“Nếu nhặt được của rơi, bạn sẽ làm gì?”

(Dân trí) - Có những tình huống “mất của” rất trớ trêu với bạn, nhưng lại là kịch bản có sẵn của những tên “xấu xí” khác.

Không phải tất cả những người  “cố tình cầm nhầm” rồi đòi tiền chuộc vì lí do họ ít tiền hay thiếu thốn, mà ngay cả những chàng trai, cô gái xinh xắn, ăn mặc “sành điệu” cũng không ngại ngần làm “biến tướng” hình ảnh của mình.

 

Những tình huống không ai muốn

 

Nhân ngày giảm giá cuối năm, cửa hàng thời trang Việt Nam trên phố Huế đông như hội, người ra kẻ vào xếp hàng chật kín khu thử đồ. Ai cũng nhanh chóng thử đồ rồi nhường chỗ cho người khác.

 

Cô bạn Nguyệt Minh (20 tuổi, sinh viên Đại học Mở, Hà Nội) cũng vậy, sau khi thử chiếc áo khoác, Minh thích thú đi ra và bỏ quên chiếc ví của mình trong giỏ cửa hàng. Sực nhớ, Minh quay lại tìm, nhưng… cái ví đã “không cánh mà bay” theo cô nàng cực kỳ “sành điệu” đi vào ngay sau Minh. Không chỉ tiếc vài trăm nghìn bố mẹ gửi lên cho mua đồ cuối năm, Minh ngẩn ngơ: “Trong ví có bao nhiều giấy tờ tuỳ thân, chứng minh thư, bằng lái xe, thẻ sinh viên nữa chứ”.

 

Đôi bạn trẻ Hà Việt, Việt Anh (20 tuổi, sinh viên năm thứ 4 Đại học Bách Khoa) còn “bi đát” hơn. Đúng chiều Noel được nghỉ học, thời tiết trở lạnh, đôi bạn trẻ chọn Tonkin - quán nước khá nổi tiếng mà dân sinh viên, công chức hay vào để hàn huyên tâm sự.

Muốn xem tivi đỡ bị vướng, họ chuyển chỗ ngồi sang ghế đối diện mà quên luôn chiếc điện thoại Samsung ngay trên salon ngồi. Khoảng dăm phút sau, 4 thanh niên ăn mặc rất phong cách, tóc mỗi người một mầu, quần áo váy xúng xính sực mùi nước hoa bước vào đúng chỗ ngồi cũ của đôi bạn Việt Anh.

 

Câu chuyện của đám thanh niên xoay quanh về các thương hiệu thời trang nổi tiếng như DG, Channel, LV nhưng chỉ được khoảng 5 phút, chẳng nói chẳng rằng họ ra về rất nhanh trong khi cốc nước cam hay cốc sinh tố để bên cạnh vẫn còn đầy.

 

Định lấy điện thoại xem giờ, Việt Anh mới giật mình và chạy ngay sang tìm, nhưng… chiếc điện thoại đã “bốc hơi” từ bao giờ ?!

 

Cô bạn Lan Anh tính rất cẩn thận, khi đi đường cô treo túi xách rất chắc với chỗ cài xe máy nhưng hôm đó đang đi trên đường Bà Triệu, phía sau xe lại mắc vào tay lái xe máy của hai thanh niên lạ mặt. Vừa hoảng, càng gỡ càng mắc, đường lại đông, cả hai “giằng co” một lúc mới xong.

 

Về tới bãi gửi xe của cơ quan, Lan Anh không thấy chiếc túi đen to đùng của mình đâu nữa. Trong túi không có nhiều tiền mặt, có hai thẻ rút tiền, giấy tuỳ thân, một điện thoại Nokia đời cũ. Sau khi gọi vào máy điện thoại của mình, cô mới biết thủ phạm lấy túi chính là hai thanh niên vướng vào xe mình. Chúng không “gặm nhấm” được nhiều từ số tài sản có trong túi nên hạ giọng: “Đưa 1 triệu sẽ cho chuộc lại cái túi và giấy tờ”.

 

Kịch bản của những kẻ “xấu xí”

 

“Vừa ăn cắp, vừa la làng” đó là “chiến thuật” trong kịch bản có sẵn của những kẻ “chôm đồ”. Chúng khiến cho người bị hại lo lắng rồi hẹn địa điểm để chuộc đồ. Hầu hết, khúc dạo đầu họ đều giở giọng rất thiện chí. Sau khi nắm bắt được tâm lý của người bị mất, chúng bắt dầu “quát” giá.

 

Như đôi bạn Hà Việt, Việt Anh thì không hiểu gọi là may mắn có hợp lý không. Cậu bạn này sau khi tìm khắp nơi không thấy và y như cậu đoán, gặp lại bốn thanh niên đẹp ngời ngời kia đang mặc cả bán máy của cậu bạn cho một cửa hàng cầm đồ điện thoại ở Đặng Dung.

 

Với thái độ tỉnh bơ, một cậu thanh niên nói “Có 500 nghìn thì chuộc lại không thì bọn này bán đấy, không kỳ kèo đâu”.

 

Mấy cô gái đứng cạnh cũng cười cười chêm lời “đấu giá đê, đấu giá đê”. Ngậm ngùi không muốn để ngày này trở nên không hay, đôi bạn trẻ trả tiền. Rất nhanh bốn thanh niên phóng đi trong những tiếng cười khoái chí.

 

Hai hôm sau, tình cờ Việt Anh phát hiện ra thằng nhóc đòi tiền chuộc mình là con một người bạn thân của bố cùng cơ quan. Cậu ta tên là Ngọc Linh, mới 17 tuổi.

 

Kết

 

Cậu bạn Nguyễn Cương (18 tuổi, sinh viên Đại học Giao Thông) lại khác, gia đình khó khăn, cả nhà vay được một khoản tiền để chạy chữa cho người bố phải chạy thận thường xuyên. Trong lúc thanh toán tiền viện phí mới sực nhớ quên cặp đựng tiền ở cửa hàng thuốc đầu bệnh viện. Chạy thục mạng ra tìm rồi hỏi mọi người xung quanh nhưng ai cũng lắc đầu.

 

Đang trong lúc buồn bã thì một bạn gái chạy tới trả cặp. Hoá ra, cô bạn này cũng đứng cạnh lúc Cương mua thuốc. “Đến lượt mua thuốc, tớ mới nhìn thấy cái cặp nhưng cậu thì không. Tìm gần chết mới thấy cậu đấy, chạy gì mà nhanh thế…”, cô bạn hóm hỉnh nói.

 

“Nếu nhặt được một số tiền lớn, bạn sẽ làm gì?” Là câu hỏi khảo sát của khá nhiều diễn đàn teen trên mạng và có rất nhiều phương án trả lời. Nội trội trong số đó là phương án “mang tới đồn công an gần nhất hoặc tìm gặp người bị mất” khá nhiều người bình chọn, nhưng phần comment dưới cho rằng họ là người đạo đức giả. Nhưng nếu, bạn sẽ muốn điều gì xảy ra khi chính mình rơi vào hoàn cảnh của Cương? Bạn hãy thử trả lời một phương án xem sao?

 

Hà Hương