“Mạc Đĩnh Chi” của rừng núi Tây Nguyên

“Trong ký ức, em chỉ nhớ những ngày tháng lê la đi ăn xin cùng ông ngoại, nhớ những đêm Cao Nguyên lạnh buốt da thịt và đói cồn cào không ngủ được… Bây giờ, cơm sinh viên dẫu không đủ no nhưng hành trình vào tương lai của em đã có ánh sáng”.

Đó là tâm sự của Lê Bá Trọng, sinh viên năm 2 khoa Công nghệ Thông tin trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM.

 

Hoa của xương rồng

 

Bố mẹ bỏ đi khi em vừa ra đời, Lê Bá Trọng chỉ còn chỗ dựa duy nhất là ông ngoại. Tuổi cao sức yếu, hai ông cháu phải lân la ra chợ xin ăn; tối về, che tạm bợ tấm vải trên mảnh đất trống làm “nhà”.

 

Ngày Trọng hiểu ra “phải đi làm nuôi ông”, cậu bé chưa học hết tiểu học. Trọng đến các rẫy phê xin trông coi rẫy, thu hoạch cà phê, tưới cây… để đổi lấy những bát gạo. Tuổi thơ của Trọng không có tiếng cười mà chỉ có tiếng ho khan hàng đêm của ông, là những đêm ráng học để quên đi cái đói, là những trận mưa, gió rét giật tung túp lều, hai ông cháu rúc vào nhau để tìm hơi ấm.

 

Cứ thế, rau rừng, gạo vụn và tình làng xóm nuôi hai ông cháu từng ngày. Dẫu đói, dẫu rét nhưng cậu bé Lê Bá Trọng có một niềm đam mê kỳ lạ với sách vở. Trọng học tất cả những gì tìm thấy: mảnh báo vụn, cuốn sách cũ, tờ giấy gói rau là tài liệu qúy báu của cậu.

 

Khi lên cấp hai, đậu vào trường chuyên Nguyễn Du của thành phố Buôn Mê Thuột, Lê Bá Trọng được mọi người đặt cho cái tên: “Mạc Đĩnh Chi” bởi đêm đêm cái dáng gầy còm của “thằng bé” ngồi học bài dưới ánh đèn đường trở thành hình ảnh quen thuộc của bà con ở xã Hoà Thắng.

 

Trọng kể: “Đến 11 giờ đêm, đèn đường tắt thì em vào những rẫy cà phê còn sáng đèn để học nhờ. Sợ nhất là những đêm mưa phải đốt đèn dầu học ở nhà nhưng không đủ dầu nên phải đi ngủ sớm”.

 

Và dưới ánh đèn đường, “Mạc Đĩnh Chi” đã không ngừng đem về cho trường những giải thưởng đáng nể: Học sinh giỏi Quốc gia môn lịch sử, giải ba môn Hoá Thành phố, hai huy chương bạc Olympic môn Lịch sử và từ lớp 1 đến lớp 12, Lê Bá Trọng luôn là học sinh giỏi…

 

Thành tích học tập là thế nhưng đêm đêm trong căn chòi nhỏ, khi người ông đã ngủ ngon, Trọng lại đối mặt với thực tế: đói ăn, thiếu mặc hàng ngày của hai ông cháu. Đó cũng là lúc Trọng phải đấu tranh với chính mình: nghỉ học đi làm nuôi ông hay tiếp tục học?

 

Đường đến giảng đường

 

“Mạc Đĩnh Chi” của rừng núi Tây Nguyên - 1

Dưới ánh đèn đường, “Mạc Đĩnh Chi” đã đem về cho trường những giải thưởng đáng nể.

Năm 2003, cái tin cậu bé “Mạc Đĩnh Chi” đậu 2 trường đại học làm nức lòng người dân xã Hoà Thắng, thành phố Buôn Mê Thuột. Thế nhưng không ai hiểu được đó là ngày tâm trạng Trọng rối bời, buồn nhiều hơn vui. Phải xa ông ngoại đã gần 80 tuổi ai sẽ chăm sóc, nếu đi học, tiền đâu? Đó cũng là ngày Trọng quyết định sẽ tạm gác việc học để đi làm thuê một thời gian.

 

Bác Năm Anh, trưởng thôn nơi Trọng ở đã âm thầm làm một cuộc quyên góp: người dăm cân cà phê, người ít giạ lúa, bao đậu xanh, kẻ vài chục ngàn, còn chùa Phước Điền ở gần nhà giúp cho phần sách vở. Cả cái xã nghèo Hoà Thắng quyết chung tay nuôi “Mạc Đĩnh Chi” vào đại học.

 

Không thể phụ lòng, Trọng gởi lại ông ngoại, mang theo niềm tin của bà con hàng xóm, mang theo khát vọng chinh phục tri thức làm hành trang đến giảng đường.

 

“Vì sao Trọng không chọn học Đại học Y Tây Nguyên cho gần nhà và tiện việc giúp ông mà vào theo học Công nghệ thông tin tại Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM?” - Trọng cho biết: “Em mê làm bác sĩ, nhưng thời gian học 7 năm trời liệu ông ngoại có còn đủ sức để chờ em? Hơn nữa học y rất tốn kém khoảng tiền mua sách vở, tài liệu nên em chọn con đường ngắn hơn”.

 

Nhìn thân hình gầy cộc của Lê Bá Trọng, không ai nghĩ cậu đang là sinh viên năm thứ hai. Vào giảng đường, không ai còn biết “Mạc Đĩnh Chi”, không có sự giúp sức âm thầm của hàng xóm, không có sự động viên của ông nhưng chính sự chịu thương, chịu khó đã giúp Trọng “trụ” lại với giảng đường.

 

Trọng bảo: “Rất nhiều bạn khó khăn như em nhưng ai cũng ham học. Em đã tìm được một chỗ dạy kèm với mức lương 500.000 đồng/tháng, đủ để trang trải”. “Đủ để trang trải” của Trọng là hai năm qua trên giảng đường cậu chưa hề biết đến một bữa ăn sáng, bữa trưa là phần cơm 4.000 đồng, tối ăn chung với gia đình nơi Trọng làm gia sư. Mỗi ngày ngoài những con chữ ở giảng đường, trong đầu Trọng còn là những phép tính chi tiêu…

 

Theo Minh Diệu
Người Viễn Xứ