Mạng xã hội đang là "thiên đường" cho đánh ghen và bôi nhọ cá nhân?

(Dân trí) - Dưới hình thức "bóc phốt", cư dân mạng lôi kéo, kích động sự phẫn nộ, thù hằn trên mạng xã hội; đồng thời làm ảnh hưởng tới danh dự của các cá nhân, tổ chức mà các cơ quan chức năng khó lòng kiểm soát.

Vấn nạn đánh ghen

Từ mâu thuẫn tình cảm dẫn tới hành động đánh ghen là vấn nạn đã tồn tại trong xã hội từ lâu. 

Nhưng nhờ có phương tiện mạng xã hội, những vụ việc đánh ghen được đưa lên mạng xã hội ngày một nhiều hơn, thu hút sự chú ý của dư luận.

Mạng xã hội đang là thiên đường cho đánh ghen và bôi nhọ cá nhân? - 1

Những vụ đánh ghen được tung lên mạng xã hội với tần suất ngày một dày đặc.

Mạng xã hội đang là thiên đường cho đánh ghen và bôi nhọ cá nhân? - 2

44.000 lượt xem trên mạng xã hội Facebook với video đánh ghen của một nhóm phụ nữ với cô gái được cho là cặp bồ với người đàn ông đã có vợ.

Mạng xã hội đang là thiên đường cho đánh ghen và bôi nhọ cá nhân? - 3

Các video đánh ghen được chia sẻ qua nhiều người, nhiều trang và nhóm khác nhau mang tới sự kích động bạo lực và cổ suý cho một hành động không văn minh: Đánh ghen.

Mạng xã hội đang là thiên đường cho đánh ghen và bôi nhọ cá nhân? - 4

Một số hội, nhóm dùng các vụ đánh ghen để câu like, câu view. Trong vụ việc này, quản lý một fanpage đòi "đủ 1.000 lượt tài khoản quan tâm để chia sẻ video đánh ghen. Người phụ nữ trong vụ việc bị lột quần áo trước sự chứng kiến của những người khác.

Số vụ đánh ghen được tung lên mạng xã hội nhiều tới mức không thể đếm xuể. Chẳng những thế, trên Facebook đã xuất hiện nhiều trang, hội nhóm chuyên về đánh ghen, tư vấn và tổng hợp tất cả những pha đánh ghen nổi bật nhất. Thậm chí là "huấn luyện" quy trình đánh ghen cho các chị em.

Kích thích trúng tính tò mò và bản năng ghét cái ác, cái xấu của con người, các cuộc đánh ghen ầm ĩ thường có lượt xem, tương tác rất lớn, đặc biệt là khi được chia sẻ ở trạng thái trực tuyến như live stream.

Theo một chuyên gia tâm lý, mục đích của hành động là nhằm bộc lộ cảm xúc phẫn nộ và dằn mặt đối phương. Tuy vậy, những người thực hiện hành vi đánh ghen chưa ý thức được hết trách nhiệm và hậu quả của hành vi này trước pháp luật.

Mạng xã hội đang là thiên đường cho đánh ghen và bôi nhọ cá nhân? - 5

Các trang, nhóm kích động đánh ghen trên mạng xã hội

Dưới góc độ luật pháp, hành động đánh ghen được định tội dựa trên mức độ thương tổn thân thể và danh dự của người "bị hại", mà ở đây thường là đối tượng "người thứ ba" trong chuyện tình cảm bị lên án và đánh ghen.

Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội làm nhục người khác như sau:

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: a) Phạm tội 02 lần trở lên; b) Đối với 02 người trở lên; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Đối với người đang thi hành công vụ; đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

Bôi nhọ cá nhân

Từ ngày có mạng xã hội, công chúng làm quen dần với khái niệm "bóc phốt". Với những vấn đề trong cuộc sống khiến người dùng mạng xã hội không hài lòng, họ đưa lên Facebook, Twitter để "bóc phốt".

Từ chuyện cô bạn A mượn tiền không trả, tới chuyện cửa hàng B bán hàng rởm, chuyện nghệ sĩ C ngoại tình, chuyện công việc, quan hệ làm ăn, quan hệ tình cảm... đều được tha lôi lên mạng xã hội để tố cáo, tranh cãi.

Mạng xã hội đang là thiên đường cho đánh ghen và bôi nhọ cá nhân? - 6

Một vụ "bóc phốt" trên Facebook

Có hẳn một "mở bài" quen thuộc cho những câu chuyện "bóc phốt", đó là: "Mình chẳng mấy khi bóc phốt người khác đâu nhưng...", hay là "Tôi không hay nói xấu ai trên mạng xã hội nhưng...", sau mở bài này là một bài viết dài với những câu từ chứa đầy sự phẫn nộ, bực tức và hằn học.

Mục đích "bóc phốt" trên mạng xã hội nhằm làm xấu hình ảnh của cá nhân, hoặc tổ chức, trong pháp luật được định hình bằng từ "bôi nhọ".

Phương thức bôi nhọ mang tên "bóc phốt" này có khả năng lôi kéo sự ủng hộ, đồng tình từ cộng đồng mạng, tạo nên những luồng dư luận trái chiều, ảnh hưởng tới danh dự của người khác.

Mạng xã hội đang là thiên đường cho đánh ghen và bôi nhọ cá nhân? - 7

Các nhóm bóc phốt có từ hàng chục tới hàng trăm ngàn thành viên

Khoan bàn tới chuyện ai đúng ai sai trong những câu chuyện bóc phốt, riêng bầu không khí căng thẳng, đầy thù hằn mà những cuộc tranh luận từ "bóc phốt" tạo ra đã đủ khiến cho những dân mạng yêu chuộng hoà bình "phát ngộp", khiến cho những câu chuyện tử tế chẳng có cơ hội được lan toả.

Gây ức chế như vậy song việc kiểm soát, xử lý hành vi "bóc phốt" trên mạng xã hội là không dễ dàng đối với các cơ quan chức năng vì nhiều lí do trong đó có tính chất phức tạp của các vụ việc dân sự.

Vì vậy, trước khi nhờ tới sự can thiệp của nhà chức trách, mỗi cá nhân cần có ý thức chung trong việc làm trong sạch, lành mạnh hoá mạng xã hội vì suy cho cùng, chúng ta có cùng mong muốn là một môi trường ảo lành mạnh cho tất cả mọi người.

Mai Châm