Mối họa từ “cơn sốt” son “xăm môi”

Với lời giới thiệu “có cánh” như: Màu môi bóng, đẹp, giữ màu lâu từ 3- 5 ngày, son “xăm môi” đang được giới trẻ săn lùng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, loại son này được bán với giá chỉ bằng một nửa so với hàng chính hãng Hàn Quốc và ẩn chứa nhiều hiểm họa cho sức khỏe.

Tạo thành “cơn sốt” vì bền màu

 

Son “xăm môi” My Lip Tint Pack còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như Son “mặt nạ môi”, son “lột da môi”… Mỗi tuýp son trọng lượng 15 g, có 6 màu cơ bản: Hồng tươi (bubble pink), đỏ (sexy red), hồng đào (lovely peaches), hồng phấn (pure pink), cam (candy orange), tím (chic purple).

 

Chúng được quảng cáo là có tác dụng vượt trội hơn hẳn những dòng son phổ thông. Người dùng chỉ cần bôi một lớp son lên môi, đợi 10 – 15 phút, khi son môi bắt đầu khô lại và hiện màu thì dùng ngón tay tìm đường viền để lột mặt nạ son.

 

Theo giới thiệu của các cửa hàng thì điều đặc biệt khiến loại son này tạo thành “cơn sốt” là khả năng giữ màu từ 3 – 5 ngày, màu môi tự nhiên không có dấu vết của son môi, không nhòe bám trên đồ dùng mỗi khi ăn, uống…

 

Son xăm môi tràn ngập trên thị trường với những lời quảng cáo “có cánh”.
Son xăm môi tràn ngập trên thị trường với những lời quảng cáo “có cánh”.

 

Huyền Trang (năm thứ ba, trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) đặt mua một tuýp son màu cam, với giá 320.000 đồng, từ một shop online. Trang kể, lúc đầu, bạn cũng khá lo lắng vì sợ việc “lột da” sẽ khiến môi bị đau, rát, chảy máu nhưng khi dùng thì thấy môi vẫn bình thường.

 

Điều làm Trang cực kỳ thích thú là dù ăn uống thoải mái nhưng son không bị phai màu. Tuy nhiên, màu son chỉ giữ được 2 ngày chứ không “thần kỳ” như quảng cáo là bền màu 3 – 5 ngày.

 

Còn Thu Hà (Học viện Báo chí – Tuyên truyền), sau khi sở hữu 2 tuýp son đỏ và cam thì cho biết, các quảng cáo đã tô vẽ thêm các đặc tính của sản phẩm. “Mình gặp trục trặc là màu sắc son không được nguyên bản, như 2 màu mình mua đều có xu hướng hồng hồng.

 

Bên cạnh đó, khi bôi không đều môi trên môi dưới thì màu môi sẽ bị đậm nhạt khác nhau, thông thường, môi trên sẽ nhạt màu hơn môi dưới. Nếu không sử dụng thêm son dưỡng thì môi rất nhanh bị khô”, Hà cho biết.

 

“Ma trận” giá cả, chất lượng

 

Son “xăm môi” My Lip Tint Pack là dòng sản phẩm trang điểm của hãng Berrisom (Hàn Quốc). Trên website của Berrisom, My Lip Tint Pack được niêm yết với giá 15.000 won/tuýp (khoảng 300.000 đồng), nếu mua một bộ 6 tuýp thì giá là 59.900 won (khoảng 1,2 triệu đồng).

 

Còn tại Việt Nam, giá bán loại son này biến động từng ngày, tùy theo “biểu đồ” thị hiếu. Khi loại son này mới tạo “cơn sốt” và nguồn cung ít, nó được bán với giá 300.000 – 350.000 đồng/tuýp.

 

Thời gian gần đây, khi cuộc cạnh tranh bắt đầu, trên thị trường đã xuất hiện nhiều cửa hàng bán loại son này với giá từ 150.000 – 170.000 đồng/tuýp. Một số nơi còn giới thiệu là giảm giá, xả kho, thanh lý và bán sản phẩm này với giá siêu rẻ, chỉ 120.000 – 135.000 đồng/tuýp.

 

Huyền Trang kể, một người bạn của Trang cũng thử nghiệm loại son độc đáo này nhưng với việc mua được hàng giá rẻ, giá chỉ 170.000 đồng/tuýp, cô bạn này đã phải “trả giá đắt”, ngay lần sử dụng đầu tiên: Môi bị đau rát, rớm máu khi lột son.

 

Chị Thu Hà (chủ một cửa hàng mỹ phẩm ở Cầu Giấy) thì cho biết, thời gian đầu, cửa hàng của chị cũng nhập loại son này về bán với giá 310.000 đồng/tuýp. Nhưng về sau, hàng bán chậm vì khách đến thường so sánh giá cả, chê giá của cửa hàng đắt hơn các shop online.

 

“Hiện nay, son “xăm môi” nhái của Trung Quốc rất nhiều, giá bán chỉ dưới 200.000 đồng/tuýp. Rất ít khách hàng biết điều đó nên cứ tham rẻ mà không biết rằng, những loại son nhái kia chất lượng không đảm bảo, rất dễ khiến môi chảy máu hoặc bị khô. Vì không chạy đua giá cả được với hàng nhái nên cửa hàng đã ngừng bán loại sản phẩm này”, chị nói.

 

Loại son này có nơi quảng cáo về thành phần gồm: Nước muối biển, Hydro Collagen, chiết xuất trái đu đủ, CX Royal Jelly, chiết xuất từ quả mâm xôi, cây hoa trà, cây cơm cháy…

 

Lại có những nơi giới thiệu thành phần gồm: Mật ong, việt quất, đào, nha đam, lựu, cam, hoa hồng… Trên bao bì của sản phẩm không có giới thiệu bằng tiếng Việt nên thật khó để người mua kiểm chứng thông tin.

 

Theo Bác sĩ Da liễu Lê Quang Lộc, vùng môi khá mỏng, không có lớp nước và dầu để giữ ẩm nên rất dễ bị khô, nẻ, chảy máu. Đa phần các nhà sản xuất mỹ phẩm thường chỉ quảng cáo trong son có chứa thành phần dưỡng chất từ thiên nhiên, song để tạo màu, giữ màu cho son, họ cũng buộc phải sử dụng chì.

 

Hàm lượng dù ít hay nhiều thì chì vẫn rất độc hại, gây ra những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe người sử dụng. Son càng đậm màu, càng giữ màu lâu thì hàm lượng chì càng cao.

 

Sử dụng những loại son càng giữ màu lâu, môi sẽ bị tái xỉn và thâm nhanh hơn, thậm chí, qua quá trình ăn uống, son môi đi vào trong cơ thể, chì lắng trong người có thể gây ra nhiều bệnh tật.

 

Theo Hồng Giang

Sinh viên Việt Nam