"Nghèo sang chảnh" - lối sống lạ đời của một bộ phận người trẻ
(Dân trí) - Thuật ngữ "nghèo sang chảnh" nói về thực trạng chi tiêu hoang phí nhằm thỏa mãn những nhu cầu xa xỉ, vượt quá mức thu nhập của bản thân đang dần trở thành xu hướng của giới trẻ trong vài năm gần đây.
"Nghèo sang chảnh" trở thành trào lưu
Dù mức thu nhập thấp và chưa ổn định, còn sống phụ thuộc vào gia đình..., song nhiều bạn vẫn lựa chọn hưởng thụ bất chấp, dẫu phải vay nợ, "giật gấu vá vai". Thuật ngữ trên mạng xã hội gọi đây là lối sống "nghèo sang chảnh".
Vậy, liệu rằng "nghèo sang chảnh" là xu hướng sống theo kiểu hiện đại hóa hay là sự lệch lạc trong nhận thức của một bộ phận người trẻ?
Phạm Khánh Vy, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: "Lối sống "nghèo mà (cố tỏ ra) sang" bắt nguồn từ mong muốn thể hiện bản thân, thói quen chi tiêu theo cảm xúc, nhưng lâu dần có thể biến tướng thành bất chấp mọi thứ, thậm chí vay mượn tiền để "sống ảo".
Trên mạng xã hội, hai quan điểm "Tuổi trẻ rất ngắn, hãy cứ sống hưởng thụ" và "Tuổi trẻ phải tiết kiệm để tương lai về sau đỡ vất vả" đã tạo ra những luồng ý kiến trái chiều.
Khánh Vy có những chia sẻ sâu hơn về chủ đề này với Dân trí: "Nếu cố gắng làm việc thì bản thân vẫn có thể tận hưởng cuộc sống dù ở lứa tuổi nào, nhưng sự hưởng thụ phải trong mức kinh tế cho phép và không vượt quá số tiền mình kiếm được.
Thú thực, bản thân mình từng có thời gian chi tiêu quá mức vào những khoản không cần thiết, như mua sắm quá nhiều, đi chơi ở các nơi đắt tiền, dành dụm 2-3 tháng lương để mua một chiếc túi hàng hiệu... Thậm chí, có tháng tiêu hết sạch tiền, phải vay bạn bè, người thân để trả tiền ăn uống, thuê nhà. Cho đến khi nhận ra cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này, mình mới thật sự hiểu quản lý chi tiêu là một kỹ năng vô cùng quan trọng".
Khánh Vy cũng cho biết: "Ngày trước, mình từng phung phí tiền bạc, sẵn sàng chi tiêu theo cảm hứng. Nhưng thực sự đây là lối sống cần được nhìn nhận nghiêm túc bởi chính chúng ta - những người trẻ đang dần biến "nghèo sang chảnh" thành xu hướng, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến thói quen, vấn đề quản lý chi tiêu cá nhân mà còn tác động xấu tới cả những người xung quanh".
Trong khi đó, Trịnh Phương Anh, sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân, lại định nghĩa "nghèo sang chảnh" đơn giản là chi tiêu vượt quá số tiền kiếm được, hoặc quản lý tài chính không hợp lý, mua những món đồ đắt đỏ so với mức thu nhập của bản thân mà không giúp ích được cho công việc, cuộc sống hàng ngày.
"Nếu quá chắt chiu làm ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống thì quá phung phí cũng vậy. Chúng ta cần cân bằng hợp lý các khoản thu chi, nhất là khi ảo ảnh "nghèo sang chảnh" đang dần phổ biến hơn, khiến một bộ phận các bạn trẻ có tâm lý hưởng thụ quá sớm.
Mình từng gặp nhiều bạn thường xuyên đăng ảnh vui chơi ở những nơi sang trọng, quán bar đắt đỏ... trong khi còn đang phải vay mượn. Đây là thực trạng đáng báo động, xảy ra ngày càng nhiều, đặc biệt trong giới trẻ.
Quá nhiều bạn trẻ coi đây như lối sống mới, dần hình thành những nhóm người có tư duy sai lệch. Một số bạn thay vì cống hiến sức trẻ làm việc, lại chạy theo những chiếc điện thoại đời mới nhất, quần áo của những thương hiệu xa xỉ... khi còn chênh vênh về khả năng tài chính", Phương Anh cho biết.
Liệu vẻ ngoài hào nhoáng có phải thang đo giá trị cá nhân?
Quách Gia Huy, sinh sống và học tập tại Canada, chia sẻ: "Theo mình, nếu những món đồ hiệu đắt tiền giúp ích trong cuộc sống, công việc và các khoản chi đó phù hợp với năng lực tài chính thì có thể cân nhắc. Nhưng nếu mua những sản phẩm đắt đỏ chỉ với mục đích thể hiện bản thân, hay mua theo số đông bạn bè thì đây chính là hoang phí.
Các món đồ hiệu có thể đẹp, nhưng điều làm nên giá trị con người là tính cách, tri thức và cách đối nhân xử thế. Dù có đẹp đến mấy, khoác lên mình nhiều đồ hiệu ra sao nhưng lại cư xử tệ với những người yếu thế, tính cách cộc cằn, thô lỗ, giá trị cá nhân của bạn vẫn bằng không".
"Cá nhân mình có cơ hội tiếp xúc với nhiều bạn trẻ cùng lứa tuổi ở Việt Nam và Canada, nhưng mình cho rằng giá trị cá nhân của mỗi con người không chỉ ở vẻ ngoài. Các bạn tạo nên vẻ ngoài hào nhoáng cho bản thân, điều này không sai khi năng lực cá nhân của mình tương xứng với những món đồ đó.
Ngoại hình là một điểm cộng, nhưng không phải yếu tố quyết định tạo nên giá trị cá nhân của mỗi người, mà chính năng lực, trí tuệ, những phẩm chất cá nhân mới tạo nên nét độc đáo riêng biệt, không trộn lẫn", Gia Huy thẳng thắn.
Nguyễn Minh Trang, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thẳng thắn cho biết cô cũng từng có suy nghĩ "dùng đồ hiệu có thể tăng giá trị của bản thân".
"Nhiều bạn bè xung quanh mình có cùng suy nghĩ này, dù mức thu nhập sinh viên không cao, chưa ổn định nhưng họ sẵn sàng bỏ tiền mua những chiếc túi xách, bộ quần áo bằng cả tháng lương, thậm chí chấp nhận cuối tháng phải nhịn đói. Mong muốn tạo dấu ấn cá nhân không sai, nhưng chúng ta có nhiều cách để thực hiện nó thay vì chỉ bỏ tiền chưng diện cho ngoại hình", Trang nói.
"Mình gặp nhiều bạn rất chăm chút ngoại hình, nhưng lại bỏ quên trau dồi phẩm chất cá nhân và tri thức. Theo mình, vẻ ngoài là yếu tố rất tốt giúp tăng thiện cảm với người đối diện, nhưng để tạo nên giá trị cá nhân thật sự thì trí tuệ, sức lao động... Đây mới là những đòn bẩy quyết định sự thành đạt của một cá nhân và có giá trị đáng quý hơn cả" Minh Trang cho biết.
Bạn nghĩ thế nào về lối sống "nghèo sang chảnh"? Hãy cho chúng tôi biết ở phần bình luận bên dưới.