“Mẹ ơi con học liên thông...!”

(Dân trí) - Đó là câu nói dường như trở thành câu cửa miệng của không ít bạn trẻ sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng. Họ dùng “biện pháp” này để đối phó khi bị gia đình hỏi về chuyện học hành của họ mà lẽ ra đã đến kỳ ra trường…

Câu nói đó thoáng nghe qua có vẻ rất tốt, rất tích cực và đáng được hoan nghênh về tinh thần chịu khó học hỏi, ý chí và nghị lực cao trên bước đường chinh phục tri thức. Song có một thực tế đáng buồn rằng, đằng sau đó ẩn chứa một điều “nhức nhối” của gia đình và xã hội. Bởi hiện nay có những sinh viên sau khi bước chân vào giảng đường đại học là bắt đầu “quên đi” việc học hành. Họ không nghĩ rằng nhiệm vụ của mình là tập trung học tập để có tương lai tốt đẹp sau này. Họ bỏ bê việc học hành, chạy theo những trò chơi vô bổ, nhậu nhẹt, bi a, bài bạc, cá độ, kết bang phái đánh lộn “xưng hùng, xưng bá”...

Để rồi kết thúc khoá học, những sinh viên này trở thành những “người ngoài cuộc” khi đứng nhìn các bạn cùng trang lứa hân hoan trong ngày vui nhận bằng tốt nghiệp. Còn họ thì không biết ngày nào được ra trường vì nợ thi chưa qua các môn học năm trước lại nợ chồng chất trong học kỳ năm sau.

Khi gia đình gọi điện hỏi: “Khi nào con nhận bằng tốt nghiệp? Ở nhà bố mẹ đang chạy xin việc cho con đấy” thì họ đành trả lời: “Mẹ ơi, con học chưa xong, con đang học liên thông!”

Tình cờ tôi biết C. (quê Nghệ An, hiện theo học hệ trung cấp - trường CĐ GTVT II- Đà Nẵng) qua một người bạn. Sau một hồi chuyện trò mới biết C. nhập học năm 2004, nhưng đến nay đã 4 năm trôi qua rồi mà C vẫn chưa trả hết nợ môn để được tốt nghiệp ra trường.

Với nét mặt ủ rũ thoáng buồn, C. kể về những “chiến tích” thời sinh viên như khi “xé rào” nhà trọ để tham gia những cuộc chơi thâu đêm với đám bạn cùng trường, kết bè phái đánh lộn gây rối trật tự công cộng, say sưa rượu bia trong những cuộc nhậu tàn canh… Trong câu nói của C. có chút hối hận nhưng đã là quá muộn màng.

Điều còn lại duy nhất trong cuộc sống của C. bây giờ chỉ có hơi men rượu cay mỗi ngày, thú vui còn lại là xăm nhiều hình loang lổ trên cánh tay hay bắp cơ đùi. Còn về việc học, giờ đây C. đã trở nên “chai lỳ” với chữ nghĩa.

Gia đình “cắt viện trợ”, ít quan tâm hơn trước nên cuộc sống của C. ngày càng trở nên thiếu thốn, cậu quay sang nhờ vả vào“cánh đàn em” mới nhập học mà cậu đã có dịp ra oai. C. là “đại ca” có tiếng ở trường nên có thể “chở che” cho những “tân binh” này nếu có chuyện gì.

Cuộc sống, tương lai của C. sẽ đi về đâu? Xin nói thêm một điều rằng, hiện tại ở các trường ĐH, CĐ khác có không ít những “sinh viên liên thông” như trường hợp của C.

Phan Quân