Ngày hôm nay của Tuấn “lùn”

(Dân trí) - 25 tuổi, chàng trai có biệt danh “Tuấn lùn” (Lê Ngọc Tuấn ) đang là chủ của một cửa tiệm internet nho nhỏ. Ngày hôm nay của Tuấn chính là kết quả của những năm tháng khó khăn mà Tuấn đã vượt qua.

Cao chưa đầy 1mét, tàn tật từ nhỏ do di chứng của chất độc da cam nhưng chàng trai Lê Ngọc Tuấn (ở thôn Cổ Hiền-xã Hiền Ninh-huyện Quảng Ninh-tỉnh Quảng Bình) đã vượt qua nỗi đau tật nguyền và nghèo đói để vươn lên làm người có ích.

 

Tuổi thơ tật nguyền

 

Tại mảnh đất khô cằn nơi Tuấn được sinh ra, ai cũng biết đến “Tuấn lùn”. Cái biệt danh ấy đã theo suốt Tuấn từ những năm tháng tuổi thơ nhọc nhằn.

 

Ngày Tuấn được sinh ra, ba mẹ Tuấn đã vui mừng khôn xiết khi có được cậu con trai kháu khỉnh. Ngày nhỏ, Tuấn lớn lên bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng đến 5 tuổi thì Tuấn bắt đầu có biểu hiện chậm lớn. Chân tay Tuấn teo lại, ngắn cũn. Ngày ấy, bà Lê Thị Khuyên-mẹ Tuấn đã kinh hoàng ngất xỉu khi biết được rằng Tuấn chậm lớn là do di chứng của chất độc da cam mà bà nhiễm phải từ hồi bà tham gia tháo gỡ bom mìn trong quân đội. Bà đem Tuấn đi chạy chữa khắp các bệnh viện nhưng các bác sỹ đều bó tay lắc đầu. Bà đã khóc cạn nước mắt vì thương con.

 

Đến tuổi đi học, ngày đầu dắt Tuấn đến trường cõi lòng người mẹ như xót đau khi nhìn cậu con trai độc nhất chân tay ngắn củn đứng thấp hơn chúng bạn cả cái đầu. Nhìn Tuấn ngày ngày đến trường trên đôi chân vòng kiềng bé xíu mà ai cũng thương. Mùa mưa đường trơn, mẹ bận việc không thể cõng Tuấn đi học được, Tuấn đến lớp với áo quần bê bết bùn đất. Bạn bè thương tình đã thay nhau cõng Tuấn đi học. 12 năm học của Tuấn thì có hơn 10 năm Tuấn đến trường trên lưng, trên xe đạp của bạn. Bù lại, năm nào Tuấn cũng chăm chỉ học và đạt kết quả rất tốt, được thầy yêu bạn mến.

 

Năm 2002, Tuấn tốt nghiệp THPT nhưng do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên cậu không thi Đại học mà chỉ thi vào Trung học Công nghiệp Huế. Hai năm học ở tại đây, năm nào Tuấn cũng giành học bổng của trường. Đó cũng là quãng thời gian khó khăn của Tuấn, mỗi tháng mẹ chỉ có thể gửi cho Tuấn được 200 nghìn. Nhưng thời gian cũng trôi qua, Tuấn ra trường với tấm bằng xuất sắc để tiếp tục nuôi những khát vọng mới.

 

Ngày hôm nay của Tuấn “lùn” - 1
 Tuấn “lùn” trong tiệm net của mình.

 

Khát vọng vượt khó

 

Với tấm bằng Trung cấp nghề xuất sắc trong tay nhưng Tuấn đi xin việc ở đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối. Không nản lòng, Tuấn về quê với tâm niệm “phải cố gắng để mình không trở thành gánh nặng của gia đình hay người thừa của xã hội”.

 

Được sự ủng hộ nhiệt tình của mẹ, Tuấn thế chấp nhà cửa đất đai làm đơn vay vốn ngân hàng để mở một tiệm Internet nho nhỏ. Quán của Tuấn ngày một đông khách bởi ông chủ quán trẻ tuổi rất nhiệt tình và thành thạo trong công việc giúp cho mọi người đến với internet. Tuấn còn là một thợ sửa chữa máy tính không thua bất kì một kỹ sư nào bởi anh là chuyên gia sửa máy miễn phí cho mọi người.

Mỗi tháng, trừ mọi chi phí Tuấn kiếm được khoảng hơn một triệu để tự nuôi sống bản thân và chu cấp cho em gái đi học. Sau bốn năm, Tuấn chỉ còn nợ Ngân hàng 50 triệu nữa, đã sắm được xe máy ba bánh để làm phương tiện đi lại. Tuấn tâm sự: “Ước muốn thì nhièu nhưng trước mắt tôi chỉ mong khoảng 2-3 năm nữa trả hết nợ. Sau đó kiếm chút vốn mở Trung tâm dạy nghề sửa chữa máy tính dành cho những người tàn tật giống tôi, đó là ước muốn lớn nhất của đời tôi”.

Còn chuyện riêng tư, Tuấn vẫn mong một ngày nào đó sẽ có một người con gái thương yêu, cảm thông hoàn cảnh của Tuấn. Tuấn sẽ lấy người đó làm vợ và sinh ra những đứa con xinh xắn như bao người đàn ông khác. Tuấn sẽ chăm lo cho gia đình, thương yêu vợ con.

 

Ngày này qua tháng khác, Tuấn vẫn miệt mài làm việc, không ngừng rèn luyện tay nghề qua những lần sửa máy miễn phí. Chàng lùn ấy vẫn mang trong mình đầy ắp những khát vọng vươn lên để sống tốt hơn.

 

 Lê Hoài Phương