Ngộ nghĩnh với Marimo

Quả cầu thủy sinh đến từ xứ sở Mặt Trời mọc có tên marimo đang “đốn tim” giới trẻ bởi độ đáng yêu và dễ “nuôi”.

Được yêu vì… dễ tính

 

Trào lưu “nuôi” cầu tảo marimo bắt nguồn từ nhu cầu thiết kế thủy sinh nuôi cá cảnh. Du nhập vào Việt Nam gần đây, marimo nhanh chóng được giới trẻ lựa chọn vì độ “dễ tính”, không mất công chăm sóc và quan trọng nhất là nó đem lại sự may mắn cho người “nuôi”.

 

Thế Bình (trường ĐH Hoa Sen, thành viên CLB Marimo Sài Gòn) “bật mí”: “Cây thuỷ sinh marimo không kén nguồn nước, có thể sống được ở nguồn nước sinh hoạt hoặc nước mưa, nước máy, với nhiệt độ thấp. Bạn chỉ cần thay nước 1 – 2 lần trong tuần.

 

Tốc độ tăng trưởng của cây thuỷ sinh marimo là 5 mm mỗi năm, đạt đường kính là 20 – 30 cm. Bạn không nên thay đổi nhiệt độ nước đột ngột làm tổn thương cây. Ngoài ra, marimo cần ánh sáng vừa đủ, như ánh sáng đèn ngủ, đèn trắng hay ánh sáng Mặt Trời là tốt nhất”.

 

Marimo thường được “nuôi” chung với các loài cá cảnh nhỏ hoặc các cây thủy sinh khác. Điều khiến marimo hay bị nhầm lẫn là động vật là do chúng có khả năng “sinh sản”. Một cầu tảo marimo trưởng thành khoảng 3 – 4 cm thì sẽ có thể tách ra các nano marimo trên thân của chúng.

 
Marimo “thú cưng” mới của giới trẻ.
Marimo “thú cưng” mới của giới trẻ.
 

Chăm sóc như “thú cưng”

 

Chính sự nhầm lẫn đó lại thu hút các bạn trẻ tìm “nuôi” marimo. Thành Hưng (trường ĐH Kinh tế TP. HCM) kể: “Lúc đầu, mình cũng bị tụi bạn “dụ khí” marimo là động vật vì thấy nó di chuyển liên tục. Sau đó, mình tìm hiểu kỹ thì mới biết bị “ăn quả lừa”.

 

Nhưng mình “kết” luôn người bạn tròn vo này. Chăm sóc marimo cũng giống nuôi thú cưng vậy. Mình cho chúng “ăn” chất lỏng dinh dưỡng, “tập thể dục” cho chúng trong nước lạnh hoặc tắm dưới vòi sen… Mình thích nhất là “tạo dáng” cho marimo bằng cách vo tròn nhè nhẹ “ẻm” trong tay theo ý mình, rồi thả lại vô nước”.

 

Loài này đôi khi “làm khó” người “nuôi”, như đổi màu vì bệnh. Nếu marimo của bạn chuyển sang màu xám thì chỉ cần lật nó lên, đưa ra ánh sáng là ổn. Khi marimo chuyển màu xanh thì bạn có thể bỏ riêng “ẻm” vào một bát nước đá và muối, ngâm trong 3 giờ.

 

Mỹ Dung (trường Trung cấp Ánh sáng) nói: “Mình “nuôi” marimo 6 tháng rồi. Khi marimo có “em bé” thì chúng cần hồ nuôi rộng. Dấu hiệu cho thấy marimo có cây con là trên thân chúng nổi cục u.

 

Các bạn không nên tự ý tách cây con vì có thể gây hại cho marimo. Sau khoảng một tháng là marimo con “ra đời”. Để tạo thêm hứng thú cho việc “nuôi” marimo, bạn có thể dùng thêm các loại đá màu, tảo xanh, đá cuội bỏ dưới đáy hồ để nhìn thêm sinh động.

 

Mình “nuôi” marimo, đặt trên bàn học để thư giãn, đồng thời, tin rằng, người bạn này đem lại may mắn cho mình”.

 

Nắm bắt trào lưu, một nhóm bạn trường ĐH Hoa Sen đã kinh doanh marimo. Thanh Hương (thành viên CLB Marimo Sài Gòn) nói: “Tụi mình biết đến marimo khi nhận được quà tặng từ người bạn Nhật. Lúc đó, marimo là “món lạ” ở Sài Gòn nên tụi mình nghĩ đến việc “cá kiếm”.

 

Tụi mình lập Facebook về marimo, giới thiệu đến khách hàng thông tin để họ làm quen với marimo. Khi nhóm bắt đầu có đơn hàng, tụi mình nhập marimo từ Nhật Bản.

 

Giá marimo tùy vào kích thước. Marimo càng lớn, tuổi thọ càng cao thì giá càng cao, dao động từ khoảng 80.000 đồng/marimo có đường kính 1 – 2 cm, khoảng 600.000 đồng/marimo kích thước 4 – 5cm (đã trưởng thành).

 

Hương chia sẻ, việc kinh doanh marimo đem đến thu nhập rất khá. Marimo hiện nay được các bạn tìm mua không chỉ để “nuôi” mà còn làm quà tặng nhau dịp sinh nhật, mừng thọ, như lời chúc tốt lành vì marimo là loài sống đến trăm tuổi. Việc nuôi marimo còn là cách để bảo tồn loài thủy sinh này khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

 

Loài thực vật này được nhà thực vật học người Nhật Bản Tatsuhiko Kawakami đặt tên “marimo”, vào năm 1898. “Mari” nghĩa là một quả bóng tròn, còn “mo” là thuật ngữ chỉ các loại thực vật sống trong nước. Cầu tảo cũng hay được bán dưới tên “Japanese moss balls”.

 

Marimo có 3 hình thái phát triển. Cách đầu tiên là mọc trên giá thể (mọc trên đá); thứ hai là mọc trôi nổi để tạo thành các “tấm thảm” trong nước; thứ ba là dạng cầu, nơi các sợi rêu bện vào nhau và tạo thành một quả cầu.

 

Ngày 29/3 hằng năm ở Nhật Bản là Ngày Tảo marimo. Ở Hokkaido, có một lễ hội nhằm tôn vinh và bảo tồn loài tảo này. Cầu tảo nằm trong danh sách các loài cần bảo vệ từ năm 1920 và được coi là tài sản quốc gia của Nhật Bản.

 

Theo Thuận Tùng

Sinh viên Việt Nam