“Nàng chúc” của chàng 9x

Năm 2007, trong một lần xem tivi, Nguyễn Long Huy (sinh năm 1990, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) biết đến trái chúc, một loại cây họ chanh, mọc hoang trong các vùng núi của tỉnh An Giang, có mùi thơm đặc biệt và rất hữu ích trong đời sống nhưng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Chỉ chừng đó thông tin cũng đủ cho Huy ấp ủ một dự án kinh doanh hốt bạc :”Trồng cây chúc giống”.

Theo Huy, ở trong nước, phải đặt trước mấy tháng trời mới mua được trái chúc để lấy hạt trồng. Mua cây giống ở trong nước (thời điểm năm 2012) cỡ 70.000 đồng/cây. Trong khi đó, tại Campuchia, nếu mua trái thì chỉ 30.000 đồng/kg. Với một ký trái, anh chàng có thể lấy hạt để ươm ra hàng ngàn cây.

Huy trong vườn ươm chúc của mình.
Huy trong vườn ươm chúc của mình.

“Đợt 2012, mình mua 10 ký trái, sau 4 tháng, ươm hơn 3.000 cây chúc giống, bán cho vựa cây giống giá sỉ 20.000 đồng/cây, thu được hơn 40 triệu đồng. Vốn đổ xăng sang Campuchia, ăn uống, mua trái… chỉ hơn 1 triệu đồng nhưng thu 40 triệu đồng thì lời khá nhiều”, Huy nói.

Sau đợt xuất ngoại lần đầu, ươm giống ra, rồi thương lái, chủ vựa cây giống đến “đếm hàng liền tay – trao tiền ngay”, Huy phấn khởi, sang Campuchia thêm 2 đợt, vào năm 2013 và 2014. Tiền lãi vẫn thu đều như đợt đầu. Càng ngày, bạn hàng của Huy càng đông. Có bạn hàng từ Cà Mau, Bến Tre, Đồng Nai… liên hệ để mua số lượng cây giống lớn để làm nông trại chúc. Huy cho biết: “Chúc chỉ cho trái mỗi năm một lần vào mùa mưa, với số lượng khiêm tốn, nên loại đặc sản này có giá bán cao gấp 5 – 6 lần cây cùng họ là chanh, cho thu nhập hàng triệu đồng mỗi cây. Giống cây này được người dân truyền miệng và báo đài đưa tin nên nhu cầu rất lớn. Mình cứ ươm cây con ra là người ta mua hết. Không chỉ bán sỉ, mình còn chở mỗi lần hàng trăm cây con về Cần Thơ bán lẻ, với giá từ 35.000 – 50.000 đồng/cây, cao gấp đôi giá bán cho thương lái. Mỗi đợt về Cần Thơ bán lẻ, trong 2 ngày, mình có thể kiếm được hơn chục triệu đồng”.

Huy cho biết, hiện tại, nhu cầu cây chúc giống vẫn còn rất “sốt”. Tháng 8/2015, Huy mang dự án kinh doanh “Trồng cây chúc giống” với kinh nghiệm 3 lần “hốt bạc” từ việc bán cây giống để thuyết phục nhà đầu tư tới diễn đàn khởi nghiệp. Dự án của Huy nằm trong 12 dự án khởi nghiệp đáng chú ý của người trẻ đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Sau cuộc thi, Huy được một nhà đầu tư cấp vốn.

Huy chia sẻ: “Mình đang lập đề án, tính toán các khoản chi tiêu, dự trù kinh phí và cả doanh thu dự kiến… để được nhận vốn mở rộng kinh doanh. Lần này, mình quyết định “đánh lớn” vào thị trường, khi ươm 40.000 cây giống. Mình đã đặt hàng phía Campuchia để có chuyến đi lấy trái giống trong một ngày gần nhất”.

Cùng họ với chanh nhưng chúc lại có vỏ xù xì, vị chua, dùng để lấy nước, đặc biệt có mùi thơm giữ rất lâu. Tiếng Khmer gọi cây chúc là Kôt-sôt. Tên gọi khác của cây chúc là chanh thái hay chanh thái lá số 8. Ở miền Bắc, cây chúc có tên gọi là trấp hay giấp. Chúc dễ trồng, không cần chăm sóc vẫn phát triển tốt, chịu hạn. Cây chúc trồng từ 5 – 8 năm mới cho thu hoạch và mỗi năm chỉ ra trái một lần vào mùa mưa, với năng suất khoảng 30 đến 50 kg/cây (khoảng 8 -10 trái/kg).

Cây chúc chế biến được rất nhiều món ăn, như cháo bò vắt nước trái chúc, gà hấp lá chúc, cháo gà lá chúc, bò nướng lá chúc, cá lóc hấp lá chúc… Chính nhờ vậy mà cây chúc, vốn là một loài cây rừng sắp tuyệt chủng lại có dịp hồi sinh và ngày càng được nhiều người quan tâm. Cây chúc thường được người dân Bảy Núi (An Giang) trồng phía trước nhà, vừa lấy lá để chế biến món ăn, vừa xua đuổi, tránh rắn bò vào nhà. Trái chúc ngoài dùng giải khát còn là một trong các vị thuốc trị rắn cắn. Nhiều công ty đang nghiên cứu sử dụng lá và trái chúc để sản xuất dược liệu. Ngoài ra, chúc cổ thụ cũng được săn mua để làm kiểng.

Theo Xuân Huy

Sinh viên Việt Nam