Mặc cảm thân gái phục vụ vũ trường

Nhiều cô gái phục vụ vũ trường không đồng ý khi được gọi là tiếp viên vì tiếp viên phải ngồi với khách, còn họ chỉ được đứng để phục vụ như rót bia, rượu, hoặc nhảy khi khách mời. Không ít lần những cô “đào vũ trường” phải từ chối khi khách có nhu cầu mời đi chơi riêng...

Hai vũ trường lớn nhất của Đà Nẵng hiện đang phục vụ hai đối tượng khách hoàn toàn khác nhau. Camel tập trung khách gia đình, bạn bè. New Phương Đông tập trung toàn “dân chơi thứ thiệt” rủng rẻng tiền và rất đông khách nước ngoài.

Giới chuyên đi vũ trường nhận xét, New Phương Đông đầu tư rất bài bản, ra dáng một vũ trường hiện đại, không thua kém vũ trường ở Hà Nội và TPHCM.

Vũ trường này lại có một “át chủ bài”, linh hồn tạo nên sức hút đối với khách nhảy khi “thu phục” được DJ (người chỉnh nhạc) số một Việt Nam: Lê Trình. Tài “trộn” nhạc của Lê Trình đã khiến dân nhảy như sôi lên mỗi khi anh xuất hiện.

“Chúng em không phải là tiếp viên”

Tự định hình đối tượng khách như vậy, nên New Phương Đông hội tụ rất đông những cô gái trẻ đẹp, đa số đến từ miền Nam. “Dàn đào” của New Phương Đông gồm 50 cô, tuổi chỉ từ 17 đến 27 và cô nào cũng đẹp “mất hồn”.

Các cô gái không đồng ý với tên gọi là tiếp viên vì tiếp viên là phải ngồi với khách, trong khi, theo quy định của vũ trường họ chỉ được đứng để phục vụ như rót bia, rượu, trái cây... hoặc nhảy nếu khách mời. Nếu phục vụ nhiệt tình, vui vẻ các cô sẽ được khách tự ý “boa”, hoàn toàn không có chuyện vòi vĩnh, xin xỏ khách.

Không như những năm về trước, những cô gái phục vụ trong vũ trường hiện nay, khi hợp đồng làm việc với vũ trường đều có một khoản lương cơ bản, đủ để các cô yên tâm về chi phí thuê nhà, ăn, ở. Chỉ tính riêng tiền “boa” của khách, mỗi cô cũng kiếm được từ 3 triệu - 7 triệu đồng/tháng.

Nhân viên phục vụ làm việc trong một môi trường rất nghiêm ngặt vì vũ trường có những quy định như phạt 500.000 đồng khi nhân viên gây gổ nhau, trừ lương 5 ngày nếu nghỉ không xin phép...

Khách đến vũ trường hiện nay, không riêng gì “cánh mày râu”, phụ nữ đi chơi cũng rất đông và tất cả đều say sưa nhảy khi nhạc trỗi lên. Không kể số thanh niên đua đòi, ăn chơi lêu lổng, đa số khách đến vũ trường đều có nhu cầu thư giãn, giải tỏa căng thẳng sau một ngày làm việc.

Đối với khách nước ngoài, đến vũ trường là một nhu cầu giải trí không thể thiếu và còn một lý do nữa khi Đà Nẵng không còn chỗ nào khác để họ vui chơi.

Khó khăn khi thuê nhà trọ

Chị Nguyễn Thị Thanh Hòa, chủ vũ trường New Phương Đông trăn trở: “Dù công ty đã đứng ra bảo lãnh và các em có đầy đủ những giấy tờ cần thiết nhưng công an nhiều địa phương vẫn không cho đăng ký tạm trú khi đi thuê nhà trọ. Các em không vi phạm pháp luật, tại sao lại đối xử phân biệt như vậy?”.

Vì phải thuê nhà trọ ở những nơi xa trung tâm TP nên đã có rất nhiều cô gái đi làm về khuya bị cướp giật ví tiền và bị thương tích nặng. Trong môi trường làm việc còn nhiều định kiến của xã hội, nhưng từ “tự trọng” luôn được các cô nhắc đến, đa số các cô thừa nhận phải thường xuyên từ chối khi khách có nhu cầu đi chơi riêng. Khách đến vũ trường, khi say xỉn thường có hành động không đẹp mắt, lúc đó, các cô phải khéo léo tránh để nhân viên bảo vệ đến xử lý.

Ý thức sự ngắn ngủi của nghề, nên đa số các cô gái đều lo dành dụm tiền và tranh thủ đi học thêm nghề cắt tóc, may đồ, làm bánh kem... tất cả đều có chung một mơ ước sau này mở một quán nhỏ để sinh sống và... kiếm một tấm chồng.

Xã hội ngày càng phát triển, người Việt Nam cũng cần đến nhu cầu giải trí, bên cạnh đó, làn sóng đầu tư nước ngoài vào ngày càng nhiều. Chắc chắn, Đà Nẵng không những có 2 - 3 vũ trường như hiện nay mà nhiều vũ trường sẽ được mở ra để phục vụ nhu cầu của khách.

Một đội ngũ nhân viên nữ trẻ, đẹp sẽ tiếp tục bước chân vào phục vụ vũ trường, với thực tế công việc của họ đang làm, xã hội nên có một nhìn nhận mang tính nhân văn, nhân bản hơn, xem phục vụ vũ trường là một nghề để những cô gái trẻ không còn mặc cảm, đồng thời ý thức tốt hơn với nghề nghiệp của mình và dễ dàng hơn khi hòa nhập cộng đồng.

Theo Thu Hà
Người Lao Động