Nghĩa tình thầy trò 40 năm chẳng phai trong tác phẩm giành giải Nhất "Tri ân người thầy"
(Dân trí) - Tác phẩm Lời thầy của tác giả Bùi Thị Biên Linh (tỉnh Bình Phước) xuất sắc giành giải nhất cuộc thi viết “Tri ân người thầy” do Ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn phối hợp tổ chức.
Năm ấy, tôi học lớp 11, đầy gian khổ với những ngày tháng trọ học xa nhà, thiếu thốn tình yêu thương và cũng cả những bữa đói meo.
Chặng đường từ trường cấp III Phước Long về nhà tôi hơn 30km, nhưng ngày ấy đường xá vô cùng khó đi. Phương tiện giao thông cũng ít nữa. Con đường quốc lộ nối từ Phước Long đi Bình Dương - Sài Gòn là đường đất đỏ, mùa nắng bụi mù trời, mùa mưa lầy lội, đất đỏ dính đầy chân hai bên đường là những cánh rừng lồ ô, rừng già hoang vu đầy vắt và muỗi. Lọt thỏm giữa những cánh rừng bạt ngàn là khu dân cư của những hộ dân đi xây dựng kinh tế mới gọi là các điểm với tên gọi ghép từ tên quê gốc ở miền Bắc với Phước Long: Người ở huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình thì được phân ở xã Long Hưng. Người ở tỉnh Hà Sơn Bình thì ở xã Long Hà…
Mỗi ngày từ chỗ nhà tôi lên trung tâm huyện Phước Long (nơi trường tôi học) chỉ có một chuyến xe chạy bằng than đi qua lúc 4 giờ sáng chở người xã Bù Nho đi chợ Phước Bình. Tuần nào về nhà, tôi cũng phải dậy từ 3 giờ sáng gánh gạo, rau, cá khô, áo quần đi bộ từ nhà, vượt qua một con dốc cao để ra đón ở ngã ba Long Hưng chờ chuyến xe ấy xuống trường cho kịp giờ học lúc 7 giờ sáng. Nhiều khi không gặp được người trong làng đi chợ sớm, chỉ có một mình thui thủi, tôi vừa sợ ma vừa buồn, cứ vừa đi vừa khóc. Bao lần tôi định bỏ học nhưng bố mẹ không cho. Bố mẹ luôn bảo:
- Khó thế nào con cũng phải học để sau này đỡ khổ!
Thương bố mẹ vất vả, tôi lại cố.
Năm học lớp 11, vẫn là các thầy cô đã dạy từ lớp 10, chỉ có môn Vật lý là có thầy giáo mới. Thầy Trần Quang Ân. Thầy Ân còn trẻ lắm, thầy đeo kính cận, vẻ mặt hiền từ và giọng nói trầm ấm nhẹ nhàng của người xứ Huế. (Sau này tôi mới biết thầy chính là nhà thơ Từ Nguyên Thạch, anh trai của nhà thơ Đoàn Vị Thượng).
Trường tôi ngày ấy có rất ít học sinh, vừa giải phóng miền Nam xong nên khối 12 chỉ có 1 lớp 23 học sinh, khối 11 chỉ 1 lớp, khối 10 có 2 lớp. Chung cả cấp II cũng chỉ chưa đầy 400 học sinh. Ngôi trường bé nhỏ, xinh xắn với hàng phượng vĩ già và những cây tràm xanh biếc. Mùa hè, trường tôi là cả một trời phượng đỏ đầy ắp tiếng ve.
Là học sinh duy nhất mới từ ngoài miền Bắc chuyển đến nên tôi gặp bao nhiêu nỗi khổ. Vì cách ăn mặc khác lạ, giọng nói khác lạ, tác phong… khác lạ nên tôi trở thành tâm điểm chú ý, bàn luận và cả xoi mói của lũ học trò miền Nam. Mỗi lần thầy cô gọi tôi đứng lên trả lời bài học là y như rằng lũ bạn trong lớp lại thầm thì “Im! Nghe nó nói! Im! Nghe nó nói”.
Đến giờ ra chơi, vài đứa lại nhại giọng nói của tôi rồi cười. Tôi vừa tức vừa buồn vô hạn. Mỗi ngày đến trường tôi cứ thấy trống trải và nhớ vô cùng mái trường, bạn bè, thầy cô biết bao yêu mến của tôi ngoài Bắc. Dù tôi học khá giỏi, lũ con gái hay nhờ tôi chỉ bài khi sắp kiểm tra hoặc gặp bài khó, nhưng sau đó chúng lại coi tôi như người xa lạ. Chúng hay xầm xì sau lưng tôi những từ như “Bắc kì” “ rau muống” hàm ý của sự kì thị, phân biệt Bắc - Nam. Tôi mặc cảm và ước sẽ “dạy” cho chúng một bài học nhưng nghĩ đến cảnh mình chỉ đơn độc còn chúng nó đông như thế nên đành nuốt nước mắt nín thinh, vùi đầu vào việc học cho quên tủi buồn. Thầy chủ nhiệm lớp tôi là người Sài Gòn, thầy dạy môn Hóa rất tận tâm nhưng tôi cũng chẳng dám thưa với thầy về “tội” của lũ bạn trong lớp nên thầy không hề biết. Tôi hoàn toàn cô đơn giữa biết bao người.
May quá, thầy Ân về dạy. Thầy quan tâm đến học trò rất nhiều. Thầy thường hỏi han về tình hình học hành và cuộc sống xa nhà đi học trọ của tôi đầy cảm thông. Qua các thầy cô trong trường, nhất là cô dạy Văn, thầy biết tôi từng học sáng tác văn học, biết làm thơ nên thầy hay động viên tôi cố gắng học hành. Thỉnh thoảng thầy cho tôi đọc những bài thơ của thầy đăng trên tạp chí Sông Hương và báo tuổi trẻ.
