“Ngược đời” chàng trai vào rừng gieo lan

(Dân trí) - Sau hơn 20 năm, anh Võ Văn Công (40 tuổi, Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku, Gia Lai) đã sở hữu gia tài “khủng” với hơn 800 loài lan rừng quý hiếm. Nhưng điều người ta thán phục về chàng trai này là làm việc “ngược đời” khi sưu tập giống lan quý sau đó đưa vào rừng để trồng, nhân giống.

Đam mê lan rừng từ nhỏ

Với niềm đam mê lan từ nhỏ, Công đã đi khắp các điểm bán lan rừng để tìm cho mình những giống lan quý. Hơn 20 năm nay, anh đã có khu vườn lan rộng gần 1.000 m2 với gần 800 loài lan. Điển hình như một số loại giống lan quý đang có quy cơ tuyệt chủng như: Giả Hạc, Bầu Rượu, Địa Ngũ Sắc, Kiếm Hồng Lan…

Tâm sự với PV, anh Công cho biết: “Gần 20 năm trước, tôi vào rừng, thấy rất nhiều cành lan khoe sắc rực rỡ bám đầy trên những thân cây bị đốn hạ nên tôi đã mang về nhà để ngắm. Nhiều người cũng hỏi mua nhưng tôi chưa bán một cây nào…”.


Vườn lan rừng quý hiếm với gần 800 loài lan của chàng trai trẻ

Vườn lan rừng quý hiếm với gần 800 loài lan của chàng trai trẻ

“Mỗi khi nghe ở đâu có lan là y như rằng ở đó có tôi. Tuy nhiên mới đầu do chưa có kinh nghiệm nên đem được dòng lan nào về chỉ được mấy hôm là chết hết. Không tiếc vì bỏ công sức lên rừng lấy mà tiếc vì nhiều dòng lan quý cứ vậy mất đi.

Sau lần đó, tôi quyết tâm phải học được kỹ năng chăm sóc và phát triển được các loại lan. Tôi lên các diễn đàn, trang mạng xã hội tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc lan, học hỏi kỹ năng trồng lan từ các vị tiền bối...”, anh Công cho biết thêm.

Khu vườn lan được lắp đặt hệ thống phun sương để tạo độ ẩm, làm mát để nuôi dưỡng nguồn lan quý
Khu vườn lan được lắp đặt hệ thống phun sương để tạo độ ẩm, làm mát để nuôi dưỡng nguồn lan quý

Theo anh Công, để thuần chủng được một loài lan từ rừng về vườn nhà là rất khó, bởi nhiệt độ trên rừng với ở nhà chênh lệch nhau rất lớn. Khi đó nếu đưa được về thì phần trăm để loài lan đó sống được cũng rất thấp, thậm chí có thể bị chết hết.

Vậy nên, trước khi quyết định đưa một loại lan từ rừng về vườn nhà, phải nghiên cứu kỹ lưỡng từ đặc tính, nhiệt độ, độ ẩm và môi trường sống của từng loại lan, để bố trí xây dựng vườn tược chăm sóc cẩn thận. Nếu như một loài lan nào không thể thuần chủng, không thể thay đổi môi trường sống từ rừng về nhà thì không nên “ép lan” để tránh tình trạng cạn kiệt nguồn lan rừng quý hiếm.

Từ một chàng trai làm kỹ thuật cơ khí, đến nay Công đã trở thành một tay chơi lan chuyên nghiệp. Nhiều người chơi lan, mê lan rừng còn tìm đến Công để trao đổi học hỏi và tìm hiểu cách chơi lan đặc biệt của anh. Gần 800 loại lan được Công chăm sóc tỉ mỉ, nên vườn lan của anh khi nào cũng bung sắc, xanh tươi.

Bên cạnh đó, cũng nhờ đam mê này, anh Công đã đưa nhiều loài hoa lan ở Việt Nam vào danh sách các loài hoa lan trên thế giới.

“Lạ lùng” đưa lan trở lại rừng

Những năm gần đây, do phong trào chơi lan rừng “nở rộ”, giá lan tăng cao nên rất nhiều người đã đổ xô vào những cánh rừng khai thác tận diệt các loại lan. Tuy nhiên khi đưa lan từ rừng về nhà do không tìm hiểu kỹ lưỡng đặc tính, nhiệt độ không thích hợp nên khá nhiều loài lan đã biến mất.

Theo đó, Công lại làm một việc “ngược đời” là săn lùng những giống lan quý rồi mang vào các khu rừng để gieo.

Anh Công cho biết: “Mỗi khi có dịp, tôi thường ghé vào các khu rừng để sưu tầm, tìm tòi các dòng lan rừng quý hiếm. Những chuyến đi rừng tìm lan có khi thì 5 ngày, có khi đến nửa tháng ăn ngủ trong rừng. Nhiều giống lan phải trèo núi, vượt rừng sâu mới kiếm được. Nhiều cây lan cao đến hàng chục mét, bị trượt chân ngã suốt. Nhưng nhìn những khóm hoa lan ở nhà khoe sắc rực rỡ đôi chân lại không thể đứng yên được”.

Miệt mài chăm lan ở nhà để đưa trở lại rừng
Miệt mài chăm lan ở nhà để đưa trở lại rừng

Lo lắng trước sự cạn kiệt nguồn lan quý hiếm, Công luôn ấp ủ mong muốn có thể duy trì, phát triển và lưu giữ được vẻ đẹp của lan rừng. Từ đó, anh đã nảy ra ý tưởng gom những quả lan để lấy hạt vào rừng gieo, tránh cho nhiều giống lan khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Hàng trăm quả giống các loại lan như Mạc lan, Thanh Ngọc, Hoàng Thảo Đơn Cam, Long Tu, Giáng hương... đã được Công thụ phấn từ vườn rồi được đưa trở lại rừng, duy trì sự phát triển của các dòng lan rừng quý hiếm.

Chia sẻ về dự định sắp tới, Công cho hay: "Hiện tại tôi vẫn đang sưu tầm các dòng lan khác nhau. Nhưng cách sưu tầm của tôi không giống với những người khác ở điểm, không lấy hoàn toàn loài lan này, phải để 1 đến 2 mầm ở lại rừng để lan phát triển tự nhiên rồi so sánh sự phát triển giữa lan ở nhà và lan ở rừng.

Bên cạnh đó, tôi đang tận dụng những quả lan để lấy hạt vào rừng gieo. Từ việc đưa lan trở lại rừng, trả lại mầm sống cho tự nhiên, tôi cũng hy vọng mọi người sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ những loài lan rừng, không khai thác cạn kiệt".

Phạm Hoàng