Nản lòng vì... bát mì tôm
Em được sắp xếp cho yêu một anh hơn 4 tuổi tương đối “môn đăng hộ đối”. Trên chuyến từ Nam vào Bắc, bố em mua vé để hai đứa ngồi cạnh nhau. Ngày đầu tiên em cũng thấy mến, vì anh ấy khá đẹp trai, lại là người từng trải và có vẻ chí thú làm ăn.
Một hôm, em ngại ăn cơm nên mua tô mì gói. Em ăn không hết, anh ấy kêu tiếc nên đã ăn nốt tô mì còn lại của em. Vào đến nơi, mặc dù có địa chỉ, nhưng em không muốn liên hệ gì với anh ý nữa.
Em " chết cứng" bởi sự thiếu ga lăng, lại có phần chặt chẽ của anh ấy. Nhưng em vẫn đang băn khoăn vì anh ấy cũng khá chững chạc và đẹp trai... (Linh Nhi)
Giá như bạn hoàn toàn “chết cứng” thì thôi không nói làm gì, coi như chuyện tình đẹp qua mau không nuối tiếc. Tuy nhiên, đằng này dường như bạn vẫn đang “bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước”, phần vì thất vọng trước cách ứng xử của anh ấy nhưng lại “hơi tiêng tiếc” vì anh ấy đẹp trai, từng trải...
Vậy bạn nên khoan vội vàng “chụp mũ” cho anh bạn của mình. Bạn cần thời gian để “tiếp tục” lắng nghe. Nếu sau “nghiên cứu”, thấy mức độ chặt chẽ của anh ấy có thể chấp nhận được thì không sao (sau này còn ở với nhau rồi còn tiếp tục sửa chữa thêm nữa).
Nhưng nếu thấy anh ấy không chỉ “tiếc bát mì tôm đến độ ăn hết bát thừa của bạn gái mới quen”, mà còn chi li hơn ở tất cả các khoản khác thì bạn cũng nên tính toán và có thể dừng lại.
Một người đàn ông quá chặt chẽ, chi li, đôi khi tốt cho việc quản lý tài chính gia đình nhưng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống hôn nhân bởi những hành vi tiết kiệm một cách trái khoáy sẽ làm bạn “điên đầu”, chưa kể còn cách ứng xử với cha mẹ hai bên vợ, chồng.
Hy vọng, một người phụ nữ nhạy cảm chỉ cần nhìn vào hành động nhỏ đã có những phán đoán kịp thời sẽ mang lại cho bạn những quyết định đúng đắn mà không ân hận hay nuối tiếc.
Theo Tâm Tình
Tuổi trẻ thủ đô