Nghị lực phi thường của chàng thanh niên tàn tật người Khùa

Tiến Thành

(Dân trí) - Bị tàn tật, thế nhưng Hồ Kết luôn nỗ lực vượt lên số phận, với nghề mây tre đan, anh không chỉ tạo thu nhập cho bản thân mà còn dạy nghề, tạo hướng đi mới cho bà con người Khùa.

Hồ Kết là chàng thanh niên người Khùa (dân tộc Bru-Vân Kiều), ở bản Ra Mai, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Bản thân sinh ra vốn lành lặn, nhưng vào năm 17 tuổi, trong một lần đi đốt nương rẫy chuẩn bị cho mùa canh tác mới, Hồ Kết không may bị ngã vào lửa, toàn thân bị bỏng nặng và trở thành người tàn tật.

Nghị lực phi thường của chàng thanh niên tàn tật người Khùa - 1

Hồ Kết, chàng thanh niên tàn tật người Khùa.

Mặc dù chân trái không thể vận động, đi lại khó khăn, thế nhưng Hồ Kết lại có một nghị lực hết sức phi thường, luôn học hỏi và quyết tâm tìm được việc làm phù hợp để vượt lên nghịch cảnh, tự nuôi sống bản thân mà không phải phụ thuộc vào gia đình.

"Trước mình cũng ước mơ là sẽ học được nhiều kiến thức, về mở mô hình kinh tế, chăn nuôi, trồng rừng ở bản để thoát nghèo. Nhưng vì tai nạn, chân không lành lặn nữa nên dự định đó đành gác lại. Thời điểm đó mình cũng buồn lắm, nhưng nghĩ, còn đôi tay thì còn lao động được, phải kiếm nghề phù hợp để kiếm tiền", Hồ Kết kể lại.

Với sự quyết tâm, tìm tòi nhiều nghề khác nhau, Hồ Kết nhận thấy các sản phẩm thủ công từ mây tre đang được ưa chuộng, lại phù hợp với bản thân, nguyên vật liệu ở địa phương nhiều nên quyết định đi học nghề để tự tạo ra việc làm cho riêng mình.

Nghị lực phi thường của chàng thanh niên tàn tật người Khùa - 2

Bị tật ở chân nên Hồ Kết đi lại rất khó khăn.

Sau nhiều lần đăng ký, tìm kiếm, cơ hội đến với Hồ Kết vào năm 2013, thông qua Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật Quảng Bình, chàng thanh niên người Khùa đã được Công ty TNHH xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Vạn Xuân nhận vào làm việc, vừa đào tạo nghề mây tre đan với mức lương 4 triệu đồng/tháng.

Trong quá trình làm việc, bằng sự cần cù, khéo léo, Hồ Kết đạt giải nhất trong hội thi tay nghề giỏi do công ty tổ chức và được tin tưởng giao nhiệm vụ tham gia giảng dạy ở rất nhiều lớp về nghề mây tre đan thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là tại những vùng biên giới có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Nghị lực phi thường của chàng thanh niên tàn tật người Khùa - 3

Sản phẩm thủ công từ mây tre.

Năm 2016, khi đã có tay nghề, Hồ Kết quyết định trở về sinh sống tại bản và tiếp tục phát triển nghề đan lát, kết nối, dạy nghề cho bà con dân bản để làm kinh tế. Hồ Kết tăng cường kết nối với các mối quan hệ quen thân và thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo... để chào bán những sản phẩm đan lát như: Mâm cơm, gùi, giỏ, rổ rá...

Hầu hết các sản phẩm do Hồ Kết làm ra, luôn được các khách hàng đánh giá cao bởi tính nghệ thuật, tinh xảo, chắc chắn, thân thiện với môi trường và rất cần thiết trong mỗi gia đình.

Mỗi tháng Hồ Kết tạo ra gần 20 sản phẩm, loại nhỏ và vừa có giá 200.000 - 300.000 đồng, những sản phẩm có kích thước lớn, kỳ công thì hơn 1 triệu đồng và đều bán hết cho khách hàng trong, ngoài tỉnh.

"Giờ cũng nhiều người theo mình học nghề làm dụng cụ mây tre, sản phẩm của mình được nhiều người đặt mua, làm không kịp mà bán. Thu nhập từ nghề này đủ để mình trang trải cuộc sống. Mình đang muốn mở rộng thêm, mời bà con dân bản đến cùng đồng hành để phát triển thương hiệu riêng", Hồ Kết chia sẻ thêm.

Nghị lực phi thường của chàng thanh niên tàn tật người Khùa - 4

Hầu hết các sản phẩm do Hồ Kết làm ra, luôn được các khách hàng đánh giá cao bởi tính nghệ thuật, tinh xảo, chắc chắn, thân thiện với môi trường và rất cần thiết trong mỗi gia đình.

Bằng nghị lực vượt qua khó khăn và ý chí vươn lên mạnh mẽ, Hồ Kết đã khẳng định được bản thân và vinh dự là một trong 50 thanh niên khuyết tật tiêu biểu trên cả nước được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam ghi nhận, tặng Bằng khen và vinh danh tại chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" năm 2022.

Trao đổi với Dân trí, anh Hồ Thao, Bí thư Đoàn xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa cũng đánh giá, Hồ Kết mặc dù tàn tật nhưng lại là người rất chịu khó, luôn có ý chí vượt lên chính mình, không khuất phục trước số phận. Anh luôn nhiệt tình hỗ trợ bà con dân bản trong công tác đào tạo, học nghề, phát triển các mô hình kinh tế.

Bên cạnh đó, Hồ Kết còn là một tuyên truyền viên xuất sắc trong công tác vận động bà con người dân tộc tuân thủ đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là tấm gương sáng đối với các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn.