Một vị giám đốc đặc biệt
(Dân trí) - 19 tuổi, đang phơi phới chốn giảng đường, nhưng vụ tai nạn bất ngờ đã cướp đi đôi chân của anh. Với nghị lực phi thường, anh Phạm Xuân Thanh đã khiến mọi người khâm phục bằng những thành quả hết quả sức đặc biệt.
Anh Phạm Xuân Thanh hiện đang công tác tại Hiệp hội sản xuất kinh doanh của người khuyết tật, đồng thời giữ hai chức vụ lớn: Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Thép tiền chế Quảng Ninh và Giám đốc Công ty Tâm Việt .
Ước mơ trở lại là người… bình thường!
Nhà anh Thanh ở khu tập thể Giảng Võ, quận Ba Đình. Đây cũng chính là “đại bản doanh” của Công ty Tâm Việt mà anh là giám đốc. Phạm Xuân Thanh sinh năm 1972 tại Hà Nội. Năm 1991, sau một tai nạn bất ngờ, Thanh bị chấn thương cột sống và bại liệt đôi chân. Khi ấy, anh đang là sinh viên năm thứ 3 ngành tự động hoá ĐH Bách khoa Hà Nội. Hồi đó, bác sĩ nói với Thanh rằng, sớm nhất cũng phải sau 6 năm, Thanh mới có thể đi lại được. Thanh choáng váng. Với anh, cuộc sống đang yên đang yên lành như vỡ vụn ra. Đang là một sinh viên khoẻ mạnh, một người lành lặn bỗng chốc trở thành người tàn tật với đôi chân bị liệt hoàn toàn.
Rời bỏ giảng đường khi đang đầy ắp ước mơ, hoài bão và hy vọng về tương lai, anh thấy mình không thể chấp nhận cuộc sống thụ động “tầm gửi” của một người tàn tật. Ngay những ngày đầu tiên nằm trên giường bệnh, anh đã tìm ngay cho mình một công việc thích hợp: dịch các bài viết trên các báo, tạp chí nước ngoài về công nghệ thông tin để gửi đăng các báo trong nước. Sau ba năm kiên trì chữa bệnh, anh đã tự đi dù tập tễnh trên đôi chân của chính mình, với sự trợ giúp của cây nạng.
Rồi, anh đã quay lại giảng đường ĐH để theo học ngành Công nghệ thông tin với bao khó khăn chờ sẵn. Giảng đường ĐH không có bất kỳ "ưu tiên" nào cho người khuyết tật, những bậc cầu thang, những dãy bàn ghế kê sát là những khó khăn không nhỏ anh phải vượt qua mỗi ngày. Thế cho nên, có thể nói tấm bằng tốt nghiệp đại học anh nhận được thấm đẫm không chỉ những giọt mồ hôi nỗ lực mà cả bao giọt nước mắt đắng cay. Tấm bằng đó cũng là kết quả của lòng kiên trì và quyết tâm vượt lên số phận của hành trình đầy gian khó, thực hiện một ước muốn giản dị: trở lại là người… bình thường !
Tiến bước trên đôi chân tật nguyền
Từ khi còn là sinh viên, anh đã cùng vài người bạn mở cửa hàng "3 in l": bán máy tính, dạy tin học, viết phần mềm. Sau 3 năm, nơi giúp anh và các bạn biến những ý tưởng thành hiện thực đã phát triển thành Công ty Đầu tư và Công nghệ Tâm Việt, chuyên sản xuất và kinh doanh phần mềm tài chính. Đến nay sau gần 10 năm hoạt động, công ty có 14 nhân viên. Với cương vị là giám đốc, anh luôn cố gắng đảm bảo cuộc sống và việc làm ổn định cho họ với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm của công ty đã có chỗ đứng trên thị trường với những khách hàng "ruột", chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cuối năm 2004, anh lại đầu tư mở Nhà máy thép tiền chế ở Quảng Ninh và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Cả hai công ty do anh lãnh đạo đều là đơn vị sản xuất kinh doanh của người khuyết tật. Không chỉ trong công việc, ngoài đời anh cũng luôn sẵn lòng giúp đỡ, tạo điều kiện cho người khuyết tật, đặc biệt là sinh viên muốn tiếp cận công nghệ thông tin.
Hiện nay, Thanh đang tham gia phụ trách mảng CNTT của Hiệp hội sản xuất kinh doanh của người khuyết tật. Với hai website về Hiệp hội và Ban điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật do anh nhận thiết kế, chắc chắn mọi người sẽ có cái nhìn khác hơn về người khuyết tật; góp phần giúp họ hoà nhập vào cuộc sống, xoá đi sự bất bình đẳng đôi khi vẫn tồn tại…
Ngoài những việc đã làm được cho mọi người, Thanh còn đạt được khá nhiều các giải thưởng về thể thao, được biểu dương tại Hội nghị người khuyết tật, trẻ mồ côi, người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ nhất năm 2004… Vẫn chưa dừng lại ở những thành công mình có được, anh Thanh vẫn nung nấu quyết tâm đạt điểm cao trong kỳ thi TOEFL để có thể tiếp cận một nền giáo dục tiên tiến.
Điều làm Thanh trăn trở nhất hiện nay là tình trạng bất bình đẳng giới diễn ra khá rõ ràng, đối với người khuyết tật càng khổ hơn. Anh mong muốn được hoạt động trong một lĩnh vực rộng hơn để có thể giúp mọi người cảm thấy không đơn độc, để chứng minh rằng, người khuyết tật cũng có thể làm nhiều việc ý nghĩa cho cuộc đời này như bao người khác.
Mai Minh - Hồng Hạnh