Nghiện “không gian ảo”

Em xem tivi có nói đến những bạn trẻ bị nghiện Internet phải vào bệnh viện điều trị... (ronaldo@...)

Chung qui nghiện là cuộc tìm kiếm không ngừng một khoái cảm nào đó. Thật ra khoái cảm chẳng “huyền bí” gì, chúng chỉ là tác động của những chất hóa học gọi là chất dẫn truyền thần kinh (endorphin, serotonin, dopamin...) do não sản xuất.

 

Thực tế chất dẫn truyền thần kinh dễ dàng được tiết ra khi ta cảm thấy sảng khoái, đam mê, thích thú cực độ cái gì đó, nghĩa là ai cũng có thể... nghiện. Tuy cùng “cơ chế hóa học” nhưng khác nhau về tác hại mà loại nghiện “xấu” (ma túy, thuốc lá, rượu, cờ bạc...) và nghiện “tốt” (thể thao, nghệ thuật, sáng tạo, sưu tầm...). Cồn cào “ra nhớ vào trông” người thương cũng là một chứng “nghiện” đáng yêu.

 

Sự nguy hiểm của nghiện còn được đánh giá qua việc nạn nhân có dễ dàng thoát ra hay không. Nghiện về tâm lý dễ thoát, ngược lại nghiện về thể chất (đưa trực tiếp chất gây nghiện vào cơ thể) rất khó từ bỏ. Vài chứng nghiện phải chịu đựng cùng lúc cả hai yếu tố tâm lý và thể chất như ma túy nên “ly khai” chúng khá gian nan.

 

Nghiện Internet chủ yếu là sự lệ thuộc tâm lý, trong không gian ảo người nghiện cảm thấy “thoát tục”, đầy quyền lực điều khiển “người” và “vật”, đặc biệt là khả năng khám phá vô hạn... Hậu quả: ta không muốn trở lại chốn... “trần tục” chút nào.

 

“Người ngoài hành tinh” thân mến, sợi dây thừng dù thít chặt hay lơi cũng là trói. Nếu cảm thấy sự kết giao với Internet đã bắt đầu làm xáo trộn cuộc sống của mình, chỉ còn cách nên tiết chế lại em ạ!

 

Theo BS Đỗ Minh Tuấn
Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm