Nam sinh hút triệu view khi chia sẻ GPA 3.8 mà vẫn trượt học bổng

Mai Hương

(Dân trí) - Đỗ Văn Linh hiện đang là sinh viên năm 3 trường Đại học Kinh tế Quốc dân ngành Kinh doanh thương mại. Dù rất nỗ lực học tập và rèn luyện nhưng với GPA 3.8/4, cậu lần thứ 2 "đánh rơi" học bổng.

Nam sinh hút triệu view khi chia sẻ GPA 3.8 mà vẫn trượt học bổng

Nam sinh hút triệu view khi chia sẻ GPA 3.8 mà vẫn trượt học bổng - 1

Đỗ Văn Linh đang học ngành Kinh doanh thương mại tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Học để khẳng định bản thân

Trong 8 học phần của kỳ học vừa qua với 7 môn đạt A và A+, xếp loại Giỏi và Xuất sắc, Đỗ Văn Linh đã sở hữu một điểm GPA tích lũy cả kỳ rất ấn tượng là 3.8/4. Tuy đã có số điểm cao như vậy nhưng Gen Z một lần nữa đã "đánh rơi" học bổng.

"Mình nghĩ rằng điểm số của mình chưa phải là quá cao hay quá khủng khiếp nhưng để có được những điểm số đó, trước tiên mình luôn xác định tư tưởng của bản thân là "Work hard, play hard" - học tập, làm việc hết sức và chơi hết mình.

Nỗ lực giành học bổng nhiều lần mình nhận ra ngoài việc nghiêm túc đầu tư thời gian cho việc học hành, chăm chỉ và thông minh thì "năng động" là yếu tố bắt buộc phải có. Với ngành kinh tế của mình, bên cạnh những kiến thức trong sách vở, bài giảng của thầy cô thì còn cần "năng động" trong việc cập nhật tin tức, xu hướng hàng ngày vì đề thi của bọn mình sẽ có những câu hỏi mở, yêu cầu sinh viên phải tự tìm tòi và học hỏi. Ngoài ra, điểm rèn luyện cũng là một yếu tố rất quan trọng, cần tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa để tích lũy.

Nam sinh hút triệu view khi chia sẻ GPA 3.8 mà vẫn trượt học bổng - 2
Linh luôn xác định tư tưởng của bản thân là "Work hard, play hard", làm mọi thứ chăm chỉ và hết mình.

Trượt học bổng 2 lần, mình chỉ có chút tiếc nuối chứ không thất vọng hay nản chí. Một phần bởi vì mình chưa nỗ lực 100% vào mục tiêu này, đó là sự đánh đổi của mình khi tham gia khá nhiều hoạt động và đi làm. "Học để khẳng định mình" là lý do mình cố gắng và quyết tâm giành học bổng. Với mình, đó là một danh hiệu, một cột mốc khẳng định bản thân chứ không phải mục đích điểm số hay tiền bạc.

Vậy nên, mình không buồn khi trượt học bổng. Nếu trượt một lần nữa thì mình sẽ lại chinh phục từ đầu ở kỳ mới, cho đến lúc mình ra trường", Linh chia sẻ.

Ngoài ra, bắt đầu học vào cả những kỳ nghỉ hè từ năm nhất vậy nên nam sinh Kinh tế Quốc dân sẽ ra trường sớm hơn so với dự định của chương trình học chính quy và hiện tại, với GPA tích lũy các năm là 3.6/4, cậu đã tự tin nắm chắc tấm bằng tốt nghiệp loại Xuất sắc.

Đối với quan điểm GPA cao chỉ là yếu tố phụ, không quan trọng vì khi đi làm cần giỏi thực hành hơn giỏi lý thuyết, Linh cho rằng đây không phải quan điểm đúng hoàn toàn. Cá nhân cậu xác định việc học tại trường lớp không phải để bê y nguyên vào thực tế và áp dụng, đặc biệt với ngành kinh tế của cậu, trường đại học là nơi để các bạn trẻ rèn luyện tư duy logic, không có ai mang phép tính đạo hàm tích phân dùng ở thực tế nhưng những bạn giỏi Toán thường rất thông minh.

Sở hữu hàng chục video triệu view

Bên cạnh thành tích học tập tốt, Linh còn có một kênh Tik Tok với những video vô cùng gần gũi với Gen Z nhận được sự đón nhận nhiệt tình.

"Mình muốn mọi người nhớ tới kênh của mình là nơi giải đáp, chia sẻ những vấn đề của các bạn Gen Z như chuyện học hành, đời sống, công việc cùng năng lượng tích cực. Nội dung mình đăng tải là những kiến thức từ trải nghiệm thực tế và mình biết đối tượng mình hướng tới đang cần gì. Bên cạnh đó, trong các video mình đều lồng thêm sự hóm hỉnh, hài hước đem lại không khí vui vẻ, lạc quan nên đã được các bạn trẻ đón nhận nhiệt tình", Linh bày tỏ.

Nam sinh hút triệu view khi chia sẻ GPA 3.8 mà vẫn trượt học bổng - 3
Trong tương lai, Linh xác định bản thân sẽ làm ở ngành truyền thông vì thấy bản thân phù hợp.

Trước khi đến với công việc sáng tạo nội dung, nam sinh Kinh tế Quốc dân đã từng làm thêm các công việc như nhân viên tại các quán, đi dạy gia sư và kinh doanh nhỏ.

"Ngoài học tập và tham gia các hoạt động ngoại khóa, mình đã đi làm thêm khá nhiều công việc khác nhau. Đối với cá nhân mình, mình không sợ việc bị sa đà vào làm thêm vì mình luôn xác định mục tiêu chính là học tập và đây là thứ mình phải chinh phục đầu tiên, nó giống như thử thách đầu tiên của mình nên nếu mình không vượt qua thì không thể bắt đầu một điều gì mới mẻ. Chuẩn bị trước, tạo bước đệm cho tương lai là cần thiết nhưng cần xác định tư tưởng, thứ tự ưu tiên rõ ràng.

Thực tế, hiện tại mình đang vừa tham gia hoạt động ngoại khóa vừa đi làm thêm, mình thấy điều này không quá khó nếu đã có một tâm thế sẵn sàng, thái độ tích cực cùng một chút khả năng quản lý thời gian. Vì mình làm nhiều thứ trong một lúc nên mình cũng không tạo cho bản thân những áp lực nặng nề là tất cả phải hoàn hảo, dù điều mình làm không được như kỳ vọng mình vẫn vui vẻ chấp nhận nó.

Còn nếu các bạn sinh viên năm nhất muốn làm tốt nhất, hoàn hảo hơn với các mục tiêu thì mình khuyên các bạn nên sắp xếp thời gian làm lần lượt từng thứ. Chẳng hạn như năm 1, năm 2 các bạn tập trung cho những hoạt động ngoại khóa, năm 2, năm 3 các bạn sẽ bắt đầu đi làm thêm để trải nghiệm công việc thực tế", Linh chia sẻ.

Hiện đang là một sinh viên năm thứ 3, Linh cảm thấy bản thân có rất nhiều thay đổi tích cực, đặc biệt là sự tự tin trong cuộc sống. Gen Z mong rằng trong tương lai, bản thân và nhiều bạn trẻ khác sẽ có thêm tính khoa học và kỷ luật để hoàn thành nhiều mục tiêu hơn, đạt được các thành tựu mới.

Ảnh: NVCC