Mệt mỏi với tình yêu “níu kéo”

Em đang rơi vào tình huống khó xử quá. Em và bạn ấy dạo này rất hay cãi nhau, em cũng nhận ra rất nhiều nét tính cách bạn ấy đã thay đổi rồi. Nhiều lần em muốn chia tay, thì bạn ấy lại níu kéo, hứa hẹn.

Sự thực là em khá mệt mỏi, nhưng em cũng dễ bị mủi lòng vì những lời hứa hẹn của bạn ấy! Em phải làm sao đây? (lili_lohan…@yahoo.com)

 
Chào em!
 

Chào em!

 

Anh nhận được khá nhiều câu hỏi như của em, đều từ các bạn nữ. Có vẻ như trong chuyện chia tay thì tụi con trai thường dứt khoát hơn thì phải. Còn các bạn nữ thì lại khá khó xử trong tình huống này. Anh nghĩ đó một phần thuộc về bản tính của các bạn gái: đó là dễ tha thứ.

 

Tuy nhiên, dễ tha thứ vừa là một bản năng, lại vừa là điểm yếu gây mệt mỏi. Theo những gì em kể, anh đang hơi lo ngại vì người em yêu mến có hơi hướm một chàng trai họ Hứa. Tức là những anh chàng cứ hứa thật nhiều, rồi lại thất hứa thật nhiều.

 

Một lời hứa chỉ có giá trị khi nó đi kèm hành động. Chỉ có hành động mới chứng tỏ được thành ý, sự thiết tha của bạn trai em trong việc duy trì mối quan hệ này.

 

Câu chuyện cổ tích “Hoàng tử ếch” thường khó tìm thấy trong hiện thực. Sự thực là đa phần các chú ếch dù em có hôn đến bao nhiêu lần chăng nữa, thì vẫn cứ là ếch. Khả năng thay đổi bản chất của một “bad guy” thực tế là rất thấp. Chả thế mà ở Mĩ có một cẩm nang yêu bán rất chạy mang tên “Never kiss a frog”, tức là “đừng bao giờ hôn một con ếch”.

 

Nói như thế không có nghĩa là anh khuyên em không nên đặt niềm tin vào bạn em và tạo cơ hội cho bạn ấy. Tuy nhiên, cơ hội chỉ nên được trao cho những người thực sự chân thành.
 
Chào em!

 

Lời ngọt ngào thì dễ nói và cũng dễ nghe. Có phải vì thế mà em cứ tha thứ hết lần này đến lần khác? Hãy tự hỏi liệu có phải em đang có “quán tính” tha thứ vô điều kiện? Tha thứ cho một người quá nhiều lần, vừa làm “hư” họ, vừa có lỗi với chính bản thân mình, em thấy có đúng không?

 

Có một câu chuyện mà anh mới đọc được trên mạng gần đây, rất muốn chia sẻ với em. Một cô gái tìm đến một vị học giả, hỏi rằng làm cách nào để có thể buông tay, và từ bỏ một điều đã gắn bó với mình quá lâu.

 

Vị học giả không trả lời, mà chỉ đưa cô gái này cầm một cốc nước nóng. Vừa chạm tay vào, cô gái liền hét lên, giật mình và buông tay. Chiếc cốc vỡ tan. Lúc ấy vị học giả mới trả lời: “Đau quá sẽ buông”. Nhưng chúng ta đâu cầu đợi đến lúc cảm thấy đau đớn thì mới buông tay.

 

Chúng ta có thể nhận biết một ly nước nóng để tránh chạm vào, cũng như dự đoán được kết cục của một mối quan hệ khập khiễng để dừng chân kịp thời. Sự dứt khoát giống như một liều thuốc đắng nhưng “giã tật”. Và để uống ly thuốc đòi hỏi ở em sự quyết tâm và yêu quý bản thân. Anh tin em sẽ là một cô gái dũng cảm.

 

Theo Hoa học trò