Qua Mãi mãi tuổi hai mươi và Nhật ký Đặng Thùy Trâm:
Nghĩ về văn hóa đọc
“Mãi mãi tuổi 20” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã lập một kỷ lục về phát hành sách và làm cho những ai đang quan tâm tới “văn hóa đọc” ở Việt Nam hôm nay phải suy ngẫm, vì hình như…
Sự tràn lấn của “văn hóa nghe - nhìn”, sự thờ ơ với sách văn chương khi mỗi cuốn chỉ in trên dưới một nghìn bản mà vẫn chỏng chơ trên quầy sách, rồi sự thiếu vắng các cuốn sách đạt tầm cỡ “gối đầu giường”, sự thiếu hụt tri thức văn học của lớp trẻ...: Đó là những nguyên nhân lâu nay thường được viện dẫn mỗi khi ai đó muốn chứng minh “văn hóa đọc” ở Việt Nam đang xuống cấp.
Rồi để kéo người đọc đến với văn chương, nhiều thủ pháp tiếp thị nhằm “đóng đinh” một hay vài ba tác phẩm nào đó “vào đầu” người đọc đã được triển khai.
Hệ quả là các bìa sách ngày càng hiện đại và sang trọng; giấy in tốt hơn, ngôn từ được sử dụng để “lăng-xê” tác phẩm - tác giả cũng trở nên hoành tráng, quyến rũ và cũng... “đại ngôn” hơn.
Còn về phía tác giả, tình hình vẫn chưa thấy sáng sủa, bởi các “trò chơi hình thức” ngày càng trở nên rắc rối, bởi có nhà văn cố vượt qua chính mình và qua đó hy vọng vượt qua đồng nghiệp bằng cách “xông” vào các bi kịch có pha chế thêm chút “sexy” cho mùi mẫn, có nhà văn lại “tìm tòi sáng tạo" bằng lối viết một tác phẩm mà trong đó câu chữ hoàn toàn không có dấu, như khi người ta chat hoặc gửi email cho nhau... Nghĩa là theo tôi, hiện tại đang có cây bút văn chương đang viết như một cách “tự lừa dối mình” chứ chưa say mê sáng tạo; nghĩa là có những cây bút đang viết vì “danh”, chứ không vì văn chương...
Vậy mà “đùng” một cái, sự có mặt của Mãi mãi tuổi hai mươi và Nhật ký Đặng Thùy Trâm lại làm xôn xao dư luận, và nếu tính về số lượng phát hành thì tác giả của hai cuốn sách - anh Nguyễn Văn Thạc và chị Đặng Thùy Trâm, những người viết cho chính bản thân mình - hiện lại đang ở thế “thượng phong” so với hàng nghìn cây bút viết văn đương thời.
Xét từ tính mục đích, Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm viết nhật ký cho mình và chỉ cho mình mà thôi. Anh Thạc, chị Trâm không viết cho bạn đọc, và hiển nhiên không nghĩ tới một ngày nào đó cuốn nhật ký sẽ được xuất bản.
Họ ghi chép công việc hàng ngày, ghi chép những sự việc, những con người đã gặp, đã biết trên dặm đường chiến tranh, và họ gửi vào dòng nhật ký những tâm tư, suy nghĩ sâu lắng nhất về bản thân mình, về gia đình, về cộng đồng... Vì thế người đọc “bị” hai cuốn nhật ký lôi cuốn trước hết không phải do các yếu tố văn chương, mà do tính chân thực, sự trong sáng của tâm hồn, cốt cách và bản lĩnh của người viết...
Qua mỗi trang nhật ký, hình ảnh về hai con người sống có lý tưởng trong thời đại của họ đã hiện ra rõ nét và hấp dẫn, đến mức họ trở thành những con người - nhân vật.
Có một lý do không thể phủ nhận, hai cuốn nhật ký trở thành best-seller là do được báo chí quảng cáo rầm rộ.
Về phần mình tôi cho rằng, nếu hai cuốn sách không thật sự có ý nghĩa, thì dù quảng cáo thế nào cũng không thể lôi cuốn người đọc đến với chúng, nhất là trong điều kiện người đọc đã có bước phát triển trong năng lực tiếp nhận và thụ cảm thẩm mỹ. Họ không dễ dàng bị lóa mắt trước những “giá trị giả”, những “hư cấu chủ quan”...
Thiết nghĩ, nếu có thể coi Mãi mãi tuổi hai mươi và Nhật ký Đặng Thùy Trâm là hiện tượng cho thấy văn hóa đọc ở Việt Nam hình như “chưa xuống cấp”, thì có thể đưa ra một gợi ý: phải chăng muốn lý giải vì sao người đọc thờ ơ với văn chương thì trước hết cần đi tìm nguyên nhân từ người viết? Và nếu có thể coi tác phẩm văn chương cũng là một loại hàng hóa thì hãy xem “hàng hóa - văn chương” ấy là loại hàng hóa có chất lượng như thế nào và nhu cầu trình độ của “người tiêu thụ - bạn đọc” ra sao?
Theo Nguyễn Hòa
Thể thao & Văn hóa