Minh Nguyệt - Hành trình vạn dặm chỉ bằng một bước chân

(Dân trí) - Đó là phương châm cũng là nghệ thuật sống mà Minh Nguyệt đã lựa chọn cho mình để một ngày cô có thể nhìn ngắm không tự mãn với những thành công trước mắt.

 

Thông tin cá nhân

 

Họ và tên: Nguyễn Minh Nguyệt.            Nickname: Nikki Nguyen 

 

Cựu học sinh chuyên Trung-Anh trường HN – Amsterdam

 

Cựu SV trường ĐH Lake Forest, bang Illinois (Hoa Kỳ).

 

Thành tích học tập: Bằng khen Du học sinh xuất sắc năm 2011, học bổng 322 của Chính phủ CHXHCN Việt Nam, học bổng của trường NIS và trường ĐH Lake Forest, học bổng Deerpath (dành cho sinh viên quốc tế nằm trong top 20 ở trường), Dean’s list Awards (2005-2006).

 

Hoạt động xã hội: TNV “Olympics dành cho người tàn tật’’, bang Minnesota (2005), thành viên Hiệp Hội học sinh Châu Á (2006-2010), thành viên BTC VietAbroader 2009, đồng trưởng BTC Hội thảo kinh doanh VietAbroader 2010.

 

Ngoài ra, Nikki còn tích cực tham gia rất nhiều hoạt động phục vụ cộng đồng trong thời gian sinh sống và học tập tại Mỹ.

 
Cô gái thành thạo 5 thứ tiếng Minh Nguyệt từng được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tặng thưởng
Cô gái thành thạo 5 thứ tiếng Minh Nguyệt từng được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tặng thưởng.
 

Chào Minh Nguyệt, một cô gái xinh đẹp, tài năng và nhiều thành công, chính thức trở về quê hương sau nhiều năm sống và học tập ở nước ngoài, bạn cảm nhận thế nào về con người của mình?

 

Càng đi xa nhiều tôi càng thấy hiểu biết của mình ít ỏi, càng bắt tay vào nhiều việc tôi càng thấy mình cố gắng còn chưa đủ. Tôi chỉ ước rằng một ngày dài thêm vài tiếng, để có cơ hội đọc nhiều hơn, gặp gỡ nhiều người hơn và làm được nhiều việc hơn nữa. Có thể nói, càng ngày tôi càng tham lam và nhận ra bản thân còn nhiều khiếm khuyết.

 

Bạn may mắn được tiếp cận với nước Mỹ - một đất nước văn minh, có nền văn hóa tiên tiến, điều gì giá trị nhất đối với bạn sau ngần ấy thời gian?

 

Nước Mỹ đã dạy cho tôi vô cùng nhiều thứ mà trong đó quan trọng nhất là cách nhìn nhận cuộc sống. Với từng sự việc hoặc từng con người, tôi tự nhắc mình không nên vội vàng phán xét mà tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau. Ngoài ra, nước Mỹ dạy cho tôi rằng một người có thể làm ba công việc một lúc, 12 tiếng một ngày mà vẫn có thời gian bên người thân.

 
Minh Nguyệt khi còn nhỏ.
Minh Nguyệt khi còn nhỏ.
 

Sao bạn không ở lại nước Mỹ để gom thêm những trải nghiệm mới cho công việc kinh doanh?

 

Khi tốt nghiệp được một thời gian, tôi nóng lòng muốn trở về Việt Nam làm việc. Trong từng đấy năm ở nước ngoài, tôi cứ luôn tự hỏi mình tại sao đất nước họ giàu có, tại sao người dân họ sống sung túc, tại sao xã hội của họ văn minh và tại sao con người của họ lại sáng tạo? Tôi vội vàng trở về Việt Nam vì những băn khoăn liệu đất nước mình đã được thế hay chưa.

 

Từ năm 15 tuổi, bạn đã phải xa gia đình và sống hoàn toàn tự lập. Bạn đã xoay xở như thế nào trước những khó khăn khi không có người thân bên cạnh?

 

Thực ra, trái với những gì người ta nghĩ, cha mẹ đối với tôi rất nghiêm khắc. Nếu đa phần các bậc phụ huynh dạy con cái mình phải ngoan ngoãn, nghe lời và học giỏi; cha mẹ tôi lại luôn dạy tôi trên hết phải sống có nghị lực.

 

Vì cha mẹ tôi cũng đi nước ngoài du học từ khi còn trẻ (bố ở Nga, mẹ ở Slovakia) nên ngay từ bé tôi đã được dạy cách tự lo cho bản thân vì hơn ai hết họ hiểu rõ cuộc sống nơi xứ người khó khăn thế nào.

 
Ngay từ năm 15 tuổi, Nguyệt đã tự lập trên đất Mỹ.
Ngay từ năm 15 tuổi, Nguyệt đã tự lập trên đất Mỹ.
 

Được biết bạn có thể nói và viết thành thạo một lúc 5 thứ tiếng (Việt, Anh, Trung, Nhật, Czech). Bạn có thể chia sẻ bí quyết mà mình có?

 

Vì sống ở nhiều nơi, nên tôi luôn phải tập cách thích nghi với môi trường mới và việc học ngôn ngữ trở thành một yếu tố sống còn chứ không chỉ đơn thuần là công cụ giao tiếp nữa. Hơn nữa, ngôn ngữ của một quốc gia phản ánh văn hóa, giá trị của cả một dân tộc. Đối với tôi, học một ngôn ngữ cũng như tìm hiểu cả một nền văn hóa vậy.

 

Có quan niệm “người phụ nữ hiện đại là người biết nhiều, làm nhiều và làm được”, không biết bạn có thuộc tuýp người như vậy không?

