Nghề làm "mẹ" độc lạ cho Gen Z rộ lên tại Mỹ
(Dân trí) - Phụ huynh của nhiều sinh viên Mỹ không ngại chi trả số tiền 10.000 USD (khoảng 244 triệu đồng) để thuê "mẹ" nấu ăn, giặt giũ và giám sát con cái họ.
Giống những người mẹ khác, khi con gọi điện, bà Tammy Kumin (70 tuổi) sẽ có mặt ngay lập tức, bất kể thời gian, trời nắng hay mưa.
Là mẹ của 3 đứa con và bà của 6 người cháu tại Boston (Mỹ), bà Tammy Kumin là người quán xuyến toàn bộ công việc, từ mua sắm đồ đạc khẩn cấp, nấu ăn đến giặt giũ. Bà thậm chí bay đến Miami (Mỹ) vào lúc nửa đêm để bảo lãnh cho con mình ra khỏi tù và vội vã chạy tới phòng cấp cứu ở bệnh viện.
Tuy nhiên, bà Kumin không phải là mẹ ruột của những đứa trẻ được bà chăm sóc trong những tình huống khẩn cấp như vậy, bởi bà chỉ là "người mẹ thuê".
Nghề độc lạ: Làm mẹ thuê
Bà Kumin - người sáng lập "Dịch vụ bảo mẫu cho sinh viên" - nói với The Post: "Tôi là người mẹ thay thế. Đây là dịch vụ hỗ trợ cho sinh viên trong mọi vấn đề, từ A đến Z".
"Chúng tôi chăm sóc cho học sinh ở các trường trung học, trường nội trú hoặc đại học. Chúng tôi cung cấp các dịch vụ để đảm bảo nhu cầu y tế, tâm lý và nhiều hơn nữa cho các em", người mẹ 70 tuổi nói.
Bà Tammy Kumin triển khai dịch vụ trợ giúp đặc biệt vào năm 1993, với mong muốn giúp đỡ cho sinh viên Mỹ và sinh viên quốc tế trên khắp vùng Đông Bắc nước Mỹ. Để thuê một "người mẹ", phụ huynh cần chi trả 10.000 USD (khoảng 244 triệu đồng) cho mỗi năm học.
Với số tiền này, học sinh sẽ được cung cấp thực phẩm đều đặn, hỗ trợ học tập, đặt lịch hẹn làm đẹp và spa, hỗ trợ đặt bàn tại nhà hàng, đăng ký thành viên phòng tập thể dục, tìm nhà ở, lắp ráp đồ nội thất, hỗ trợ ngân hàng và thanh toán hóa đơn...
Tại văn phòng ở Massachusetts (Mỹ), bà Kumin cùng đội ngũ 4 "người mẹ" cùng nhau chăm sóc cho những đứa trẻ đang học xa nhà.
Đối với những yêu cầu thường ngày của học sinh như mua đồ ăn hay giặt đồ, bà Kumin sẽ cử nhân viên của mình đến làm. Tuy nhiên, khi xuất hiện những vấn đề nghiêm trọng hơn như vấn đề sức khỏe hay rắc rối về mặt pháp lý, người mẹ 70 tuổi sẽ đứng ra giải quyết.
"Chúng tôi ở đây để giải quyết các vấn đề của sinh viên xa nhà. Cả 5 người mẹ đều biết tình hình của khách hàng, từ cách sống, gia đình của các em, nói chung là mọi thứ", bà Tammy Kumin cho hay.
Không chỉ là một dịch vụ
Salman (36 tuổi, sống ở khu trung tâm Manhattan, Mỹ) cho biết, bà Kumin và những "người mẹ" đã cung cấp một không gian an toàn về mặt tâm lý cho anh kể từ khi chuyển đến Mỹ từ Ả Rập Saudi vào năm 16 tuổi.
"Tôi đến Mỹ để học ở trường nội trú Tilton tại New Hampshire. Bà Kumin và những người mẹ đã giúp tôi cảm thấy mình như một phần của gia đình", chàng trai 36 tuổi cho biết anh chi trả cho dịch vụ này bằng tiền học bổng.
"Tôi và một số học sinh khác sẽ đến nhà của các mẹ, cùng nhau nấu ăn. Khi tôi cần xe đưa đón, gặp bất kỳ rắc rối nào hoặc đơn giản là cần một ai đó để tâm sự, các mẹ sẽ luôn ở đó", Salman nói thêm.
Alexander Hochberg (18 tuổi, người Mỹ) cùng mẹ ruột đều đồng tình rằng, dịch vụ "mẹ thuê" đã giúp cho việc học xa nhà trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Hiện tại, khi nhà Hochberg không còn sử dụng dịch vụ đặc biệt này, bà Tammy Kumin vẫn luôn hỏi thăm và giúp đỡ họ như thành viên trong gia đình.
Khi nhận phải một số ý kiến trái chiều, cho rằng sử dụng dịch vụ "mẹ thuê" sẽ làm gián đoạn quá trình trưởng thành và tính tự giác của thiếu niên, người mẹ thuê 70 tuổi cho biết: "Chúng tôi không ở đây để cản trở học sinh, hay thay phụ huynh theo dõi từng chút một. Chúng tôi hoạt động với tư cách là những người bạn suốt đời, mang lại sự an tâm cho cả trẻ em và gia đình".