Ngày 20/11 của những giáo viên ngoại tại Việt Nam

(Dân trí) - Là những người sinh trưởng ở nước ngoài nhưng họ lại mong muốn được sống và làm việc ở Việt Nam bằng công việc giảng dạy hết sức thiêng liêng.

Thầy giáo dạy tiếng Anh Andy Huy Lê

 
Thầy giáo điển trai Huy Lê.
Thầy giáo điển trai Huy Lê.
 

Andy Huy Lê (28 tuổi) là người Việt Kiều, sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Tuy rằng bố mẹ đều là người Việt Nam nhưng ngoại hình thầy “rất Tây” và hạn chế về khả năng nói tiếng Việt.

 

Hiện tại, thầy đã về nước được 5 năm nhưng chỉ biết nói vài câu tiếng Việt đơn giản. Trước khi đến Việt Nam, Andy đã có một thời gian dạy tiếng Anh ở thành phố Tokyo (Nhật Bản).

 

“Mình muốn gắn bó với Việt Nam vì Nhật hoặc Hàn Quốc là những nước phát triển nên không quá nhiều khác nhiều so với Mỹ. Còn Lào, Campuchia, Thái Lan hay Việt Nam có nền văn hóa và lối sống hoàn toàn khác biệt, mang dấu ấn, rất thú vị.

 

Hơn nữa, bố mẹ mình là người Việt nên Andy muốn về tìm hiểu về con người, đất nước. Trong 2,5 năm trở lại đây, mình tìm thấy niềm vui, đam mê đối với công việc dạy tiếng Anh cho các bạn trẻ”, Andy chia sẻ.

 

Sau hai năm rưỡi dạy học, thầy cho biết cảm nhận về sinh viên Việt rất khác so với Nhật. Các bạn trẻ Việt Nam rất chăm chỉ và nhiệt tình, dồn hết tâm sức cho việc học tiếng Anh.

 

Andy nói: “Họ nhận ra rằng, tiếng Anh là chìa khóa mở ra nhiều cơ hội trong việc làm sau này của mình. Trong khi học viên Nhật Bản thì khác, họ học phần lớn là vì bố mẹ yêu cầu chứ không phải tự nguyện.

 

Với họ, tiếng Anh không quá bức thiết và tác động lớn đến công việc. Nếu không biết tiếng Anh, họ vẫn có thể làm việc và thăng tiến nghề nghiệp”.

 
Thầy Huy Lê và các học viên Việt Nam
Thầy Huy Lê và các học viên Việt Nam
 

Bên cạnh sự nhiệt tình, chăm chỉ, Andy cũng chỉ ra yếu điểm của sinh viên Việt Nam là thụ động trong học tập khi thường chờ giáo viên giao bài và giảng dạy trong khi những cấu trúc ngữ pháp, từ vựng trên lớp chỉ là bước đầu, nền tảng để tiếp tục học và phát triển.

 

Mặc dù đã làm nhiều công việc trước đó nhưng lý do Andy lựa chọn công việc giảng dạy bởi muốn nhìn thấy học sinh trưởng thành từng ngày, từ nhút nhát, thiếu tự tin cho đến vươn lên đứng đầu lớp và tự tin trong giao tiếp.

 

“Việc nhìn thấy học viên của mình tiến bộ là niềm vui và động lực để Andy tiếp tục cố gắng truyền dạy kiến thức, chuẩn bị những bài giảng hay cho các bạn.

 

Sinh viên Việt thật tình cảm và gần gũi. Khi mới bắt đầu dạy học, mình đã rất bất ngờ khi không biết 20/11 là ngày nhà giáo Việt Nam nhưng đã được các bạn tổ chức một chương trình nhỏ dành tặng các giáo viên. Khi đó, mình thực sự rất cảm động”, thầy bày tỏ.

 

Giáo viên dạy Yoga Gurdev Singh (1979)

 
Ngày 20/11 của những giáo viên ngoại tại Việt Nam
Thầy Gurdev Singh cố gắng truyền tải thông điệp về bộ môn yoga tới học viên Việt Nam.
 

Là người nước Ấn Độ, học yoga từ năm lớp 7,8 như một môn học thể dục bắt buộc ở trường, thầy đã nhận lời mời của bạn bè qua dạy ở Việt Nam.

 

Hai năm đầu thầy làm tự do cho nhiều trung tâm. Đến năm thứ 3, sau khi hiểu rõ về con người, môi trường làm việc thầy mới bắt tay mở phòng tập yoga riêng.

 

Một trong những khó khăn của việc giảng dạy thầy phải đối mặt ở đây là người Việt có một quan niệm về yoga không đúng đắn và rất khó có thể thay đổi được bởi rào cản ngôn ngữ.

 

Thầy bày tỏ: “Yoga là sự hòa hợp giữa tâm hồn, trí tuệ và thể xác trong khi người ta nghĩ rằng nó không khác với việc tập aerobic hay thể dục để khỏe hoặc giảm cân.

 

Những động tác uốn dẻo thì những người trong rạp xiếc cũng làm được nhưng đó không phải là yoga. Yoga là sự thay đổi bên trong nội tâm của con người chứ không phải là bên ngoài.

 

Nó tập trung vào việc thở. Chính quá trình thở trong khi tập luyện các động tác khiến con người cảm nhận được thực tại, đang sống trong thực tại”.

 
Ngày 20/11 của những giáo viên ngoại tại Việt Nam
 

Hiện tại, thầy vẫn đang cố gắng từng bước một thay đổi nhận thức, quan điểm học viên, để có thể lĩnh hội bộ môn này một cách hiệu quả, đúng đắn nhất.

 

Khi đã giảng dạy ở Việt Nam được một thời gian, thầy đã được biết đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng của ngày lễ này, năm nào thầy cũng tổ chức tiệc và mời mọi người tới tham dự. Có năm thầy còn được tặng hoa tươi và quà.
 

Thầy cho biết quan niệm sống của bản thân là ở đâu phải hòa nhập với văn hóa ở đấy. Bởi vậy mà trong nhiều ngày lễ tết thiếu nhi, Phụ nữ Việt Nam...thầy đều tổ chức chương trình dành cho học viên.

 

Trong quá trình dạy, thầy cũng thường xuyên có các buổi dã ngoại cho học viên. Kỷ niệm thầy nhớ nhất chính là lần dã ngoại ở chùa Vĩnh Phúc.

 

“Ở đó, cảnh đẹp, thanh nhã và không khí trong lành, rất phù hợp để thưởng thức yoga. Lúc này, không còn ranh giới giữa giáo viên và học viên mà mọi người chỉ như những người bạn, chia sẻ với nhau các câu chuyện về cuộc sống hàng ngày”, thầy chia sẻ.

 

Hoàng Dung