Năm cái chết trẻ và bài học để lại

Chưa bao giờ người dân xã Phượng Hoàng (huyện Thanh Hà, Hải Dương) phải chứng kiến một đám tang đau thương như đám tang chiều ngày 26/5. Cả nghìn người dân trong xã đứng chật kín đường làng, lặng bước theo sau 5 chiếc quan tài chất đầy vòng hoa trắng.

Buổi chiều định mệnh

 

Vào buổi chiều tối ngày 24/5, người dân toàn thôn Ngoại Đàm cũng như các thôn lân cận của xã Phượng Hoàng như lên cơn sốt khi được báo tin 5 học sinh nữ đang học lớp 7B trường THCS xã Phượng Hoàng bị mất tích khi người ta không thấy các em trở về nhà sau giờ học buổi chiều.

 

5 nữ sinh gồm: Nguyễn Hoàng H, Nguyễn Thị T, Phạm Thị H và Bùi Thị N - Bùi Thị T (2 chị em sinh đôi).

 

Người thân của các em cùng với nhà trường, bạn bè, các cơ quan chức năng đổ đi khắp nơi tìm kiếm với một chút hy vọng mong manh về sự sống của các em, nhưng họ chỉ tìm được 5 chiếc cặp sách, 2 xe đạp và 5 đôi dép của các em tại Trạm bơm của thôn Ngoại Đàm, cách không xa trường học của các em.

 

Và chút hy vọng mong manh của mọi người đã bị dập tắt hoàn toàn khi 10 giờ sáng ngày 26/5, người ta phát hiện thi thể của cả 5 em nổi trên mặt sông Thái Bình, đoạn chảy qua bến đò Sĩ (thuộc xã Phượng Hoàng). Cả 5 em đều buộc chặt tay vào nhau bằng khăn quàng đỏ. Dựa vào các dấu hiệu ở hiện trường, cơ quan công an ban đầu xác định nguyên nhân là do các em tự tử tập thể. Trong cặp sách của các em cũng đều có để lại những lá thư tuyệt mệnh nêu rõ lý do.

 

Chúng tôi tìm tới trường THCS xã Phượng Hoàng một ngày sau đám tang của 5 em gái nhỏ. Chỉ vài hôm nữa là trường bế giảng. Thầy giáo Nguyễn Công Hội - hiệu trưởng của trường - dường như vẫn không tin rằng đó là sự thật, thầy cố gắng kiềm chế mà cũng không thể kìm nén được những giọt nước mắt cứ trào ra.

 

“Tôi thực sự bị sốc khi biết tin. Chiều nay là buổi học đầu tiên lớp 7B học mà vắng đi 5 người bạn thân thiết của mình. Đầu giờ học, tôi định lên lớp để nói chuyện với các em. Nhưng chỉ vừa nhìn thấy những chỗ trống là tôi nghẹn lại, chẳng nói được gì. Tôi đành cầm viên phấn viết mấy dòng chữ lên bảng: “Thầy cô rất nhớ các bạn. Vì bạn, các em hãy cố gắng học. Các bạn rất yêu hoa, các em hay chăm sóc hoa thay các bạn”.

 

Thầy Hội kể rằng, lớp 7B được nhà trường giao cho trồng hoa và nhóm 5 em học sinh này thường xuyên chăm sóc luống hoa ngay trước cửa phòng thầy nên thầy nhớ rất rõ cả 5 em. Giọng nghẹn lại, thầy Hội tâm sự: “Chúng tôi đau lắm. Cả 5 em đều là những học sinh có học lực giỏi và khá, có hạnh kiểm tốt, hoàn cảnh gia đình cũng không phải quá khó khăn về kinh tế, trong đó em Nguyễn Hoàng H đạt học sinh giỏi là con của đồng nghiệp chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Thinh.

 

Trước khi xảy ra chuyện này, các bạn cùng lớp nói rằng các em không hề có biểu hiện tâm lý gì khác thường”. Ngừng lại một chút thầy tiếp: “Sáng nay, tôi vừa phải làm một cái việc có lẽ là đau xót nhất trong đời, đó là trừ đi trên máy tính con số học sinh giỏi, học sinh tiên tiến của trường. Chúng tôi đã không thể làm được gì để cứu học sinh của mình...”.

 

Trước khi chết, các em để lại 2 xe đạp, 5 đôi dép, 5 cặp sách, thư tuyệt mệnh gửi thầy cô, bạn bè và gia đình. Một trong số các bức thư có nội dung: “Chào các bạn tập thể lớp 7B, hôm nay là ngày cuối cùng 5 chúng tôi viết lại cho các bạn. Tôi rất buồn vì chúng tôi lại là những đứa con bất hiếu nhưng chúng tôi cũng khổ lắm. Đứa 1 do bố mẹ mắng nhiều quá, nhục lắm; Đứa 2 do nhà đông em gái nên bị mắng nhiều lắm. Đứa 3, 4 do cha mẹ bắt ép nhiều quá nên cũng phải chịu; Đứa 5 do bố mẹ mắng nhiều quá. Chúng tôi rất nhớ 7B và mong các bạn hiểu cho chúng tôi”. Đọc những dòng chữ các em viết đầy lỗi chính tả và nhòe nước mắt, không ai có thể cầm lòng.

 

Theo tài liệu thu thập được, buổi học cuối cùng trước khi các em trầm mình, một số em có biểu hiện bất thường như chia cặp tóc, trâm cài đầu cho các bạn khác, nói với nhau là đi lên cầu thang lần cuối, lên tầng hai lần cuối, đến trường lần cuối... và nhiều em đã khóc.

 

Thậm chí, trong một mảnh giấy truyền tay nhau mà CQĐT thu thập được còn có dòng chữ: “Cố nén khóc đi và nghĩ đến chuyện vui không chúng nó biết bây giờ”. Thực tế, các em đã có sự chuẩn bị hết sức chu đáo.

 

Trong buổi học cuối cùng ngày 24/5, các em còn dặn nhau: “Phải chạy cho mệt rồi mới ấy được, nếu không là không được đâu...”. Và thực tế là chiều tối 24/5, một nhân chứng đã nhìn thấy 5 em học sinh chạy trên đê.

 

Bài học đắt giá sau cái chết thương tâm

 

Theo các cán bộ điều tra và một số người thân trong gia đình các em đã tử nạn, nguyên nhân dẫn đến cái chết đau lòng của 5 em có thể là do một vài em trong số 5 em bị bố mẹ quở mắng nên mặc cảm, quẫn trí nghĩ đến cái chết.

 

Trong bản tường trình của em T., một trong ba thành viên của nhóm Tám Lệ (8 em học sinh của lớp 7B đã tự lập thành nhóm, chơi rất thân với nhau, có cắt máu ăn thề) không tự vẫn, trước đó một thành viên tên P.H đã từng tâm sự: “Tao bị bố mẹ chửi nhục lắm. Hôm qua, tao nghe thấy bố tao bảo mẹ tao: “Mày có tìm cách gì giết chết nó đi thôi chứ không thì nó suốt ngày đi chơi”. Tao nghe thấy thế tao chỉ muốn chết luôn đi”. Bản tường trình của T. còn nêu rõ: “Các bạn khác cũng kêu ở nhà bị bố mẹ mắng chửi rất nhục”.

 

Cuộc sống của người dân Phượng Hoàng nói chung và một số gia đình các em học sinh có hành động dại dột thực ra không quá khó khăn. Có em là gia đình công chức, một số bố mẹ làm nông nghiệp, đi làm thuê nhưng theo thầy giáo Nguyễn Công Hồi, Hiệu trưởng Trường THCS Phượng Hoàng thì các em “chưa bao giờ chậm đóng tiền học phí. Các em chơi đùa vui vẻ và đều là học sinh tiên tiến, khá giỏi”.

 

Qua tìm hiểu của chúng tôi, trong số 5 em trầm mình thì ít nhất có 1 em không muốn thực hiện hành động dại dột này. Em này học giỏi, gia đình kinh tế khá, bố mẹ đều là công chức. Theo lời người thân trong gia đình thì em trầm tính, ít nói, chăm học. Trước khi mất, em đã từng khóc rất nhiều, mẹ em cũng thấy mắt con đỏ hoe, có hỏi nhưng em bảo là bị bụi bay vào mắt.