Cũng năm học ấy, tôi được phân công vào tổ nấu nước cho học sinh uống (Học sinh nấu nước thì không phải đi lao động) Mỗi ngày có hai đứa sẽ luân phiên nhau nấu nước ở bếp tập thể của thầy cô rồi khiêng sang đổ vào thùng đặt ở văn phòng trường cách đó không xa. Tôi và một đứa bạn cùng lớp tên Tuyết Mai trực nấu nước vào sáng thứ 6 hàng tuần. Nấu bếp củi nên chúng tôi phải đến từ lúc 5 giờ sáng mới kịp. Nồi nước nấu là nồi thường dùng để luộc củ mì, củ khoai (Thức ăn độn của thầy cô hồi ấy). Thầy Ân hay trực nấu ăn vào thứ 5 hàng tuần, nhìn lịch biết tôi và Mai nấu nước sáng thứ 6 nên thầy luôn chừa lại trong nồi cho chúng tôi.
Khi thì mấy khúc khoai mì, khi thì mấy củ khoai lang. Lúc đầu không biết, chúng tôi không dám ăn, lấy tô đựng, cất lại rồi rửa nồi nấu nước. Thầy gọi hai chúng tôi dặn:
- Thầy dành khoai cho mấy nhỏ đó! Ăn rồi đi học kẻo đói nghe!
Khỏi phải nói tôi và con Mai mừng thế nào, bẻ khoai chia nhau ăn ngấu nghiến. Thầy nhìn chúng tôi bật cười. Từ ngày có Tuyết Mai, có thầy, tôi thấy bớt cô đơn. Tuyết Mai là người Quảng Bình, cũng con nhà dân cách mạng cả nên tôi với Mai dần thân nhau. Chúng tôi thường cùng nhau ôn bài, đi cắt rau heo cho nhà nó. Tôi mạnh dạn dần lên, giờ sinh hoạt lớp khi được chỉ định, tôi đã dám hát chứ không từ chối như trước nữa. Lũ bạn bảo tôi hát hay, tôi tin chúng nói thật vì ở ngoài Bắc tôi từng thi hát và đoạt giải cơ mà.
Nhưng niềm vui không lâu, sau khi nghỉ Tết tôi nghe các bạn xôn xao về việc thầy Ân sắp chuyển đi nơi khác. Tôi không dám hỏi thầy nhưng lòng chợt buồn như sắp phải xa người thân.
Chiều ấy, sau tiết học, thầy gọi tôi lại đưa cho tôi cuốn thơ Ta Gor.
- Thầy mới mua được quyển này, hay lắm! Tặng em đấy!
Tôi cảm ơn thầy. Ngày ấy sách báo vô cùng hiếm hoi ở Phước Long.
Tôi mở sách ra, dòng chữ thầy ghi tặng đầy thân thiết.
“Em Biên Linh. Thầy rất quý em vì em có sở thích cùng thầy. Muốn gặt được ước mơ thì ngay từ bây giờ em phải tập gieo hạt. Trong hành trình đến với tương lai, thầy mong em sẽ thành công, và nhớ đừng quên rằng: Bên cạnh ánh sáng sẽ là bóng tối. Hãy cẩn thận nhé, bàn chân bé bỏng”. Thầy còn chép tặng tôi bài thơ “Bụi phấn” của thầy.
- Bây giờ, tôi rất hay đọc cho học sinh của mình nghe và chép tặng nhiều đồng nghiệp.
Tôi cũng chép tặng thầy bài thơ viết về bà và về mái trường của tôi.
Rồi thầy trò tôi chia tay. Chỉ đến khi về học lớp bồi dưỡng học sinh giỏi để dự thi quốc gia tôi mới biết tin thầy đã chuyển về làm việc tại Ban biên tập của Báo Văn nghệ Sông Bé. Tôi cũng rất bất ngờ khi hai bài thơ tôi chép tặng thầy đã được thầy gửi đăng báo Văn nghệ Sông Bé. Bắt đầu từ đó báo này đã gửi thư mời tôi cộng tác. Không lâu sau, thầy chuyển về công tác ở Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1990, trong buổi lễ trao giải thưởng cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật của tỉnh Sông bé, tôi được trao giải Ba và là tác giả trẻ tuổi nhất đoạt giải, Ban tổ chức mời tôi phát biểu. Tôi đã nói rằng: “Tôi có ngày hôm nay là nhờ công lao của các thầy cô tôi…”
Khi trở về chỗ ngồi, tôi nghe tiếng gọi:
- Em Biên Linh!
Tôi quay tìm giữa hội trường đông đúc và thật vui sướng, bất ngờ, tôi nhận ra thầy. Vẫn khuôn mặt hiền từ, đôi kính cận và nụ cười hiền hậu. Thầy nắm tay tôi khen:
- Em khá lắm! Đúng như thầy mong!
Thầy hỏi tôi nhiều về việc học hành, công việc và kể cho tôi nghe về công việc hiện tại, về gia đình của thầy.
Lúc chia tay, thầy không quên dặn dò: “Nhớ giữ sức khỏe và cẩn thận trong cuộc sống nghe em!”.
Mãi mãi, tôi khắc ghi lời dặn của thầy. Người thầy đã đưa tôi đến với Văn học nghệ thuật phía Nam, người thầy từng sẻ chia cho những đứa trò xa nhà chúng tôi từng củ khoai giữa những ngày khó khăn, đói khổ!
Bùi Thị Biên Linh