Nam sinh và “áp lực mất trinh”

(Dân trí) - “Thằng bạn anh trông thế mà còn trinh đấy các em ạ”! Cả phòng karaoke lặng đi một giây, sau đó là một liên khúc cười chế giễu. Tuấn đỏ gay mặt vì ngượng và tức giận… Những tình huống như Tuấn không hiếm, bởi một bộ phận không nhỏ các nam sinh đang cho rằng con trai mà còn trinh là… lạc hậu!

“Chúc chú mày sớm mất trinh”!

 

Bóc gói quà của đám bạn ra, Tuấn hơi ngạc nhiên vì thấy có cả thiếp. “Sao con trai với nhau mà bọn này cũng bày đặt viết thiếp cơ à?” Mở thiếp ra, Tuấn lặng người nhớ lại kỷ niệm đáng quên tuần trước.

 

Nhóm bạn cùng lớp ĐH, 5 đứa chơi với nhau khá thân, chỉ có Tuấn là lành nhất, không biết uống rượu và hút thuốc. Tuần trước, khi cả hội đi “karaoke tay vịn”, 4 đứa mỗi đứa có ngay một “em út” bên cạnh, chỉ có Tuấn là ngượng ngùng không dám.

 

Một đứa trong nhóm nói to: “Thằng bạn anh trông thế mà còn trinh đấy các em ạ”! Cả phòng karaoke lặng đi một giây, sau đó là một liên khúc cười chế giễu. Mấy thằng con trai thì vỗ đùi cười phá lên, còn các “em út” thì che miệng nhìn Tuấn  khúc khích cười.

 

Mặt Tuấn đỏ rực như tôm luộc, vừa tức vừa xấu hổ bỏ về. Cả nhóm lúc nào cũng chê Tuấn “đụt”, suốt ngày chỉ có học với học. Cứ ngồi với nhau là cả lũ lại lôi Tuấn ra làm trò cười, mà chủ đề xoay quanh chuyện Tuấn “cổ hủ” quá, không chịu hút thuốc, uống rượu, đã thế lại vẫn… “còn trinh”.

 

Gia đình Tuấn ở dưới quê không giàu có, nhưng hiếu học. Bố mẹ quản lý từng ly từng tý, nên Tuấn vốn ngoan và nhát. Những lúc bị đem ra làm trò cười như thế, Tuấn tức lắm. Rất nhiều lần Tuấn đã định không chơi với đám bạn này, nhưng nghĩ thế nào mà Tuấn chơi từ năm thứ nhất đến giờ.

 

Lia cái thiếp với dòng chữ: “Chúc chú mày sớm mất trinh nhé” vào sọt rác, Tuấn nằm suy nghĩ lung tung trong cái đêm sinh nhật 20 tuổi của mình.

 

“Trưởng thành” hay tâm lý “đã trót dính chàm”

 

Trước đây, ngoài Tuấn còn một cậu bạn trong nhóm cũng hay bị trêu như vậy. Cậu này tức nên nhờ người “dẫn đi giải quyết” để được… bằng anh bằng em. Sau khi đã “mất trinh”, mọi người trong nhóm nhìn cậu ta bằng con mắt khác hẳn.

 

- Tuấn, nhìn gương thằng H đấy! Tao trông nó chững chạc hẳn ra đấy!

 

Tuấn kể rằng đúng là cậu ta trông khác đi nhiều: bạo dạn hơn, khác hẳn cái vẻ ỏn ẻn hàng ngày mỗi khi cả đám bàn về sex.

 

Cậu bạn này sau đó có kể lại và khuyên Tuấn: “Chưa thử thì chưa biết. Thử rồi thấy cũng lạ lạ, thấy mình vừa vượt qua một cột mốc trong đời. Nhưng nói chung là sợ lắm! Nếu mày định “làm” thì “làm” với bạn gái ấy”!

 

Nhờ lời khuyên ấy mà Tuấn dù nhiều lúc cũng rất “bức xúc” những vẫn không dám vào nhà nghỉ cùng đám bạn kia. Tuy khuyên Tuấn như thế, nhưng cậu bạn tên H kia vẫn đi… đều đều với lý lẽ: “Một lần hay thêm mấy lần thì có khác gì nhau đâu. Sex cũng gây nghiện mà”.

 

Những lúc cả hội bỏ đi như thế, Tuấn thấy vừa tủi, vừa cô quạnh lủi thủi về nhà. Hàng trăm lần Tuấn đã nghĩ “cứ thử đi xem nó như thế nào”…

 

Và chuyện của Sơn

 

Sơn, một cậu sinh viên cao ráo, đẹp trai. Cũng vì “thương” bạn mãi không chịu “mất trinh”, cả nhóm bày kế chuốc rượu Sơn rồi tống vào nhà nghỉ để các em cho Sơn “vào đời”.

 

Chính bản thân Sơn cũng không nghĩ là mình lại hành xử như thế. Sơn nhớ lại: “Lúc đó, em chẳng còn biết sợ là gì nữa. Em hành động theo bản năng và cũng để trút hết những nỗi khổ sở vì bị trêu chọc suốt thời gian qua. Em đã qua đêm với một gái mại dâm. Lúc đó em nhớ rõ mình không mang bao cao su và có vẻ cô ta không quan tâm đến chuyện đó”.

 

Sơn khóc nức nở khi chúng tôi phỏng vấn. Người Sơn chỉ còn da bọc xương, khắp người lở loét, chỉ còn đôi mắt vẫn còn trong để nhận ra người mang AIDS này mới 22 tuổi.

 

“Em lo sợ kinh khủng, không dám đi xét nghiệm. Em không học hành gì được hết. Lúc đầu, sức khoẻ em đi xuống, ốm thì em mua Paracetamol, bị loét thì em mua thuốc về bôi. Đến khi bệnh quá nặng, em mới đi khám.

 

Bố em mất sớm, anh đi làm xa, dưới quê chỉ có mình mẹ em. Mẹ em sẽ ra sao khi biết con mình sắp chết vì AIDS. Tại sao lại thế chứ? Em mới 22 tuổi thôi mà”!

 

Sơn chỉ là một trong vô số hoàn cảnh chúng tôi gặp trong dự án “Nghiên cứu sự kỳ thị của cộng đồng với người nhiễm HIV/AIDS và xây dựng mô hình truyền thông phù hợp”. Tiếc cho Sơn vì em còn quá trẻ.

 

Giá như…

 

(* Tên nhân vật đã được thay đổi)

 

Phương Thành Trung