Sinh viên nước ngoài tại Việt Nam:

Ngao ngán vì “chính sách hai giá”

Cuối cùng, Lee Dong Gun, sinh viên năm thứ 2 khoa Việt Nam học, Đại học Khoa học xã hội - nhân văn TPHCM cũng đã kiếm được chỗ ở mới tại quận Bình Thạnh với giá rẻ hơn một nửa so với ở hẻm 18A Nguyễn Thị Minh Khai. Dầu vậy họ vẫn đang là nạn nhân của chính sách hai giá một thời dành cho du khách nước ngoài…

Lee là một thành tố trong làn sóng sinh viên nước ngoài tìm đến Việt Nam học tập, phần lớn họ đến từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…Họ sống và học tập như bao sinh viên Việt Nam khác, chỉ có điều chi phí sinh hoạt học tập của họ giá không giống.

 

Ăn ở đắt đỏ

 

Những cư dân con hẻm 18A trên đường Nguyễn Thị Minh Khai đã quá quen thuộc với hình ảnh sinh viên nước ngoài sáng sáng chiều chiều cắp sách đến Đại học Khoa học xã hội - nhân văn TPHCM. Gần trường nên con hẻm này thu hút khá nhiều sinh viên nước ngoài đến sinh sống, đơn giản vì họ không thể chạy xe máy và cũng vì không biết đến chỗ nào khác, cứ người đến trước giới thiệu cho người đến sau.

 

Một phòng 24m2 có quạt máy, tivi, tủ lạnh giá thuê phổ biến từ 170 - 200 USD/tháng, chưa kể điện, nước. Ngoài khu vực này, chung cư Sư Vạn Hạnh và khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng cũng là nơi tập trung đông sinh viên nước ngoài. Giá thuê ở đây thấp nhất là 300 và cao nhất là 700USD/căn hộ từ 1 - 2 phòng.

 

Năm ngoái, lấy lý do giá điện nước lên, hàng loạt chủ nhà hẻm 18A Nguyễn Thị Minh Khai tiếp tục cho tăng giá thuê phòng lên từ 10 - 20 USD. Trong đợt tăng giá này, chính Lee phải chuyển đến sống tại Bình Thạnh với giá thuê nhà là 1,5 triệu đồng, tháng so với sinh viên Việt Nam là 600.000 đồng, "nhưng dù sao thì cũng rẻ hơn một nửa so với chỗ cũ tuy không tiện nghi bằng", Lee hài lòng nói.

 

Tiền thuê chỗ chiếm đến từ 30 - 50% chi phí sinh hoạt của sinh viên nước ngoài. Không chỉ vậy, trong các dịch vụ khác, họ vẫn luôn phải chịu một mức phí cao hơn. Gửi xe 3.000 đồng/lượt. Gọi xe ôm, cứ thấy người nước ngoài không cần biết là sinh viên hay không, các bác tài cứ thế mà chặt. Ăn uống "chỉ dám ăn những chỗ quen, nơi có niêm yết giá rõ ràng, hoặc hỏi giá trước cho chắc ăn.

 

Cho Sung Min, sinh viên Đại học Khoa học xã hội - nhân văn kể thêm: hồi mới qua chưa rành tiếng Việt, tôi phải luôn trả tiền cao hơn mức thực tế gấp nhiều lần. Nhưng bây giờ đã có kinh nghiệm "trả giá" rồi, tuy thường bị người bán chê là "người nước ngoài sao mà kẹo quá".

 

Ngoài ra, để trang trải mọi chi phí, hầu hết sinh viên nước ngoài đều làm thêm, thường là phiên dịch tiếng Việt cho các công ty lữ hành. Bên cạnh đó, việc học chính quy khiến họ có rất ít thời gian. Ngoài giờ học và làm ra họ thường chỉ tụ tập nhau đi "nhậu", rồi sau đó chia tay ai về phòng nấy. Cho Sung Min phấn khởi khoe anh và nhóm bạn vừa phát hiện được một nhà hàng Karaoke ở Phú Mỹ Hưng có nhạc Hàn Quốc mới hẳn hoi, chứ không phải những bài từ thập niên 80, 90 thường thấy ở các Karaoke ở Sài Gòn.

