“Ngả mũ” với tài “chém gió” của người Việt

Nếu có một kỉ lục thế giới về tài “chém gió”, hẳn thanh niên Việt sẽ tiếm ngôi quán quân một cách đầy thuyết phục. Đáng buồn là có vẻ, ngôi vị này sẽ còn được những người trẻ Việt bảo vệ thành công trong một thời gian dài.

Những tuổi trẻ ngồi… “triển lãm tuổi trẻ”

 

Dạo một vòng Hà Nội, từ khu phố cổ đến khu phố cũ, sang khu phố mới, vào nhiều thời điểm trong ngày, từ sáng, trưa, chiều, tối, bạn đều có thể dễ dàng bắt gặp cảnh những bạn trẻ cả nam và nữ ngồi chen chúc, đông vui ở một quán cà phê, trên vỉa hè, bên góc đường…

 

Những bạn trẻ của tuổi căng tràn sức xuân lại vội sắm cho mình bộ dạng uể oải có phần chán chường ấy có thể ngồi xì xụp ăn phở trên ghế nhựa xanh đỏ; có thể ngồi làm dáng u buồn xa xăm bên ly cà phê gọi ra hầu như chẳng phải để uống; hay dân giã hơn thì ngồi tưng bừng cùng đám đông bạn bè bên những ly trà chanh, tay nhoay nhoáy lướt Facebook trên điện thoại.

 

Cũng có khi họ tạm buông tay buông mắt khỏi điện thoại di động, ngước cặt mắt hững hờ nhìn các ông bà già, các cô bác trung niên đi tập thể dục. “Trẻ uống trà, già tập thể dục” là thế. Câu chuyện “trái khoáy” này từ bao giờ đã thành thành ngữ thuộc hàng “kinh điển” của Hà Nội!

 

“Ngồi mệt mỏi, ngồi ngẫm ngợi. Hành động đáng kể nhất là tạo dáng chụp ảnh. Vậy phải chăng đó là chân dung thị dân trẻ ngày nay?”, một cây viết trẻ của Hà Nội đã thử “vẽ” chân dung của những người trẻ Hà thành như thế. Anh gọi, đó là một thế hệ “ngồi cả trong tâm trí”, những người ngày ngày ngồi “triển lãm tuổi trẻ” ở những quán cà phê hay quán chà tranh chém gió vỉa hè.

 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 

Và những đỉnh cao của… "chém"

 

Trong những cuộc “triển lãm tuổi trẻ” đương nhiên có thêm một “gam màu” khác, đối nghịch với cái “màu” buồn buồn ngơ ngẩn rất “xì tin”. ấy là những “đại hội chém gió”. Chẳng rõ thời điểm chính xác hay tác giả của từ “chém gió” đã thành từ thông dụng nhất của giới trẻ hiện nay, nhưng rất có nhiều khả năng từ này được “phát tích” từ Hà Nội.

 

Thậm chí, có khi nó được “phát minh” ngay trong một bàn cà phê, một quán trà đá vỉa bè nào đó của Hà thành. Đây mới chỉ là một giả thiết chưa biết khả năng đúng tới đâu nhưng có một điều hẳn sẽ nhận được sự đồng tình của nhiều người, ấy là từ “chém gió” có lẽ được nói nhiều nhất ở Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn nói chung.

 

Tối nào cũng vậy, từ phố trà chanh nhà thờ đường Lý Quốc Sư đến Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ và rải rác khắp các phố cổ Hà Nội cho đến những gian mới của giới trẻ như khu không gian trước SVĐ Mỹ Đình, những con đường ven hồ Tây… đông nghìn nghịt nam thanh nữ tú, nhiều nhất là teen mở đại tiệc trà tranh chém gió, chém bão.

 

Không chỉ trà chanh chém gió, cà phê chém gió, bia hơi chém gió, các bạn trẻ thị thành còn lập cả hội chém gió trên mạng xã hội. Họ còn mở “đại hội nhân tài” để tìm định nghĩa cho từ mà họ rất khoái này.

 

Cứ như thể, chém gió (ba hoa, khoác lác) chính là nhu cầu... xả, nhu cầu... "thoát xác" của một bộ phận giới trẻ hiện nay vậy. Thậm chí nó còn sẵn sàng được các bạn trẻ dùng bất chấp “liều lượng” để “chế tác” cho mình một hình ảnh thật lộng lẫy, xa hoa trước cộng đồng, thỏa mãn cơn khát về ảo ảnh giàu sang, quyền quý.

 

Thế nên mới có chuyện, chốc chốc mấy tờ báo nọ lại mất công “lật tẩy” trò “chém gió” của hotboy này, hotgirl kia về thân phận giàu sang giả của họ.

 

Phản biện cũng thành… "chém bão"

 

Nhưng đừng tưởng “chém gió” chỉ là đặc quyền của mấy cô cậu chưa lớn còn đang u mê với những ngôi vị hão huyền, đang lầm tưởng đánh đu với những hư danh. Ngay đến những người trưởng thành hẳn hoi, thậm chí là những người vốn có vai vế, tiếng tăm, được coi là có tri thức, có văn hóa ở mình hiện nay cũng… "chém", mà "chém" tới… cuồng phong.

 

Mới đây nhất, nhiều người từng biết chút về tiếng tăm của một nghệ sĩ nọ đã không khỏi… choáng váng khi nghe ông này “chém” về những người cũng làm phim “Sống cùng lịch sử”.

 

Một họa sĩ, không có chuyên môn về nghệ thuật điển ảnh và hơn thế, không sòng phẳng nói mình đã xem bộ phim hay chưa (hẳn nhiều phần là chưa xem) nhưng lại sừng sững lên báo khẳng định rằng: “Phim các anh làm chẳng ra gì, lạc hậu và ngớ ngẩn không thể chịu nổi” hay nói bộ phim là “sự bịp bợm có” nghề của những người thiếu năng lực thực sự”...

 

Ở đây người viết không bàn chuyện phim hay – dở, quan điểm của họa sĩ nọ về bộ phim đúng – sai ra sao hay to tát hơn là có nên khai tử dòng phim bao cấp mà chỉ nói đến cái tinh thần phản biện rất “chợ búa”, rất “chém gió”…

 

Chưa nói đến việc ê kíp làm bộ phim đều là những nghệ sĩ có tiếng trong nghề, có tâm và tài năng đã được giới chuyên môn cũng như công chúng thừa nhận nhiều năm qua, chỉ việc ông họa sĩ nọ lên báo nhân danh nọ kia mà văng mạng chửi bới, kết tội bằng những lời lẽ “dìm hàng”, xúc phạm, chà đạp lên người nghệ sĩ thì đó đã hoàn toàn không phải là một tinh thần tranh biện khoa học và lành mạnh.

 

Lối phản biện kiểu lấy việc chỉ ra điểm hạn chế của người khác làm hả hê, làm sự hãnh diện của mình, dù sự hạn chế đó là có thật thì đó hoàn toàn không phải là lối tranh biện khoa học có giá trị và được tôn trọng.

 

Lối phản biện ấy cũng chẳng khác nào trò “chém gió chém bão” đang “bùng nổ” như một “đại dịch” ở những bạn trẻ Việt.

 

Theo Hoàng Hương

Tuổi trẻ thủ đô