Nghệ An: Mô hình trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế của chàng kỹ sư trẻ
(Dân trí) - Từ bỏ công việc ở thành phố, chàng kỹ sư trẻ quyết định về quê lập nghiệp với lý do đơn giản được thỏa sức đam mê, sáng tạo và tự làm chủ công việc của mình.
Bằng vốn kiến thức kỹ sư công nghệ sinh học Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, anh Cao Minh Long trở về quê nhà lập nghiệp với việc trồng nấm.
Tận dụng những nguyên liệu có sẵn ở địa phương thích hợp với việc trồng nấm như mùn cưa, bông, rơm rạ… bước đầu cho anh Long kết quả khả quan.
Sau đó một thời gian, anh Long quyết định đầu tư thêm hệ thống phun nước làm mát và tạo độ ẩm, máy trộn mùn cưa, nồi hơi… để tăng diện tích sản xuất và đa dạng sản phẩm.
Song song với việc đầu tư kĩ thuật, phương tiện, anh Long cũng bắt đầu tìm đầu ra cho sản phẩm.
Đầu năm 2016 dây chuyền sản xuất nấm của anh bước vào hoạt động chính thức. Anh đầu tư trồng nhiều loại nấm như tai mèo, nấm linh chi đỏ, nấm bào ngư, nấm Đông trùng hạ thảo và nấm rơm.
“Mỗi loại nấm có một thời gian phát triển khác nhau, mình chủ yếu chú trọng vào nhiệt độ, độ ẩm để cho nấm đủ điều kiện phát triển theo kế hoạch trồng của mình.
Như nấm rơm nhà nuôi trồng nấm phải xây dựng cầu kì hơn, vì đây là loại nấm khó trồng và cách chăm sóc công phu”, anh Long giải thích.
Được biết, nguyên liệu để trồng nấm linh chi, bào ngư, tai mèo chủ yếu là mùn cưa từ loại gỗ cao su và gỗ tràm, với nấm rơm nguyên liệu chính yếu là bông, và rơm.
Hiện, trại nấm sản xuất 2 loại nấm chính đó là nấm bào ngư và nấm rơm. Anh Long cho biết: “Quá trình sản xuất ra bịch phôi giống sò và nấm rơm khoảng 25-30 ngày và trải qua nhiều công đoạn: chọn mùn cưa, dây lọc và ủ mùn cưa trong vòng 15 ngày. Sau đó, mùn cưa sẽ được trộn và đóng bịch đưa vào lò hấp thanh trùng ở nhiệt độ 120ºC trong vòng 8 tiếng".
Hoàn thành công đoạn hấp, bịch phôi nấm sẽ đưa ra ngoài cho nguội và bắt đầu cấy giống, quy trình phải hoàn toàn vô trùng và tránh ảnh hưởng đến chất lượng nấm giống.
Hiện nay, mô hình trang trại trồng nấm ăn, nấm dược liệu, sản xuất giống nấm từ ý tưởng khởi nghiệp đã đi vào hoạt động với 5 nhà trồng nấm. Các khu tập kết vật liệu, khu vực dây chuyền trộn nguyên liệu đóng bịch nấm, khu vực nồi hơi, khu vực nhà cấy giống, nhà ươm tơ… được anh Long đầu tư khá công phu và nhiều tiền.
Từ khi dây chuyền sản xuất nấm của anh đi vào hoạt động đã mang lại thu nhập ổn định. Mỗi vụ nấm thu về khoảng 800 triệu đồng đã trừ mọi chi phí, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Vinh và Hà Nội.
Bên cạnh đó, anh còn giải quyết công ăn việc làm cho trên 15 lao động ở địa phương với mức thu nhập 4 đến 5 triệu đồng/ người/ tháng.
Đánh giá về mô hình sản xuất nấm của anh Long, ông Phạm Văn Hướng, Chủ Tịch xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu cho biết: “Mô hình trồng nấm của anh Long rất ấn tượng và triển vọng.
Đây là mô hình không những giúp phát triển kinh tế cá nhân mà còn giúp đỡ nhiều người dân trong và ngoài huyện có cơ hội vươn lên làm giàu. Thời gian tới, mô hình của anh sẽ được mở rộng với quy mô lớn hơn”.
Nguyễn Tú