Mô hình kinh doanh “kiểu Tây” - trào lưu âm ỉ trong giới trẻ

(Dân trí) - Từ trước đến nay, giới trẻ thường học hỏi nhiều mô hình kinh doanh thú vị từ nước ngoài về Việt Nam. Vài năm trở lại đây, trào lưu này trở nên nở rộ khi được áp dụng thành công và tạo hiệu ứng rộng rãi.

Bùng nổ những mô hình kinh doanh ngoại

 

Từ cuối năm 2011, flea market đang được phủ sóng mạnh ở cả 2 miền Nam - Bắc với nhiều phiên chợ lớn, thường xuyên. Vốn yêu thích chợ phiên ở quê nhà từ thuở ấu thơ, Doãn Thu Hằng (1989) sau một chuyến đi Úc, được chứng kiến hai khu chợ rất nổi tiếng Paddington và Bondi ở Syney đã đưa flea market về Sài Gòn.

 

Thời gian đó, Hằng đã tham khảo họ về mô hình, cách chọn lọc sản phẩm, tổ chức, quảng cáo,... cho sản phẩm của các gian hàng tham gia. Hằng chia sẻ: “Mình muốn Flea Market trở thành một nét văn hoá đẹp mà giới trẻ Việt Nam, bạn bè nước ngoài có một cách khác biết đến những sản phẩm có chất lượng cao và mang “gu” của người Việt.

 

Bên cạnh đó, đây cũng là nơi những bạn trẻ muốn khởi nghiệp, có thể thử sức đồng thời là không gian thời trang đường phố thú vị giúp mọi người gặp gỡ, giao lưu và kết bạn”.

 

Hằng cho biết, khó khăn lớn nhất là phải tìm được địa điểm phù hợp, thuyết phục cho phép tổ chức đồng thời liên hệ các gian hàng có sản phẩm tốt để mời họ tham gia.

 
Flea Market dần tạo được dấu ấn trong lòng bạn trẻ.
Flea Market dần tạo được dấu ấn trong lòng bạn trẻ.
 

Trong một năm trở lại đây, ở trên Facebook xuất hiện rất nhiều fanpage giới thiệu về dịch vụ bán và chăm sóc thú cưng. Là một trong những chủ shop ấy, Trần Quang Huy (trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ) cho biết: “Lúc đầu, mình chỉ nuôi vì thích cún.

 

Sau khi tìm hiểu, Huy thấy mô hình kinh doanh vật cưng trong nhà vô cùng phổ biến ở nước ngoài, nhưng rất hiếm ở Việt Nam, trong khi nhu cầu của người nuôi trong nước hiện tại rất cao. Có một số shop bán và thu phí dịch vụ đắt nên sau vài lần giúp đỡ bạn bè mua và chăm sóc cún, mình đã mở shop này”.

 

Hiện nay, shop của Huy có khách ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Huy mất khá nhiều thời gian cho việc hình thành và quảng bá thương hiệu tới khách hàng do còn mới mẻ với mọi người.

 

Bởi vậy, thời gian đầu, hiệu quả kinh doanh của Huy chưa được cao vì ít người biết đến. Tuy nhiên, khi đã được khách hàng tin tưởng nên giờ đã có được lượng khách hàng và doanh thu ổn định.

 
Mô hình cafe take - away khá đơn giả, phù hợp với sở thích nhiều người.
Mô hình cafe take - away khá đơn giả, phù hợp với sở thích nhiều người.
 

Đầu năm nay, lần đầu tiên cà phê take - away mới xuất hiện ở Sài Gòn và ngay sau đó, khắp cả nước đã ra đời hàng loạt những mô hình như thế. Bắt nhịp xu thế đó, Phạm Văn Tưởng (1988, cựu sinh viên trường ĐH Mỏ địa chất) cùng một số người bạn đã mở một quán cà phê take - away và quầy lưu động gần HV Tài chính.

