Mặc tranh cãi, thầy vẫn "bút phê": "Chơi game nhiều quá nên đời không lên"
(Dân trí) - Những lời nhận xét trong phiếu điểm cuối năm của học sinh từ thầy Nguyễn Việt Đăng Du tạo sự thích thú và ấn tượng vì sự sáng tạo lẫn tâm lý, gần gũi với trò.
"Thông minh vốn sẵn tính trời/Chơi game nhiều quá nên đời không lên"; "Là hình mẫu đàn ông thành công trong tương lai"; "Tính nghệ sĩ, nhiều đam mê và biết điểm dừng đúng lúc là ưu điểm lớn"...
Đó là một vài ý nhận xét trong phiếu báo điểm cuối năm của thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên dạy Sử, Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM dành cho học trò.
Những phiếu nhận xét liên tục được học trò thả like, tim của các em học trò về độ "kute" và không đụng hàng của thầy giáo. Nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối vì thời đi học của mình không được thầy cô nhận xét dí dỏm nhưng đầy chân tình, sâu sát, gần gũi như vậy. Lâu nay, mọi người quen với những nhận xét rập khuôn, cứng nhắc, giáo điều, trăm em như một.
Mỗi phiếu báo điểm, thầy Du chỉ "phê" vài câu rất ngắn gọn nhưng có đủ các đặc điểm, cá tính, thói quen, sở trường, khả năng của mỗi em.
Bên cạnh nhận xét, gợi mở về những thế mạnh, ưu điểm của học sinh kèm những lời khích lệ tích cực, thầy Du cũng khéo léo góp ý những điểm cần khắc phục của mỗi học trò mà không cần dùng tới những từ ngữ chê bai hay mệnh lệnh.
Tính nghệ sĩ, điềm đạm, thông minh, biết điểm dừng... chỉ đôi ba chữ nhận xét về học trò, nhưng để nói đúng và trúng là một quá trình quan tâm, để ý, gắn bó, sâu sát của người thầy với trò để hiểu về tính cách, đặc điểm, cá tính, hoàn cảnh của từng em. Đánh giá không theo một khuôn mẫu cũng đòi hỏi người thầy cần sáng tạo trong cách thể hiện, câu chữ
Trước đây, nhận xét trong phiếu điểm một nữ sinh "Vừa xinh đẹp, vừa giỏi ngoan" cùng rất nhiều lời phê độc lạ về học trò của khác của thầy Nguyễn Viết Đăng Du kéo theo nhiều tranh cãi "nảy lửa" trên mạng xã hội.
Rất nhiều ý kiến đồng tình, khen ngợi với sự "phá cách" của thầy trong nhận xét, đánh giá học trò nhưng cũng nhiều ý kiến phê phán, cho rằng nhận xét về học trò như vậy là chưa chuẩn mực, thiếu mô phạm.
Trước những tranh luận nảy lửa, thầy Nguyễn Viết Đăng Du chỉ bộc bạch: "Khi bạn không phân biệt đâu là nhận xét mang tính cá nhân và lầm tưởng các lời nhận xét nhân bản vô tính là mô phạm, chuẩn mực thì bạn chẳng bao giờ hiểu được tình yêu thương của người thầy là gì?".