Một cô gái đề nghị “quyền được chết”

“Người ta có quyền được sống, cũng như quyền được chết. Tôi quý trọng cuộc sống, nhưng không muốn sống” - Lý viết trên blog ngày 19/8/2006.

Một sự kiện trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc, vừa kết thúc ngày 16/3, được báo chí quan tâm là thư điện tử của cô Lý Dương gửi tới khóa họp. Lá thư đã được phát thanh viên chương trình tin phóng sự của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc Sài Thanh chuyển tới quốc hội, đề nghị các nhà làm luật đưa ra dự luật về an tử (euthanasia).

 

Lý Dương đang sống ở khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, bị ung thư thần kinh vận động, một loại bệnh quái ác được cho là "siêu ung thư", từ khi mới lọt lòng. Mới 28 tuổi nhưng cô đã mất khả năng vận động toàn thân và không thể thực hiện bất cứ một chức năng cơ bản nào của cơ thể mà không có sự trợ giúp. Hiện cô chỉ còn lúc lắc, gật được đầu và cử động được một số ngón tay.

 

"Mẹ tôi đã phải chăm sóc tôi suốt 27 năm qua, bà cho tôi ăn, đưa tôi đi vệ sinh, giúp tôi xoay trở hàng chục lần mỗi đêm", Lý Dương kể trong thư gửi Sài Thanh. Lý Dương nói các bác sĩ cho biết cô có thể sống tới 40 tuổi, và điều đó làm cô lo sợ: "Tôi phải chết trước khi cha mẹ mình qua đời, bằng không tôi sẽ phải sống đời khổ sở sau khi song thân mất: dơ bẩn, khó chịu và bệnh tật. Việc nghĩ về cuộc sống và cái chết như thế thật không sao chịu nổi". Lý Dương viết như thế trên blog của cô, nhan đề "Không nơi để đến".

 

Vì thế, Lý Dương nhờ Sài Thanh giúp cô chuyển tới Quốc hội Trung Quốc yêu cầu về Luật an tử. Cô kể lại cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên của tờ Ninh Hạ Nhật Báo, người hỏi cô liệu có cảm thấy ý nguyện an tử đó là vô trách nhiệm với cha mẹ mình không. "Tôi kinh ngạc (trước câu hỏi đó). Tôi vô trách nhiệm, nhưng tôi có thể làm gì khi cha mẹ bước sang tuổi 80 và sẽ từ bỏ tôi" - cô tâm sự.

 

"Thay vào đó, tôi đã nói nhà báo trên thử nằm yên trong 24 giờ không động đậy xem thế nào. Người ta có quyền được sống, cũng như quyền được chết. Tôi quý trọng cuộc sống, nhưng không muốn sống" - Lý viết trên blog ngày 19/8/2006. Lý nói bộ luật không chỉ giúp chấm dứt nỗi đau của cô, mà còn mở đường cho những ai đau khổ như cô hoặc nhiều hơn.

 

Đến nay, các nhà làm luật Trung Quốc cho rằng thời điểm vẫn chưa chín muồi để đưa ra dự luật này. Họ e rằng luật có thể bị lạm dụng cho những mục đích khác và gây nhiều rối rắm. Nhưng Lý Dương vẫn hy vọng việc an tử chỉ còn là vấn đề thời gian. Trả lời câu hỏi cô sẽ làm gì nếu nỗ lực không thành công, Lý nói: "Cho đến khi máy tính tôi còn làm việc được và các ngón tay tôi còn động đậy được, tôi sẽ tiếp tục (đấu tranh cho Luật an tử). Nếu thất bại, tôi sẽ tự tử bằng cách tuyệt thực, cách duy nhất tôi có thể chết".

 

Một bài xã luận trên Eastday.com sau khi Quốc hội Trung Quốc chấm dứt khóa họp đã bày tỏ thiện cảm trước tình cảnh của cô, nhưng tác giả xã luận nhấn mạnh: "Tôi thấu hiểu nỗi đau và tình cảnh khó khăn đối với cô gái 28 tuổi này. Tôi cũng tôn trọng quyền của cô được bày tỏ nguyện vọng sâu kín của mình. Nhưng đó chỉ là đồng cảm, một sự đồng tình không chủ tâm. Nếu chúng ta có những đại biểu quốc hội đưa ra dự luật an tử ở Trung Quốc ngày nay thì điều đó sẽ là một sự lạm quyền lạc lõng".

 

An tử (euthanasia, từ eu (tốt) và thanatos (cái chết) trong tiếng Hi Lạp có nghĩa chấm dứt cuộc sống của ai đó một cách ít đau đớn nhất hay không đau đớn để giúp họ khỏi kéo dài cuộc sống trong những điều kiện không mong muốn. Thế giới hiện có thái độ rất khác nhau về luật này, phần lớn là chống lại an tử.

 

Đến nay, chỉ có một vài nước hay địa phương trên thế giới đồng ý với cái chết tự nguyện. Mỹ nhìn chung cấm an tử, nhưng bang Oregon của nước này đã cho phép “tự tử được bác sĩ hỗ trợ” năm 1994 và Tòa tối cao Oregon tán thành luật này năm 1997. Dù chính quyền Bush tìm cách chống lại luật này (năm 2001) nhưng vô hiệu. Theo chân Oregon, Texas cũng cho phép “euthanasia” năm 1999.

 

Năm 1993, Hà Lan hợp pháp hóa việc tự tử với sự trợ giúp của bác sĩ, và đến năm 2002 chính thức cho phép an tử. Cũng trong năm 2002, Bỉ cho phép việc tự tử được bác sĩ trợ giúp. Tại Australia, một tỉnh đã thông qua Luật an tử năm 1995 cho đến khi Quốc hội Australia quyết định bãi bỏ luật này năm 1997. Một số quốc gia khác như Anh, Áo mặc dù cấm an tử nhưng thái độ đối với các bác sĩ trợ giúp an tử trong một số trường hợp cũng không quá gay gắt.

 

(Nguồn: Wikipedia)

 

Theo T.Đ.T.
Tuổi Trẻ/China Daily

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm