Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại

(Dân trí) - “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, hàng ngàn học sinh, sinh viên, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân... đã chia sẻ những “giọt hồng” quý giá để cứu những người bệnh hiểm nghèo.

Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại - 1
SV Đại học Vinh tham gia hiến máu tình nguyện.
 
“Những năm học phổ thông, một lần vào bệnh viện thăm bố bạn thân. Bác ấy bị tai nạn giao thông, mất máu nhiều, phải chuyền máu. Hồi đó, nguồn máu khan hiếm, suốt cả buổi sáng chờ đợi vẫn không mua được máu để chuyền. Nhìn cảnh bố nằm chờ máu, bạn và mẹ bạn khóc than, em không kìm nổi lòng mình. Nhưng, em không đủ can đảm để hiến máu cứu bố của bạn...”, đó là lời tâm sự em Nguyễn Văn Sơn, sinh viên Trường ĐH Vinh.

Chỉ đến khi, Sơn bước chân vào giảng đường Đại học, được trường, được khoa, được các anh chị vận động tuyên truyền, được tiếp cận với các kiến thức cho máu -nhận máu, em mới hiểu ra rằng, hiến máu đúng cách không gây hại đến sức khỏe, hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp.

Sau đó Sơn viết đơn, tình nguyện xin hiến máu. Một lần, hai lần và trong 3 năm học tại trường, Sơn đã tình nguyện hiến máu 7 lần. Sơn vinh dự được Bộ Y tế tặng Bằng khen, UBND tỉnh tặng Bằng khen và được vinh danh từ lễ “Giọt Xuân hồng” năm 2010. Nhưng với Sơn, không bằng khen, phần thưởng nào có thể sánh được với niềm hạnh phúc của người bệnh, và không gì tự hào bằng khi nghĩ đến những giọt máu của mình đã cứu được mạng sống của nhiều người.

Với em Nguyễn Thị Quỳnh Trang - Trường Đại học SPKT Vinh phải “trốn” cả nhà để đi hiến máu tình nguyện. Bố mẹ Trang là công nhân xây dựng, khi nghe con xin phép đi hiến máu, dường như “sốc” rồi răn đe có, dọa nạt có và cả giận con gái, chỉ mong làm sao không để con “dại dột” cho máu.
 
Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại - 2
“Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, hàng ngàn học sinh, sinh viên, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân... đã chia sẻ những “giọt hồng” quý giá để cứu những người bệnh hiểm nghèo.

“Lúc đầu bố mẹ em không hiểu cứ nghĩ cho máu là mất hoặc sẽ bị thế này thế nọ, có khi còn bảo là ảnh hưởng sức khỏe rồi có thể bị thiếu máu về sau nên ngăn cản và cấm em không được cho máu. Nhưng lần đầu tiên em đã trốn bố mẹ đi hiến máu, sau thấy không ổn, em nhờ mấy chị sinh viên đến phân tích, thuyết phục và em đem cả tờ rơi về cho bố mẹ xem nữa. Giờ thì bố mẹ đã hiểu và cho phép em đi hiến máu. Bố còn nói, nếu công ty phát động, bố cũng sẽ đăng ký hiến máu...”, Trang cười khẽ chia sẻ.

Trang cho biết, trong hai năm học tại trường, đã 5 lần hiến máu tình nguyện, em còn tích cực tuyên truyền, vận động các bạn trong lớp, trong khoa tham gia hiến máu; là tuyên truyền viên tích cực của CLB hiến máu của trường. Không chỉ tham gia hiến máu theo các đợt vận động của Hội chữ thập đỏ, ở gần các bệnh viện lớn tuyến tỉnh, có những trường hợp cấp cứu cần đến máu, Trung tâm huyết học cần, gọi điện cho Trang, em sẵn lòng đến hiến máu mà không nhận một đồng bồi dưỡng nào.
 
Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại - 3
SV trường CĐ Việt Nam - Hàn Quốc tham gia hiến máu nhân đạo.

“Cứu người mới là quan trọng. Xem tivi, thấy có bác 50, 60 tuổi, tham gia hiến máu trên dưới 50 lần, em tự hỏi rằng “sao mình trẻ, khỏe lại không hiến máu cứu người”?. Với ý nghĩ đó, để có những giọt máu sạch cứu người, Trang cũng như nhiều bạn sinh viên khác luôn coi trọng chế độ ăn uống, ăn đủ chất, ăn các loại thực phẩm bổ máu, tập thể dục, thể thao đều đặn và sống lành mạnh.

Theo báo cáo tại Lễ tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích trong hiến máu tình nguyện trong năm 2010, tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận được 6.708 đơn vị máu, trong đó tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 75% trong tổng số người hiến máu. Có 10.000 cá nhân đăng ký hiến máu tình nguyện. Các hình thức vận động hiến máu ngày càng đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo tình nguyện viên tham gia. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 3 CLB hiến máu tình nguyện ở các trường ĐH Vinh, ĐH SPKT Vinh, ĐH Y khoa Vinh.

Riêng trường ĐH Y khoa Vinh còn thành lập đội “Ngân hàng máu sống” sẵn sàng hiến máu cứu sống những người bệnh trong trường hợp đột xuất mà bệnh viện yêu cầu. Các đơn vị, lực lượng vũ trang cũng vào cuộc tích cực, các đơn vị đã lập danh sách các chiến sỹ có đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu; thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, các đợt tuyên truyền về hiến máu cứu người...

Nói về CLB “ngân hàng máu” TS. Nguyễn Trọng Tài - Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Vinh cho biết: “Với các em trong câu lạc bộ của trường chúng tôi rất trách nhiệm, nhiều đêm có vấn đề gì khi các vụ tai nạn thiếu máu thì các em sẽ đến và sẵn sàng hiến máu để cứu người. Có những em 7-8 lần hiến máu, việc làm của các em thật vinh dự cho chúng tôi”.

Bắt đầu từ năm 2008, Ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện các cấp được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả. Điển hình như Ban vận động hiến máu tình nguyện Thị xã Thái Hòa trong năm 2010 đã tiếp nhận 224 đơn vị máu, thành lập được “Ngân hàng máu sống” do Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc làm nòng cốt. Đó là Ban vận động hiến máu nhân đạo huyện Quỳnh Lưu, trong năm vận động 600 người đăng ký hiến máu tình nguyện; phối hợp với các bệnh viện trên địa bàn thành lập các đội hiến máu dự bị, mỗi đội có từ 48 đến 100 thành viên, cung cấp lượng máu cấp cứu cho các bệnh viện trên địa bàn...
 
Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại - 4
Hiến máu cứu người nghĩa cử cao đẹp cần được nhân rộng trong xã hội hiện nay.

Nghệ An là tỉnh thường xuyên gánh chịu hậu quả của thiên tai, địch họa, dịch bệnh, thêm vào đó là tình trạng TNGT ngày càng gia tăng, do đó, nhu cầu máu điều trị ngày càng tăng. Hiện nay, lượng máu thu gom được của cả tỉnh mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu chữa bệnh.

Tình trạng thiếu máu vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là vào dịp hè, lễ, tết. Do đó, phong trào “hiến máu cứu người” cần được đẩy mạnh, nhân rộng. Những tập thể, cá nhân được tôn vinh lần này là những bông hoa đẹp nhất trong phong trào hiến máu nhân đạo, những trái tim đầy tình nhân ái, đem lại dòng máu hồi sinh cho người bệnh, đại diện cho hàng triệu người hiến máu tình nguyện của Việt Nam.

Thanh Phúc - Tuệ Anh