 

Trong một lá thư mà một bạn cùng nhóm (cũng đã trầm mình) gửi em có đoạn: “Sao chỉ trong một giờ mà bạn lại thay đổi ý định như vậy?”. Trong thời gian gần đây, em không có biểu hiện yêu đương, không bị bố mẹ quở mắng, học hành tiến bộ, em còn chuẩn bị cả sách vở cho năm học sau. Một thành viên trong gia đình em cho biết: “Nhiều khả năng cháu bị bạn bè rủ rê, nó quá trọng tình bạn và những giao ước trong nhóm”. 

 

Một nguyên nhân nữa có thể làm tăng thêm quyết tâm trầm mình của 5 em gái: Đó là những khúc mắc nhỏ trong quan hệ của một số thành viên trong nhóm và của nhóm Tám Lệ với nhóm bạn nam khác. Bản tường trình của em T. có nêu ra một số thông tin đáng lưu ý: “Chúng cháu thành lập một nhóm họ Lệ và các anh lớp 9B thành lập một nhóm họ Đại Gia.

 

Chúng cháu chơi thân với nhau và thường chửi đùa nhau. Các anh lớp 9 có viết thư chửi chúng cháu là: “Ngoài Nguyễn Hoàng H., Nguyễn Thị T., Phạm Thị B. ra chúng mày toàn là bọn chó thôi”. Sau đó Bùi Thị T., Bùi Thị N. và một số bạn khác giận và có ý không chơi với chúng cháu nữa, các bạn đó nói: chúng mày là người yêu của chúng nó nên nó không chửi.

 

Đến khi vào tiết học, Nguyễn Hoàng H. đã khóc (ngày 23/5). Hôm 24/5, các anh lớp 9 viết thư xin lỗi. Các bạn Nguyễn Thị T., Nguyễn Thị N. khóc và xin lỗi chúng cháu. Từ tiết 2 ngày 24/5 (ngày các em trầm mình) chúng cháu 8 bạn lại chơi với nhau và từ lúc đó chúng cháu ngồi tâm sự với nhau, kể về hoàn cảnh mỗi đứa bị mắng mỏ, tủi nhục.

 

Cả Trường THCS Phượng Hoàng bàng hoàng trong chiều 26/5 khi biết tin 5 em học sinh lớp 7 đã cùng tự vẫn. Một thầy giáo về hưu bức xúc: “Tôi nghĩ những ông bố bà mẹ không biết cách dạy con, mắng mỏ nặng nề chúng nó ở cái tuổi này là đáng trách nhất. Thêm vào đó, giá mà các thầy cô giáo gần gũi các cháu hơn, hiểu rõ hơn về những thay đổi trong tâm lý các cháu thì có lẽ xã Phượng Hoàng đã không phải chứng kiến những đám ma thương tâm đến thế này”.

 

Hỏi thêm bạn bè của các em cũng như hàng xóm thì được biết, hầu hết cha mẹ của các em đều là những người hiền lành, chất phác, thương yêu con, nhưng do hoàn cảnh nông thôn nên cũng không thể quan tâm nhiều tới các em. Còn chuyện cha mẹ đôi lúc mắng mỏ, nhắc nhở con nhỏ là chuyện hết sức bình thường. Tuy vậy, do 5 em này lập thành một nhóm chơi rất thân với nhau (thậm chí có đặt tên nhóm và có cả cắt máu ăn thề, thề sống chết có nhau) nên mỗi khi có chuyện buồn bực trong gia đình, các em lại tìm đến nhau để chia sẻ.

 

Chính vì thế, tâm lý ảnh hưởng dây chuyền đã lây lan nhanh trong nhóm và khi một người trong nhóm có ý định làm một điều gì đó thì các em khác cũng đều bị thuyết phục làm theo. Do vậy, chỉ từ những chuyện khá trẻ con trong gia đình, nhưng do tuổi còn nhỏ, hiểu biết ít, lại không có được sự quan tâm, gần gũi kịp thời của người lớn đã khiến cho các em chán nản và nảy sinh những ý nghĩ tiêu cực.

 

Đây thực sự là một bài học đắt giá đối với các bậc phụ huynh và cũng là một tiếng chuông cảnh báo về tình trạng học sinh kết nhóm để  thực hiện những hành động tiêu cực, nhất là tại những trường học ở nông thôn, vùng sâu,vùng xa.

 

Theo Thanh Niên, Lao Động