“Ma men” dẫn lối gót hồng

Nhiều năm trước, nhìn thấy bóng hồng nâng ly người ta tròn mắt ngạc nhiên. Bây giờ mọi sự đã xoay ngược: “Phái đẹp mà không biết uống bia, rượu thì... quê chết đi được”, một cô nàng xinh tươi “phán” câu xanh rờn!

Có lẽ ở Hà thành hiện nay đang là thời thịnh vượng của bia, rượu. Các quán nhậu mọc lên khắp nơi tỉ lệ thuận với số người say “ma men” ngày càng cao.

 

Khi chuếnh choáng hơi men, “người đẹp” cũng nổi cơn bốc đồng như bất cứ đấng mày râu nào.

 

Chủ quán rượu 53 Khâm Thiên (Hà Nội) cho biết: “Hồi mùa đông quán tôi được nhiều cô gái lựa chọn làm địa điểm tổ chức sinh nhật. Là phụ nữ nhưng họ không uống cầm chừng đâu. Nhiều cô say rồi ói khiến nhân viên phục vụ phát hoảng. Thú thật tôi không khoái “thượng đế” là nữ”.

 

“Vì sao?” - Người đàn ông chưa vợ này cho biết: “Tôi đã từng chứng kiến cảnh nực cười: một cô nàng ngấm “ma men” tự dưng cầm cốc thay micro hát oang oang. Hay cảnh người đẹp nổi máu “yêng hùng” cầm chén rượu hất ngay vào mặt người khác. Thậm chí một số nàng ngày cuối tuần có thói quen tụ tập ở quán. No say sinh cãi nhau, đánh nhau, dứt tóc nhau... nhiều lúc tôi phải can thiệp. Chẳng còn gì là nữ tính nữa”.

 

Phái mày râu thường nói: Rượu làm nên những phút thăng hoa, giải tỏa ưu sầu, toan tính... Trong cuộc sống cạnh tranh không chỉ các chàng mà chính các nàng cũng phải đối đầu với nhiều áp lực. Nên việc bóng hồng uống một chút rượu, bia chẳng có gì là xấu, nhưng một khi đã trở thành “đệ tử” lưu linh thì thật đáng ngại.

 

Họ đã tự mình khắc họa bức chân dung xấu xí. Diệp Chi, cử nhân khoa Văn, xứng đáng là một “bợm rượu” dễ xúc động. Hễ say nàng lại khóc nức nở, kể lể nỗi khổ của bản thân, trách cứ bạn bè, người thân... Biết “tật” của mình song hiếm khi Chi từ chối nhận lời mời nhậu nhẹt. 

 

Có rất nhiều nguyên nhân khiến các người đẹp bị “ma men” dẫn lối: “a dua” theo bạn bè; muốn thử cảm giác say; thừa thời gian song lại  thiếu công việc, thiếu thú vui... Hiện nay, trong suy nghĩ của không ít người trẻ tuổi sự “quê” hay “không quê” không chỉ được đánh giá qua cách ăn mặc, đầu tóc, mà còn qua cả... tửu lượng.

 

Thanh Hoa (ĐHCĐ) kiêu hãnh khoe: “Về khoản rượu bia, tôi dám chấp phái mày râu”. Ngọc Tú (ĐHKTQD) lại “bật mí” món khoái khẩu của mình: “Tôi thích ăn châu chấu, thích uống rượu tiết chim” và điểm tên vanh vách các tửu quán có tiếng của Hà thành với niềm say mê hiếm thấy.

 

Uống bia, rượu trở thành trào lưu của các cô gái “tân tiến” đã tạo cơ hội tốt cho những “người đẹp” vùng cao (vốn có tiếng tửu lượng khá) khoe tài. Học xa nhà, không có sự quản lý của gia đình, không ít “bông hoa rừng” đã thả nổi bản thân, trong yêu đương, trong hơi men...

 

Cùng với tấm bằng tốt nghiệp đại học, có người còn trở thành “con sâu rượu”. Có bạn gái vắng “ma men” một tuần đã cảm thấy bức bối khó chịu.

 

Thanh Dung, quê Lạng Sơn, hiện đang công tác trong ngành Dược ở Hà Nội, kể rằng: “Tết về quê không dám uống nhiều rượu, vì sợ bố mẹ soi. Về Hà Nội, thèm không chịu được, rủ ngay cậu bạn trai lên hồ Tây làm đĩa mực nướng, “chiến” hết hơn một chai Lúa Mới, đủ độ lâng lâng thì mò về”.

 

Đa phần cánh đàn ông đều chung ý nghĩ: “Không thích có vợ hoặc bạn gái thích rượu bia”. Quang Linh (ĐHKHXH&NV) cho biết: “Trong giao tiếp bạn gái không dùng được giọt rượu nào đôi khi cũng bất tiện. Mình muốn bạn gái biết uống một chút nhưng không mê rượu và luôn tự kiềm chế bản thân”.

 

Con đường bia bọt chẳng bao giờ đưa đến kết cục tốt đẹp. Vài giờ mê man đôi khi phải trả giá đắt: mất bạn, mất người yêu, mất nữ tính, mất công việc... Với phái đẹp khi uống rượu có lẽ cũng nên nhắc mình nhớ đến lời cảnh tỉnh của người xưa: “Khôn ba năm, dại một giờ”.

 

Theo Hồng Diệu

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm