Ngỡ ngàng sức sống ở trại phong Ba Sao

(Dân trí) - Có ai ngờ khu điều trị phong Ba Sao (Trại phong Ba Sao) ở nơi “thâm sơn cùng cốc” của tỉnh Hà Nam lại ngập tràn sắc hoa đào, hoa hồng, hoa cúc… Những đóa hoa ấy như tượng trưng cho sức sống, tinh thần lạc quan của những bệnh nhân nơi đây.

Ngỡ ngàng sức sống ở trại phong Ba Sao
Hoa đào được trồng khắp khuân viên khu điều trị, vừa để làm đẹp vừa để thêm chút thu nhập cho các bệnh nhân nơi đây

 

Hoa đào được trồng ở khắp mọi nơi, từ lối vào, sân, khu bếp và khắp khuân viên khu điều trị. Mùa xuân sắp đến, dưới ánh nắng hiếm hoi của những ngày cuối đông giá lạnh, những đóa hoa đào đầu tiên đã xòe cánh như đón chào đoàn khách đến thăm, như báo hiệu cho các cụ vốn đã ở tuổi xế chiều rằng Tết sắp đến rồi….

 

Đào được bao thế hệ bệnh nhân, cán bộ trung tâm và cả người nhà bệnh nhân trồng vừa là để làm trang trí cho “gia đình Ba Sao”, nhưng cũng góp phần thêm chút thu nhập cho các cụ vốn thiếu thốn cả tình thương, sự quan tâm của gia đình và cũng đang phải vận lộn với những thiếu thốn của cuộc sống vật chất thường ngày.

 

Ngoài hoa đào, còn có hoa hồng nhung, hoa cúc, hoa trạng nguyên, hoa dâm bụt… tất cả đều tươi rói và đầy sức sống. Những đóa hoa ấy như tượng trưng cho tâm hồn thanh cao, cho sức sống bất diệt và tinh thần vươn lên số phận của các thành viên “gia đình Ba Sao”.

 

Hoa hồng nhung khoe sắc
Hoa hồng nhung khoe sắc

 

“Chúng tôi trồng hoa vừa để làm đẹp cho nơi ở, vừa là để dâng lên cúng Phật vào ngày rằm và mồng một hàng tháng,” một cụ đang điều trị tại trại phong Ba Sao cho biết.

 

Hiện có hơn 90 cụ đang sống và điều trị tại khu điều trị này. Theo ban giám đốc trung tâm, vi rút bệnh phong đã được khống chế hoàn toàn, hiện nay các cụ chỉ phải điều trị những tàn tật do căn bệnh để lại.

 

Các cụ sống ở đây, mỗi người một hoàn cảnh. Ai may mắn thì còn có con cháu gia đình thi thoảng đến thăm nom và đón về ăn Tết. Nhưng không ít người không hề có người nhà thăm hỏi, nhiều cụ thân cô thế cô đến đây gặp người cùng cảnh ngộ mà nên duyên vợ chồng.

 

“Cả tôi và bà nhà tôi đều bị bệnh. Trước đây chúng tôi chưa lập gia đình, nhưng đến đây gặp nhau, cảm thông cho hoàn cảnh của nhau nên đến với nhau với cái tình người để chăm sóc và động viên nhau lúc tuổi già,” một cụ ông chỉ vào bà vợ bị bệnh nặng phải nằm trên giường tâm sự.

 

Bà Đỗ Thị Kính và Ông Trần Văn Đức, một cặp vợ chồng già sống hạnh phúc trong trại phong Ba Sao
Bà Đỗ Thị Kính và Ông Trần Văn Đức, một cặp vợ chồng già sống hạnh phúc trong trại phong Ba Sao

 

Các cụ ở đây được nhà nước trợ cấp mỗi tháng vẻn vẹn chỉ có 360.000 đồng/người, chỉ đủ để lo cho hai bữa ăn đạm bạc hàng ngày. Những sinh hoạt phí khác như xà phòng, bột giặt, kem đánh răng, quần áo … ai còn có người nhà, gia đình thì được chu cấp thêm, hoặc được các nhà hảo tâm biếu, hoặc chăn nuôi con gà, con vịt, hay trồng ít khoai, ít ngô để bán, để trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

 

Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, mỗi khi trái nắng trở trời lại đau yếu, tuổi già sức khỏe mỗi ngày một kém đi nhưng các cụ đã tìm thấy tình thương của những bạn già, tìm thấy niềm lạc quan trong cuộc sống qua câu kinh, bài kệ, và cất lên những câu ca tiếng hát vào mỗi dịp gặp mặt, giao lưu.

 

Có nhiều cụ tuổi đã gần thất thập mà giọng hát vẫn còn trong trẻo và truyền cảm lắm. Nụ cười trên khuôn mặt tuy đã có nhiều nếp nhăn như khẳng định sức sống và sự vươn lên của các cụ ở “ngôi nhà Ba Sao”…

 

Hoa đào nở rộ ở Trại phong Ba Sao
Hoa đào nở rộ ở Trại phong Ba Sao

 

Nhiều loại hoa như hồng nhung, cúc, trạng nguyên… được trồng ở khu điều trị
Nhiều loại hoa như hồng nhung, cúc, trạng nguyên… được trồng ở khu điều trị

 

Đu đủ, mít rất sai quả
Đu đủ, mít rất sai quả
 
Các cụ cũng nuôi gà, vịt để có thêm thu nhập
Các cụ cũng nuôi gà, vịt để có thêm thu nhập

Những thế hệ tương lai trưởng thành từ mảnh đất Ba Sao nơi đây.
Những thế hệ tương lai trưởng thành từ mảnh đất Ba Sao nơi đây.

Thảo Nguyên