Ngạc nhiên khả năng vẽ tranh tài tình của học trò khiếm thị

Mai Châm

(Dân trí) - Bức tranh mang chủ đề cô và trò do học trò khiếm thị Phương Thiên thực hiện. Mặc dù thị lực chỉ còn 1/10 nhưng nhờ nỗ lực, đam mê và phương pháp học, Thiên đã hoàn thành được tác phẩm giàu ý nghĩa.

Ngạc nhiên khả năng vẽ tranh tài tình của học trò khiếm thị

Nhân kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2020), đoàn TƯ Đoàn do anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn, Chủ tịch TƯ Hội LHTN Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng hoa chúc mừng cô Phạm Thị Kim Nga, Hiệu trưởng trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội).

Tại đây, sau khi đoàn TƯ Đoàn tặng hoa, trò chuyện thì nhận được một món quà bất ngờ từ cô giáo Hiệu trưởng trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Đó là một bức tranh rất ý nghĩa do học trò khuyết tật thực hiện.

Học sinh Phương Thiên - người chỉ có thị lực 1/10 là người đã vẽ bức tranh mang chủ đề cô và trò, và Thiên tặng cho nhà trường trước khi tốt nghiệp. Em gửi gắm trong bức tranh không chỉ tài năng mà còn là nỗ lực hết mình để theo đuổi đam mê vẽ, vượt qua rào cản về thị lực.

Ngạc nhiên khả năng vẽ tranh tài tình của học trò khiếm thị - 1

Bức tranh thể hiện tài năng và trái tim tràn đầy yêu thương của học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu.

Ngạc nhiên khả năng vẽ tranh tài tình của học trò khiếm thị - 2

Cô Phạm Thị Kim Nga nói về phương pháp giảng dạy của nhà trường và tài năng của học trò mình.

Xúc động trước bức tranh giàu ý nghĩa cùng với tình cảm của thầy và trò trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, anh Nguyễn Anh Tuấn tin rằng trong tương lai các thầy cô giáo nơi đây sẽ còn có những tiến bộ vượt bậc hơn nữa trong công tác giảng dạy để giúp đỡ trẻ em khuyết tật hòa nhập vào cuộc sống và phát triển năng khiếu.

Trong không khí trò chuyện thân tình, cô giáo Phạm Thị Kim Nga cho biết, từ năm 1988 đến nay, trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu thực hiện mô hình dạy hoà nhập cho trẻ khiếm thị và trẻ không khuyết tật, đạt được thành công ngoài mong đợi.

Cô Nga cho biết, trong số các em học sinh khiếm thị trưởng thành từ mái trường Nguyễn Đình Chiểu, có 2 em đã học xong chương trình Thạc sĩ tại Mỹ và Úc; 33 em đã học xong Đại học, Cao đẳng.

“Những con số này đã khẳng định tính ưu việt, đúng đắn của mô hình giáo dục hòa nhập mà trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đang theo đuổi. Đây là cái nôi đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh khiếm thị trưởng thành, tài năng, có đóng góp trên nhiều lĩnh vực hoạt động của xã hội, thực sự trở thành những con người “tàn nhưng không phế”", cô Phạm Thị Kim Nga, Hiệu trưởng trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu cho hay.

Ngạc nhiên khả năng vẽ tranh tài tình của học trò khiếm thị - 3

Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn Nguyễn Anh Tuấn chúc mừng các thầy cô giáo trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Anh Nguyễn Anh Tuấn đánh giá cao mô hình giáo dục tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. “Đây không chỉ là điểm sáng thành công về mô hình giáo dục hòa nhập mà còn thể hiện được tính nhân văn sâu sắc, chăm lo cho tất cả mọi đối tượng trong xã hội, không để ai bị ở lại phía sau”, anh nói.

Anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, TƯ Đoàn, Hội đồng Đội TƯ, Hội SVVN luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ với các hoạt động của trường Nguyễn Đình Chiểu, qua đó, góp phần phát triển, nhân rộng mô hình rộng lớn hơn nữa.

Ngạc nhiên khả năng vẽ tranh tài tình của học trò khiếm thị - 4

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đến thăm GS.TSKH Lương Xuân Quỳ, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Cùng ngày, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn đến thăm GS.TSKH Lương Xuân Quỳ, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Thầy Quỳ từng là thầy giáo của anh Nguyễn Anh Tuấn và cũng là người thầy đáng kính của rất nhiều thế hệ học trò.

Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ sự tri ân sâu sắc với những đóng góp trong ngành giáo dục của GS.TSKH Lương Xuân Quỳ. Anh ôn lại kỷ niệm cùng thầy, là một nhà giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo của đất nước, là một nhà khoa học có những đóng góp to lớn cho quá trình hoạch định chính sách đổi mới của đất nước.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, anh Tuấn chúc sức khỏe thầy Lương Xuân Quỳ và cảm ơn những điều ý nghĩa cho xã hội mà thầy đã đóng góp.