“Ngôi nhà” của chàng trai “Lãnh đạo trẻ toàn cầu”
(Dân trí) - Jimmy Phạm, người Việt gốc Úc thành lập tổ chức Koto được trao giải “Lãnh đạo trẻ toàn cầu 2011” do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) bình chọn. Anh là một trong hai người Việt được nhận giải thưởng này - cùng với GS Ngô Bảo Châu.
Những cuộc “đấu trí” với… trẻ bụi đời
Rời quê hương từ nhỏ nên ấn tượng về Việt Nam với chàng trai Jimmy Phạm khá nhạt nhòa. 22 năm sau từ ngày xa quê anh mới có dịp trở về khi nhận nhiệm vụ khảo sát về hoạt động du lịch, khách sạn tại Việt Nam. Những ngày rong ruổi trên đường phố ở Hà Nội, anh bị ám ảnh bởi cuộc sống lang thang của trẻ đường phố “ăn bờ ngủ bụi”.
Anh trao cho họ những món tiền với hy vọng sẽ phần nào giúp được họ. Rồi anh nhận ra những đồng tiền chỉ là giúp đỡ tạm thời, họ cần một cái gì đó vững chắc hơn. Sau mỗi đứa trẻ lang thang thường là những câu chuyện dài với hoàn cảnh đặc biệt. Em thì bố mẹ bỏ nhau, em thì bị bạo hành, bị cưỡng bức…
Jimmy Phạm (giữa) và các học viên tại Koto Hà Nội.
Chính điều đó đã thôi thúc anh thành lập trường dạy nghề Koto tại ngôi nhà 101 Xuân Diệu (Hà Nội) với mục đích dạy nghề về nhà hàng khách sạn cho các đối tượng trên và lúc đầu chỉ có 9 thành viên.
Để Koto có thể kéo được chân trẻ bụi đời thật không đơn giản. Khó khăn nhất là khâu thuyết phục các em bỏ cuộc sống lang bạt đến với nơi học nghề hoàn toàn lạ lẫm.
Với không ít em học nghề là một điều gì quá xa xôi, lại chưa có tiền ngay lập tức… Trong khi với đủ “mánh khóe đường phố” của mình, họ có thể kiếm tiền không mấy khó khăn, kể cả những việc phạm pháp.
Thêm vào đó, chính cuộc sống bụi bờ như “rèn” họ luôn “bật lại” với những lời dỗ ngon ngọt của người… xa lạ, nhất anh lại là người nước ngoài. “Âm mưu lừa đảo gì đây?” là câu mà nhiều lần anh đã nghe được từ những đứa trẻ mà sau này là học viên của mình. Với sự kiên trì “mưa dần thấm lâu” anh cũng đã thuyết phục được từng người, từng người một.
Ngôi nhà vững chãi
Từ 9 học viên ban đầu, đến nay tổ chức Koto trở thành nơi nuôi dưỡng và đào tạo nghề cho hơn 300 thanh thiếu niên Việt Nam có xuất thân từ đường phố hoặc gia đình rất khó khăn, đảm bảo được tương lai cho mình.
Tại đây, các em được đào tạo kéo dài 24 tháng bao gồm 2 chuyên ngành chính là Dịch vụ Tiền sảnh và Bếp. Ngoài ra các em còn được đào tạo tiếng Anh riêng cho ngành nhà hàng, khách sạn và học Kỹ năng sống.
Trong suốt khóa học hoàn toàn miễn phí này, các học viên còn được cung cấp chỗ ở, ăn uống, chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh trung tâm đào tạo, Koto còn có một nhà hàng đang hoạt động tại Hà Nội là nơi để các học viên có thể thực tập và là một nguồn thu hỗ trợ thêm cho chương trình.
Các học viên của Koto sau khi tốt nghiệp đều tìm được việc làm tại các nhà hàng, khách sạn trong nước và cả nước ngoài. Nhiều em đã trở thành quản lý, mở được cửa hàng riêng.
Đầu năm 2010, Jimmy Phạm tiếp tục đưa mô hình Koto vào TP.HCM và sẽ sớm mở nhà hàng tại đây. Hai trung tâm đào tạo, Jimmy Phạm hy vọng sẽ giúp được nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hơn nữa.
Hiện nay, Jimmy ấp ủ kế hoạch thành lập thêm nhiều Koto nữa ở các nước. Với tương lai, dự định của tổ chức, anh chia sẻ mong muốn: “ Ở bất cứ nơi đâu có những số phận bị bỏ rơi, bị lơ là và bị lạm dụng, Koto sẽ có mặt”.
Hoài Nam