 

Bất cập trong chương trình học

 

Ngành Việt Nam học được sinh viên nước ngoài chọn nhiều nhất với mục đích chính là học tiếng Việt để làm việc tại các công ty nước ngoài có vốn đầu tư tại Việt Nam. Tại TP. Hồ Chí Minh, hiện nay có Đai học Khoa học xã hội - nhân văn, Đại học Sư phạm và một số đại học dân lập có đào tạo ngành học này với nhu cầu ngày càng tăng cao. Nếu khoá đầu tiên đại học Khoa học xã hội - nhân văn chỉ tuyển được 13 sinh viên, thì đến khoá thứ 7 đã có 32 sinh viên. Dự kiến, tuyển sinh 2007, con số dự thi vào trường sẽ là 40. Tương tự, tại Đại học Sư phạm, khoá đầu chỉ có 2 sinh viên theo học, đến khoá thứ 5 là 16 sinh viên.

 

Việc tuyển người học đã khó, giữ cho họ học đến cuối khoá càng khó hơn, tỷ lệ sinh viên rơi rụng rất cao, một trong những lý do chính là chương trình quá khó và xa rời thực tế. Đơn cử như khoá 2002 - 2006 khoa Việt Nam học của Đại học Khoa học xã hội - nhân văn chỉ có 3/11 sinh viên theo học tốt nghiệp. Mặc dù là sinh viên nước ngoài, nhưng chương trình học của họ cũng như sinh viên Việt Nam, nghĩa là cũng phải học những môn chung như triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa cộng sản Khoa học…

 

Đối với những sinh viên chỉ mới bập bẹ tiếng Việt thì đây là những môn "khó nuốt". Thêm vào đó, cách truyền đạt của một số giảng viên Việt Nam khá đơn điệu, một chiều khiến giờ học càng nặng nề hơn. TS Dư Ngọc Ngân, chủ nhiệm bộ môn ngôn ngữ học, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cho biết: Đã có những lúc tưởng như phải đóng cửa ngành học vì sinh viên "nghỉ" vì học không nổi. Nhà trường phải thuyết phục, giải thích rất nhiều cho sinh viên hiểu: "học tiếng Việt ở đại học khác với học tiếng Việt ở các lớp ngắn hạn là như thế nào…".

 

Tuy vậy, để giữ chân sinh viên, các trường cũng đã yêu cầu giảng viên thay đổi cách dạy cho phù hợp hơn, tinh giản bớt nội dung những môn khó. Đưa những môn chung vào năm thứ 3, năm thứ 4 thay vì năm thứ nhất, năm thứ hai theo quy định của bộ…Dầu thế, chương trình vẫn còn nặng nề và tỷ lệ sinh viên rớt còn khá cao.

 

Theo TS Nguyễn Văn Huệ, phó chủ nhiệm khoa Việt Nam học thì, trong thời gian tới, các trường phải thay đổi nhiều trong cách dạy và học để thu hút nhiều sinh viên quốc tế. Còn hiện giờ "vẫn chưa tìm được lối ra".

 

Hơn nữa, sinh viên nước ngoài còn phải chịu mức học phí từ 1.000 - 1.400USD/năm, tuỳ năm, so với sinh viên trong nước bình quân khoảng 3.000.000 đồng/năm.

 

Các trường cho biết, tiếng Việt là phương tiện khá hữu hiệu để các sinh viên nước ngoài dễ dàng tìm được một công việc tại Việt Nam. Số lượng sinh viên nước ngoài tìm đến Việt Nam chắc chắn sẽ đông nhanh hơn nữa nếu cuộc sống và việc học của họ nằm trong diện khuyến khích bằng chính sách cụ thể.

 

Theo Phúc An
Sài Gòn Tiếp Thị