Một dự án quốc tế mang đậm dấu ấn sinh viên

Cuối tuần qua, Tổ chức Phát triển quốc tế Canada, Đại học Mở Hà Nội và các đối tác đã tổ chức Hội nghị chuyển giao công nghệ du lịch cộng đồng và cơ hội nhân rộng dự án tại Lào Cai và Sapa để tổng kết dự án Du lịch cộng đồng (CBT) đã được triển khai từ 5 năm nay tại 2 xã Tả Van và Tả Phìn.

Hầu hết các học viên địa phương (Tả Van 50, Tả Phìn 156, Sapa 56) tham gia dự án CBT đều rất trẻ (từ 10-15 tuổi). Đây là đối tượng dễ học tiếng Anh và tiếp thu các kiến thức về du lịch cộng đồng nhanh nhất. Và khi dự án kết thúc (5 năm), những học viên này vừa đủ tuổi để làm hạt nhân cho du lịch địa phương.

 

Từ năm 2003 - 2007, tổng số người được đào tạo trong chương trình dự án CBT là khoảng 900.

 

Mục tiêu của dự án là xoá đói giảm nghèo cho người dân địa phương, đào tạo dân bản về du lịch theo hướng bền vững và giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với môi trường tự nhiên, văn hoá và xã hội.

 

Điểm độc đáo nhất của dự án này là sự đóng góp quan trọng của các sinh viên chuyên ngành Du lịch đến từ Việt Nam (ĐH Mở Hà Nội) và Canada (ĐH Capilano và ĐH North Island) trong suốt 5 năm qua. 69 sinh viên Việt Nam và 37 sinh viên Canada đã tích cực tham gia dự án này.

 

Chính các sinh viên này đã trực tiếp đến sống ở Tả Van và Tả Phìn để hướng dẫn cho người dân địa phương những cách thức để phát triển cơ sở lưu trú tại gia, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường, tiếng Anh giao tiếp, sơ cứu và các kiến thức về HIV, kỹ năng hướng dẫn du lịch phát triển các sản phẩm du lịch...

 

Ông Geoffrey Bird, đồng Trưởng dự án CBT, cho rằng với một dự án gồm nhiều hạng mục với một khối lượng công việc khổng lồ, trong khi việc tham gia của các giảng viên còn hạn chế (cả về số lượng và thời gian) thì thành công của dự án mang đậm dấu ấn sinh viên.

 

Sinh viên tham gia vào mọi quy trình của dự án và đã hỗ trợ các giảng viên, các chuyên gia một cách rất tích cực và hiệu quả. Bên cạnh đó, việc tham gia vào dự án cũng đem lại cho sinh viên nhiều điều bổ ích.

 

Đối với các sinh viên Việt Nam thì đó là việc được trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau, cơ hội để nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Anh, kinh nghiệm làm công tác tình nguyện tại các bản làng dân tộc thiểu số, cơ hội học hỏi về các cộng đồng dân tộc Việt Nam và đặc biệt là khi tham gia dự án này sinh viên sẽ năng động và sáng tạo hơn.

 

Ông Geoffrey Bird nhấn mạnh: “Việc tham gia vào dự án giúp cho sinh viên Canada được đến Việt Nam để có kiến thức về phát triển du lịch bền vững tại các nước đang phát triển, qua công việc các em trưởng thành lên rất nhiều”.

 

Theo TS Nguyễn Văn Thanh, Phó Trưởng khoa Du lịch - ĐH Mở Hà Nội, đồng Trưởng dự án CBT, việc tham gia của sinh viên vào dự án còn một điểm rất tích cực nữa là sau khi tốt nghiệp và vào làm tại các công ty du lịch thì chính các sinh viên đã tham gia dự án sẽ tiếp tục dẫn khách du lịch đến với các địa phương này (nơi mà họ đã quá quen thuộc). Đây là một trong những điều kiện quan trọng để du lịch tại địa phương tiếp tục phát triển sau khi dự án kết thúc.

 

Theo Sinh Viên Việt Nam