"Nếu không có đủ điều kiện về kinh tế thì rất khó để cống hiến"

Quang Trường

(Dân trí) - "Nếu không có đủ các điều kiện về kinh tế thì rất khó để chúng ta cống hiến tốt cho công việc chung"", anh Nguyễn Ngọc Dân, Bí thư Đoàn cơ quan BTC Trung ương nói.

Chiều 14/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS HCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027, diễn đàn "Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên" đã diễn ra. Đây là một trong 6 diễn đàn được tổ chức tại Đại hội.

Nếu không có đủ điều kiện về kinh tế thì rất khó để cống hiến - 1
Tổ thảo luận số 1 có anh Nguyễn Thái An - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn và chị Dương Minh Nguyệt - Bí thư Tỉnh Đoàn Tuyên Quang chủ trì diễn đàn (Ảnh: Quang Trường).

Diễn đàn này có nhiệm vụ trao đổi, thảo luận, đề xuất các ý tưởng để làm rõ hơn các giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn, thông qua đó củng cố lý tưởng cách mạng, khơi dậy khát vọng cống hiến, xây dựng lẽ sống cao đẹp cho thế hệ trẻ ngày nay.

Tại đây, các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề mang tính thời sự trong công tác của Đoàn thanh niên.

Nếu không có đủ điều kiện về kinh tế thì rất khó để cống hiến - 2

Đại biểu tham dự diễn đàn tiếp thu ý kiến của cán bộ Đoàn đến từ các cơ quan, đơn vị, địa phương (Ảnh: Quang Trường).

Tham luận tại diễn đàn, anh Nguyễn Ngọc Dân - Bí thư Đoàn cơ quan Ban Tổ chức Trung ương đề xuất, các hoạt động, phong trào của Đoàn thanh niên cần được xem lại tính thực chất. Nội dung hoạt động rất hay, có sức lan tỏa rộng rãi nhưng công tác triển khai chưa đạt đến đích mà chúng ta mong muốn.

"Mặc dù chúng ta là đội hậu bị tin cậy, cánh tay đắc lực của Đảng, nhưng xã hội vẫn nói các hoạt động của Đoàn thanh niên có cảm giác còn hời hợt. Có lẽ, chúng ta cần phải đi vào thực chất hơn nữa", anh Dân nói.

Nếu không có đủ điều kiện về kinh tế thì rất khó để cống hiến - 3

Anh Nguyễn Ngọc Dân tham luận tại diễn đàn (Ảnh: Quang Trường).

Anh Nguyễn Ngọc Dân ví dụ, chúng ta có thể nhìn vào Tỉnh đoàn Hà Giang, khi được giao nhiệm vụ xóa bỏ nhà tạm, Đoàn thanh niên tỉnh đã làm tốt công tác huy động nguồn xã hội hóa. Trong 2 năm, hơn 6.500 căn nhà đã được xây lên bằng nguồn xã hội hóa, hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn.

"Như vậy, vấn đề là chúng ta chưa được giao nhiệm vụ, còn khi đã được giao thì Đoàn thanh niên hoàn toàn có thể xã hội hóa nhà tình nghĩa. Chúng ta phải cụ thể hóa các nội dung khát vọng, cống hiến và lẽ sống trong thời đại này với từng cá nhân, đơn vị, tổ chức.

Ví dụ, khát vọng của cán bộ công chức là gì, cán bộ Đoàn có khát vọng thu hút được bao nhiêu đoàn viên thanh niên", anh Dân khẳng định.

Anh Dân cũng nói thêm, mục tiêu khát vọng về phát triển kinh tế đã đề ra, nhưng cần được làm rõ hơn.

"Lương của các anh chị làm cán bộ Đoàn được chi trả theo chế độ, chính sách chung. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần đặt vấn đề là có thể sống được với mức lương đó hay không, nhất là người sống ở khu vực thành thị.

Nếu không có đủ các điều kiện về kinh tế thì rất khó để chúng ta cống hiến tốt cho công việc chung", anh Dân nói.

Bạn Lâm Văn An - Sinh viên khoa Công nghệ, Trường ĐH Cần Thơ bày tỏ trăn trở, làm thế nào để sinh viên thực hiện tốt khát vọng, cống hiến và lẽ sống thanh niên trong khi còn phụ thuộc vào "cơm cha, áo mẹ, chữ thầy".

Nếu không có đủ điều kiện về kinh tế thì rất khó để cống hiến - 4
Lâm Văn An là một trong số ít đại biểu là sinh viên tham dự Đại hội lần này (Ảnh: Quang Trường).

Đại biểu trẻ cho biết, về công tác nghiên cứu khoa học, khi các bạn sinh viên thực hiện xong một công trình nghiên cứu, muốn đăng bài báo khoa học lên các tạp chí chuyên ngành thì gặp cản trở bởi chi phí đăng bài không hề nhỏ.

Vì vậy, Trung ương Đoàn nên xem xét hỗ trợ kinh phí cho các Đoàn viên sinh viên thực hiện việc này, tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học để sinh viên trao đổi, giao lưu và học hỏi.

Bạn Lâm Văn An cũng cho rằng, sinh viên có sức khỏe, nhiệt huyết nhưng khó tìm được nơi để cống hiến. Cụ thể, trong một học kỳ, Ban chấp hành Đoàn trường tổ chức các phong trào, hoạt động để sinh viên tham gia nhưng dường như chỉ để kiếm điểm rèn luyện.

Sinh viên muốn tham gia bảo vệ môi trường, phục vụ lợi ích cộng đồng nhưng đoàn trường không thể hỗ trợ kinh phí cho các dự án. Mối liên kết giữa Đoàn trường với địa phương còn nhiều hạn chế.

"Em hi vọng Trung ương Đoàn tạo được mối liên kết giữa các nguồn lực xã hội, hỗ trợ kinh phí để thanh niên thực hiện các dự án cộng đồng. Sinh viên chúng em luôn sẵn sàng ra quân", bạn Lâm Văn An nói.

Chị Đỗ Thị Hương - Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Giang nêu ra những hoạt động hiệu quả, ý nghĩa của thanh niên tỉnh nhà.

Điển hình như trong việc phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, tham gia phát triển kinh tế, xã hội, Hà Giang đã xác định các nhiệm vụ cho Đoàn thanh niên như chương trình "Xóa bỏ nhà tạm", nói cách khác là hỗ trợ xây dựng nhà cho các hộ gia đình khó khăn, mức hỗ trợ là 60 triệu đồng/nhà.

Nếu không có đủ điều kiện về kinh tế thì rất khó để cống hiến - 5
Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Giang nói về những điểm sáng trong công tác đoàn của tỉnh nhà (Ảnh: Quang Trường).

Chỉ trong hơn 2 năm, hơn 6500 căn nhà đã được xây dựng bằng nguồn kinh phí được xã hội hóa. Trong các lực lượng tham gia chương trình này, Đoàn viên thanh niên là chủ công, có nhiệm vụ hỗ trợ vận chuyển nguyên, vật liệu xây dựng và huy động nguồn xã hội hóa.

Chị Hương cho biết thêm, trong thời gian qua, Đoàn viên thanh niên trong lực lượng vũ trang của tỉnh Hà Giang và nước bạn Trung Quốc đã tổ chức đi tuần song phương.

Việc này giúp thanh niên thấy được vai trò của mình trong việc bảo vệ biên giới quê hương, đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực cực Bắc của Tổ quốc.

Nói về chủ đề "Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên", Thiếu tá Ngô Minh Tú - Bí thư Đoàn Thanh niên Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho rằng, không phải cứ làm việc lớn lao mới được coi là có khát vọng.

Khát vọng đơn giản là làm giàu cho chính mình, qua đó cống hiến được nhiều hơn cho đất nước. Lẽ sống là giá trị cuộc sống, phương tiện để thể hiện khát vọng một cách đúng đắn nhất.

Nếu không có đủ điều kiện về kinh tế thì rất khó để cống hiến - 6
Theo anh Ngô Minh Tú, không phải cứ làm việc lớn mới là có khát vọng (Ảnh: Quang Trường).

"Khi tôi bước vào trường công an, điều mà tôi được dạy đầu tiên là lấy niềm vui và hạnh phúc của nhân dân là niềm vui, hạnh phúc của mình. Có thể một số người nghĩ đó là khẩu hiệu hình thức. Tuy nhiên, trong quá trình công tác, tôi thấy lời dạy ấy là đúng đắn.

Ngày tôi còn công tác ở sân bay Nội Bài, chứng kiến những người Việt Nam bị lừa ra nước ngoài lao động, khi về nước, họ chỉ còn đúng một bộ quần áo. Họ đã quỳ xuống xin tôi số tiền đủ cho họ bắt xe về quê.

Lương của tôi thời điểm đó là 2 triệu nhưng khi thấy cảnh nhân dân mình khổ thì tôi sẵn sàng giúp đỡ họ. Việc đó cũng đã thể hiện lẽ sống của mình, chứ không có gì quá cao xa", Thiếu tá Tú kể.