Nam thanh, nữ tú Hà thành “dạt vòm”
Trong khi sinh viên ngoại tỉnh đang trầy trật tìm chỗ ở, xoay xở trong những phòng trọ chật hẹp, thì nhiều sinh viên “gốc” Hà thành lại đang thèm cảm giác tự do, tự tại trong các phòng trọ của đám bạn tỉnh lẻ.
Thiên đường là… gác trọ
Hàng ngày, mỗi khi tan học, Duy Anh (ĐHDL Phương Đông) không về nhà ngay mà phi ngay đến nhà trọ của đám bạn. Đã từ lâu cậu đã coi phòng trọ của đám bạn thành… nhà mình. Nơi Duy Anh đến cũng là điểm tập hợp của cả nhóm với 6 chiến hữu thân cận.
Căn phòng 15m2 nằm chót cùng trong con hẻm nhỏ ở Dịch Vọng (Cầu Giấy), so với căn hộ ở khu bán đảo Linh Đàm thì quả là “một trời một vực”. Nhưng Duy Anh và đám bạn đã “đầu tư mạnh tay” để nơi đây trở thành “thiên đường” của riêng mình. Hai máy tính nối mạng để “chiến” đế chế thâu đêm, ti vi và đầu DVD để “cải thiện đời sống tinh thần”.
Không phải vì nhà cậu thiếu những thứ đó nhưng ở đây cậu có cái mà ở nhà không có: tự do!
5 giờ chiều tan học, vui chơi ở “thiên đường” cho đến khi chủ nhà trọ sang “đuổi khéo”, cả bọn giải tán và Duy Anh có mặt ở nhà “điểm danh” lúc 11 giờ. Và lúc này thì nhà mình lại trở thành… gác trọ. Ăn, ngủ và sáng hôm sau lại đi học. Thậm chí nếu có ai hỏi nhà mình có mấy phòng, chưa chắc cậu đã nhớ được ngay!
Thật sai lầm nếu như nghĩ chỉ là những công tử ham chơi mới thích “dạt”, ngay cả những tiểu thư “lá ngọc cành vàng” cũng không phải là ngoại lệ. Tất nhiên không thể là những cuộc chơi thâu đêm, suốt sáng mà có những cách “nữ nhi” hơn. Đối với họ, “dạt” chỉ là để không phải… về nhà sớm.
Phương Ly, SV năm 3 trường Quản trị kinh doanh tự hào khoe về nhóm bạn của mình. Nhóm Ly có 4 người thì 3 là dân Hà Nội. Năm đầu nhìn bọn “ở ngoài” sướng quá, thích làm gì, ăn gì, đi đâu cũng được, chẳng ai quản lí, lại tự lập. Năm thứ hai, cả nhóm quyết định chung tiền thuê một phòng trọ ở Trung Hòa, Cầu Giấy, cách xa nhà chủ. Hết giờ học cả nhóm tụ tập ở đấy, ăn uống, hát hò, đi chơi... Các phòng khác thì chỉ còn biết lè lưỡi trước những hàng xóm “thượng lưu” này.
Ly bắt đầu quen với rượu, bia - điều mà cô nghĩ mình sẽ không bao giờ động đến, cũng bắt nguồn từ những cuộc sinh nhật xóm rôm rả. Rồi có lúc họ chìm vào những bộ phim tâm lý ướt át của Hàn Quốc... Ly khó chịu khi phải về nhà sớm và chỉ rời khỏi “thiên đường” vào đúng giờ lớp tiếng Anh (do bà mẹ tận tay đăng kí cho học) bắt đầu nghỉ.
Nhà mình thành... quán trọ
Duy Anh đã từng tuyên bố: “Ông bà bô” có thể cho tiền, di động đời mới, xe tay ga nhưng lại không thể cho mình tự do. Tớ đã chán ngấy cảnh bị “ông bà bô” quản thúc và suốt ngày cằn nhằn về chuyện học hành, yêu đương. Với cậu, 12 năm học trong vòng tay cha mẹ là quá đủ, bây giờ là lúc tự do để quyết định những sự lựa chọn.
Trong không gian của căn phòng trọ, cậu thấy mình đang sống rất “sinh viên”. Có những khi, cậu ở đó đến một tuần mới về nhà với lý do “làm bài tập lớn”. “Nhưng như thế còn chưa ăn thua so với thằng bạn tớ bên Phân viện. Năm ngoái nó làm khoá luận, ở lì một tháng bên nhà thằng bạn ở Thanh Xuân, thỉnh thoảng mới về Gia Lâm để lấy quần áo và xin tiền bà già”. Ngay cả đám bạn của Duy Anh cũng thấy làm lạ vì cái kiểu “không gia đình” của chiến hữu.
Còn với Phương Ly, ban đầu chỉ là ham chơi theo bạn bè nhưng dần dần Ly đang “ở trọ” trong chính nhà mình. Cô chỉ có mặt ở nhà khi bố mẹ đã đi ngủ, Ly ngại ngùng với những công việc nội trợ - bổn phận của một thiếu nữ trong gia đình. “Hai năm trượt đại học, thi đỗ nhưng ông bà bô vẫn không ưng. Nhìn bọn bạn bên ngoài tự lo tự sống mà thấy mình vẫn được ôm trong tay, nhiều khi thấy chán”.
Câu chuyện của Lê Phương (ĐH Công đoàn) mới thật khôi hài. Bố mẹ “sắm” cho hai anh em một căn hộ ở Định Công những một tháng thì phải đến... 29 ngày Phương ngụ tại nhà trọ của đứa bạn cùng lớp với lý do “về nhà buồn lắm, ông anh cũng đi suốt ngày, chẳng biết chơi với ai”.
Theo Sơn Châu, Mạnh Cường
Tiền Phong