ hoàn toàn nếu họ không muốn thay đổi.
3. Tiết kiệm quá mức
Những người theo chủ nghĩa ái kỷ có thể rất hào phóng trong việc chi tiêu cho bản thân, dù đôi khi đó là nhu cầu không thực sự cần thiết, chẳng hạn như mua một chiếc đồng hồ hàng hiệu mà họ không đủ khả năng chi trả, nhưng lại quá tiết kiệm cho những thứ cần thiết khác, như thực phẩm, chi phí y tế, các vật dụng gia đình cơ bản.
Bởi vậy, những người sống cùng người ái kỷ phải âm thầm tiết kiệm tiền để có thể tự lo cho bản thân. Dù cảm thấy bực bội đến mức nào, nó có thể là cách để cảm thấy dễ dàng hơn nhiều so với việc tranh cãi với người ái kỷ.
Những hành vi này cũng phổ biến trong kinh doanh. Ví dụ, một người sáng lập hoặc CEO công ty mắc chứng ái kỷ có thể luôn chậm trả lương cho nhân viên nhưng lại sử dụng tiền của công ty để mua vé máy bay hạng thương gia và đặt khách sạn sang trọng.
Cách giải quyết: Với tư duy phục vụ bản thân người ái kỷ rất khó nhận biết hoặc xác định được cảm xúc và nhu cầu của người khác. Nếu tình trạng này đang ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình hay gây cản trở công việc kinh doanh, hãy trò chuyện chân thành với họ. Sau đó, lùi lại một bước và suy nghĩ xem liệu mối quan hệ đó có đáng để níu kéo hay không.
4. Đạo đức giả
Ái kỷ và đạo đức giả dường như đi đôi với nhau, vì đạo đức giả là một hình thức hưởng quyền. Hầu hết những người ái kỷ đều tin rằng các quy tắc có thể nhanh chóng thực thi đối với người khác không áp dụng cho mình, bao gồm cả những quy tắc về tiền bạc.
Một đối tác ái kỷ có thể tiêu xài hoang phí cho bản thân và thường xuyên thổi bay ngân sách chung của bạn, sau đó quay sang chỉ trích bạn đã tiêu nhiều hơn mức họ cho là cần thiết. Hãy tưởng tượng một người đồng nghiệp liên tục chi tiền cho những bữa tối thịnh soạn nhưng lại chỉ trích bạn vì thỉnh thoảng đi ăn trưa ở ngoài.
Cách giải quyết: Bạn cần lưu giữ những bằng chứng chi tiêu thiếu công bằng trong những trường hợp bạn cần thông tin đó cho các mục đích hợp pháp. Và hãy nhớ rằng, bạn có quyền được chi tiêu ngân sách của mình. Ý thức về sự công bằng tài chính đối với một người ái kỷ thường không thực tế.
5. Xem tiền là công cụ trừng phạt
Những người theo chủ nghĩa ái kỷ thường sử dụng tiền bạc như một công cụ để trừng phạt. Họ có thể thưởng cho bạn về mặt tài chính khi bạn làm những gì họ muốn và sau đó giữ lại tiền khi họ có ý định báo thù. Điều này có thể khiến mọi người cảm thấy thiếu an toàn, không được tôn trọng và khó hiểu.
Ví dụ, họ có thể lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ sang trọng vào ngày sinh nhật của bạn, và sau một cuộc tranh cãi sẽ từ chối thanh toán các chi phí thiết yếu. Bạn thậm chí có thể cảm thấy bắt buộc phải tham gia vào những "trò chơi" của người ái kỷ để duy trì những chi tiêu trong gia đình hoặc doanh nghiệp.
Cách giải quyết: Bạn hãy dành một số quỹ riêng cho các chi phí cơ bản. Bởi vì sự chuẩn bị sẽ giúp bạn đưa ra những chiến lược để quản lý và xử lý các tình huống, tránh rơi vào bế tắc.