 

Tôi nghĩ người phụ nữ hiện đại hay truyền thống đều kiên cường cho dù người đó làm doanh nhân hay một người phụ nữ của gia đình. Một người phụ nữ bình thường phải vun vén cho gia đình, nuôi dạy con cái mà vẫn đảm đương được công việc tám tiếng một ngày - đó chẳng phải làm nhiều việc đó sao? Tôi chưa có gia đình nên thực ra so với những người phụ nữ ấy tôi còn nhàn rỗi lắm.

 
Ngay từ năm 15 tuổi, Nguyệt đã tự lập trên đất Mỹ.
Minh Nguyệt (thứ 2 từ trái sang) trong vai trò đồng trưởng BTC hội thảo kinh doanh VietAbroader 2010.
 

Trở thành lãnh đạo của một doanh nghiệp truyền thông khi mới 24 tuổi, bạn có lo lắng cho những thách thức phía trước? 

 

Tôi nghĩ rằng bất cứ người quản lý nào đều lo lắng ngày đêm cho công ty của mình. Với tôi, áp lực có lẽ lớn hơn vi tôi còn quá trẻ và hơn ai hết tôi hiểu rõ những hạn chế của bản thân.

 

Tại sao lại là truyền thông mà không phải là lĩnh vực khác để bạn lựa chọn kinh doanh?

 

Về phương diện cá nhân, đó là ngành tôi thích và nghĩ mình có chút điểm phù hợp. Về phương diện kinh doanh, tôi nghĩ ngành truyền thông ở Việt Nam vẫn tương đối mới và triển vọng.

 

Tôi nghĩ mình may mắn được tiếp xúc qua với các thị trường trưởng thành hơn – và tôi mong rằng mình có thể biến nó thành lợi thế cạnh tranh cho bản thân mình và cho công ty tôi trên thị trường Việt Nam.

 
Minh Nguyệt trong lễ tốt nghiệp ĐH tại Mỹ.
Minh Nguyệt trong lễ tốt nghiệp ĐH tại Mỹ.
 

Trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, bạn đã cố gắng như thế nào để duy trì sự ổn định của doanh nghiệp?

 

Chúng tôi ra trường vào thời điểm rất khó khăn – bong bóng BĐS làm suy yếu nền tài chính của nước Mỹ. Chính phủ Mỹ chính thức thừa nhận nền kinh tế này rơi vào khủng hoảng - người người mất việc cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

 

Đến khi trở về nước đi làm, kinh tế nước ta sa sút do hệ quả của phát triển quá nóng. Đặc biệt, công ty chúng tôi cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp mà giờ đây đều gặp ít nhiều khó khăn dẫn đến thắt chặt chi tiêu vì vậy bản thân doanh nghiệp chúng tôi phải cố gắng gấp nhiều lần so với những năm trước.

 

Tôi tin vào phát triển bền vững – đây chính là thời điểm để các doanh nghiệp có năng lực khẳng định vị thế của mình. Chúng tôi có ưu thế là công ty nhỏ, chi phí cố định so với các ngành và doanh nghiệp khác còn thấp.

 

Chủ trương của tôi là cắt giảm chi phí, không phải cắt giảm chi tiêu doanh nghiệp, mà là tối thiểu hóa chi phí thời gian, rủi ro và chi phí cơ hội. Trong năm vừa qua chúng tôi tập trung chỉnh đốn nguồn nhân lực, đầu tư vào R&D (nghiên cứu và phát triển), nâng cao trình độ chuyên môn (training) để sản xuất mọi thứ nhanh hơn, rẻ hơn, hiệu quả hơn.

 
Và cô quyết định trở về Việt Nam để viết tiếp giấc mơ và hoài bão của mình.

Và cô quyết định trở về Việt Nam để viết tiếp giấc mơ và hoài bão của mình.
 

Bạn luôn đặt ra cho mình những phương châm sống, làm việc để hướng đến sự thành công. Với công việc, với đồng nghiệp hiện tại bạn cũng có phương châm nhất định chứ?

 

Chúng tôi làm về truyền thông, nên hơn ai hết tôi nhấn mạnh vào giá trị công bằng và cởi mở. Mỗi một cá nhân trong tập thể đều quan trọng và là một tài sản trí tuệ. Việc trao đổi ý kiến giữa các cá nhân trong công ty là tối quan trọng, các sáng kiến mới được sinh ra từ đây - các nhân viên của tôi thường xuyên làm tôi bất ngờ với ý tưởng sáng tạo của họ.

 

Chưa bao giờ bằng lòng với những kết quả mà mình đã làm được và luôn tự nhận còn nhiều khiếm khuyết để tiếp tục hoàn thiện mình. Vậy, điểm thiếu ở bạn là gì?

 

Quả thực, tôi tự thấy mình cái gì cũng còn chưa đạt. Quan trọng nhất tôi thấy mình còn thiếu kinh nghiệm - không một trường lớp nào có thể dạy bạn, cũng không có ai có thể trải nghiệm hộ bạn. Cá nhân tôi không sợ thất bại và thử thách, tuy nhiên, một doanh nghiệp không thể cho phép cấp quản lý có bất cứ sai sót nào.

 

Một người có nhiều tham vọng và nghị lực như Minh Nguyệt chắc hẳn sẽ có nhiều dự đinh mới mẻ cho tương lai?

 

Tham vọng của tôi đơn giản là làm tròn bổn phận của mình tại thời điểm hiện tại và tập trung vào những mục tiêu trước mắt. Thực sự mà nói thì ước mơ của tôi chỉ giản dị là đảm bảo cho nhân viên của mình thu nhập ổn định, tạo cho họ cơ hội thăng tiến và đưa ra cho khách hàng một sản phẩm mà mình có thể tự hào.

 

Thùy Dương