 

“Hiện nay giới trẻ Việt Nam rất năng động, đồng thời cũng nhanh bắt kịp cái mới. Những chiếc cốc nhựa giúp các bạn đi đến bất cứ đâu cũng có thể nhâm nhi ly cà phê trên tay. Bởi vậy, ngay từ khi lên ý tưởng, mình tin mô hình này cũng sẽ trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam”, Tưởng nói.

 

Một hình thức kinh doanh mới xuất hiện gần đây, được giới trẻ vô cùng ưa chuộng chính là Nhà kho ký gửi. Đỗ Tuấn Hải (1990) - người đã áp dụng rất thành công ở Hà Nội nói: “Mình thấy đồ mua về chưa dùng đến hoặc chỉ vài lần rồi bỏ đi rất lãng phí.

 

Sau khi tìm hiểu, mình thấy mô hình này rất phát triển ở châu Âu nên đã cùng nhóm bạn mở tại Việt Nam. Nhà kho ký gửi là nơi trung gian nhận mọi thứ đồ như quần áo, giày dép, sách, đồ bếp, đồ điện tử… đã qua sử dụng.

 

Người ký gửi sẽ tự định đoạt giá của sản phẩm, nhà kho có nhiệm vụ đem trưng và rao bán lại để ăn chia lợi nhuận. Món đồ bán được càng sớm, người ký gửi sẽ nhận được nhiều tiền hơn”.

 

Tuấn Hải cho biết trở ngại lớn nhất là phải đưa ra được quy trình quản lý và ký gửi hàng hóa phù hợp dành cho khách. Vì đây là mô hình mới nên chưa có các phần mềm quản lý bán hàng hỗ trợ nên bạn phải tự xây dựng tất cả. Mô hình này rất được ưa chuộng nên sắp tới Hải sẽ nhân rộng để có thể đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng.

 
Nhà kho ký gửi - hình thức mới lạ đang gây chú ý.

Nhà kho ký gửi - hình thức mới lạ đang gây chú ý.
 

Sự sáng tạo của người trẻ

 

Nếu như ở nước ngoài, “Flea Market” được coi là chợ đồ cũ, đồ retro hay đồ vintage thì khi tổ chức ở Việt Nam, Hằng đã sáng tạo ra mô hình mới theo ý nghĩa “Chợ phiên tổ chức ngoài trời”, bán đồ retro, đồ vintage, đồ thiết kế và các sản phẩm thời trang và đồ trang trí thủ công hiện đại, có tính ứng dụng cao.

 

“Sau thành công của phiên chợ Offline, Hằng cho biết sẽ sắp sửa cho ra mắt website mua hàng trực tuyến để giúp các gian hàng tiếp cận được tới khách hàng trong và ngoài nước”, Hằng chia sẻ.

 

Nếu như ở nhiều mô hình cà phê take - away khác không có không gian để các bạn trẻ ngồi giao lưu với nhau nên Tưởng đã khắc phục bằng cách thiết kế không gian với đủ diện tích và vật dụng bàn ghế cho các bạn trẻ có nhu cầu ngồi lại.

 

Tưởng nói: “Bên cạnh đó, chúng mình còn lo lắng khi có quá nhiều loại café bẩn hoặc pha tạp chất đang bán tràn lan ngoài thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

 

Bởi vậy, quán đã kết hợp giữa hình thức take - away và cafe nguyên chất, có thể đảm bảo được tính tiện dụng và chất lượng của sản phẩm”. Ngoài ra, mức giá cũng được điều chỉnh phù hợp với sinh viên: 12 - 18.000 đồng.

 

Trào lưu kinh doanh mô hình ngoại không mới ở Việt Nam nhưng bất kể ở thời kỳ nào, chỉ cần sự nhạy bén và áp dụng phù hợp đều mang lại cho giới trẻ những thành công nhất định.

 

Hoàng Dung