Một Thị Màu tóc vàng hoe

(Dân trí) - Trong khi giới trẻ Việt Nam bị cuốn đi trong làn sóng hip hop và quay lưng lại với những giá trị nghệ thuật truyền thống thì một cô gái ngưới Úc tóc vàng mắt xanh đã tạm xa quê nhà để Việt Nam học hát Tuồng, Chèo.

Eleanor Clapham là sinh viên nước ngoài đầu tiên và duy nhất cho đến nay theo học Tuồng Chèo tại Việt Nam. Học hát và múa các loại hình nghệ thuật truyền thống là một thách thức không nhỏ đối với ngay cả những sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên chỉ sau hơn một năm sống và học tập tại Hà Nội, Eleanor đã có thể biểu diễn thuần thục các trích đoạn chèo nổi tiếng như: Thị Màu lên chùa, Xuân Đào cắt thịt, Súy Vân giả dại, Hồ Nguyệt Cô hoá cáo.

 

“Tôi rất thích nhân vật Thị Màu, đó là một phụ nữ rất cá tính, rất khác biệt so với những người cùng thời với cô ấy. Tôi rất vui khi mình diễn vai này…tạm được” - Eleanor nói.

 

Bất cứ ai cũng từng ít nhất một lần xem trích đoạn quen thuộc Thị Màu lên chùa, nhưng chắc chắn không ai lại không khỏi ngạc nhiên và tò mò khi thấy một cô Thị Màu tóc vàng hoe đang tán tỉnh sư thày Thị Kính (biết đâu một ngày nào đó, chúng ta có một Othello da vàng tóc đen!).

 

Hiện tại, cô gái 23 tuổi người Úc này đang tất bật chuẩn bị cho show diễn của riêng cô vào ngày 22 tháng 12 tới tại Nhà Hát Lớn.

 

“Đây là kế hoạch lớn nhất mà tôi đã nung nấu trong suốt thời gian qua. Tôi đã gặp nhiều khó khăn trong việc đi tìm nhà tài trợ. Nhưng rồi một công ty IT của Anh đã đồng ý làm nhà tài trợ chính cho show diễn của tôi” - Eleanor tâm sự.

Một Thị Màu tóc vàng hoe - 1
 Một cảnh trong vở diễn của Eleanor

 

Đây không phải là lần đầu tiên cô xuất hiện trên sân khấu lớn, Eleanor đã từng biểu diễn một vài tiết mục nhỏ trong các chương trình ca nhạc ở cả Úc và Việt Nam. Chính sự ủng hộ của khán giả và các giáo viên đã thôi thúc cô tiếp tục theo học Cải Lương vào năm tới.

 

Đối với bất cứ một người nước ngoài nào khi học tiếng Việt việc phát âm đúng ngữ điệu dường như là không thể, nhưng Eleanor đã biết điều đó thành có thể. Trước khi bay sang Việt Nam, trình độ tiếng Việt của cô mới chỉ ở mức abc. Ban đầu khi học hát Tuồng, cô hoàn toàn không hiểu bất cứ một từ nào mình hát, chỉ đơn giản nhắc lại như một con vẹt

 

“Tôi đã từng học Opera vài năm khi còn ở Úc. Tôi có thể hát được bằng Tiếng Ý dù không biết Tiếng Ý. Chính kinh nghiệm này đã giúp tôi rất nhiều trong việc học hát Tuồng” cô nhớ lại.

 

Hát đúng ngữ điệu chưa đủ, để có thể diễn thật chuẩn, có được những cử động mềm mại trong bộ váy áo tứ thân, cô cần phải hiểu được ý nghĩa của những ca từ mình hát, hiểu được diễn biến tâm lý của các nhân vật.

 

Trong nhiều tháng trời, lúc nào Eleanor cũng kè kè bên mình quyển Từ điển, tuy nhiên những ca từ trong các vở Chèo đâu đơn giản là những từ ta có thể tra được trong từ điển. Cô đã nhờ những người bạn Việt Nam giỏi Tiếng Anh dịch giúp, nhưng thậm chí chính họ cũng không hiểu hết nghĩa của những ca từ cổ. Cô giáo của Eleanor - nghệ sĩ ưu tú Thanh Tuyết đã phải diễn giải ra ngôn ngữ Tiếng Việt hiện đại, rồi từ đó các bạn của Eleanor mới có thể dịch giúp cô. Quả là một chặng đường dài.

“Phải nói thật rằng, tôi không hiểu hết từng từ mình hát, tuy nhiên ít nhất thì tôi cũng hiểu được bối cảnh của câu chuyện. Mỗi một diễn viên có lối diễn khác nhau. Tôi không muốn bắt chước lối diễn của bất kì ai, tôi muốn có một phong cách Việt Nam của riêng mình” Eleanor nói “ Cũng may là cô giáo thích phong cách của tôi và giúp tôi hoàn thiện chính mình”

Trong suốt nhiều năm trời khi sống ở Canberra, Eleanor dự định sẽ trở thành một ca sĩ opera, nhưng một lần được xem vở chèo do các nghệ sĩ Việt Nam sang Úc biểu diễn, Eleanor đã đổi ý. Cô quyết định sang Việt Nam theo học môn nghệ thuật hoàn toàn mới mẻ này. Hầu như tất cả mọi người: bố mẹ, anh chị em và bạn bè đều cho rằng đây chỉ là ý định nông nổi nhất thời của cô, nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại.

Eleanor có cái lý của riêng cô: liệu có bao nhiêu sinh viên học hát opera có thể được diễn trên sân khấu lớn đây? Bao nhiêu người trong số họ có thể tồn tại được trong ngành giải trí khắc nghiệt? Sẽ chẳng ai có thể thành công trừ khi họ là người giỏi nhất hoặc là người đặc biệt nhất. Eleanor đã chọn đi con đường đặc biệt.

“Tôi muốn đem Vietnamese opera về Úc, và rủ một vài người bạn cùng học với tôi, sau đó chúng tôi sẽ lập ra một đoàn Chèo, Tuồng, Cải lương và đi lưu diễn vòng quanh thế giới” - cô cười rạng rỡ - “Tôi có tham vọng quá không nhỉ? Hình như là có”.

Phong Vân

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm