Lòng tốt cũng cần phải cảnh giác?

Lòng tốt là điều không thể thiếu của mỗi chúng ta trong cuộc sống. Nhưng hiện nay trên Hà Nội lại có rất nhiều kẻ đã lợi dụng lòng tốt của người khác, nhất là của các bạn sinh viên để kiếm tiền bất chính.

Câu chuyện thứ nhất:

 

Một hôm tôi mới từ quê lên, đang vất vả với đống đồ đạc của mình ở bến xe Mỹ Đình thì có một người đàn ông đi tập tễnh đến. Ông ta ăn mặc rách rưới, thổi sáo bằng mũi và đeo chiếc giỏ để mọi người “mở lòng bồ tát”. Đặc biệt, rất nhiều người trong đó có tôi đã cảm động khi phía trước của người ăn mày này có tấm bảng, trên đó là hình ảnh 1 bé trai và một bé gái bị di chứng của chất độc màu da cam rất thương tâm.

 

Vì thế mà đã rất nhiều người móc hầu bao để quyên cho người ăn mày bất hạnh đó. Tôi cũng bỏ vào chiếc giỏ đó mấy ngàn lẻ với hy vọng có thể giúp được ông lão đó. Nhưng cũng có những người vô tình bỏ đi. Lúc đó tôi thầm trách họ sao có thể vô tâm đến thế được.

 

Khi lên xe buýt để về nhà, trong lúc đợi xe chạy, tôi lại bắt gặp ông lão ăn mày đó. Vẫn đôi chân tập tễnh ấy, vẫn tấm bảng ấy và cây sáo được thổi bằng mũi ấy ông lão lại đi xin từng người một. Lại nhiều người không ngần ngại rút hầu bao. Có bác ở quê lên thăm con ngồi cạnh tôi dù nghèo vẫn bỏ vào chiếc giỏ kia 20.000 đồng.

 

Sau khi đã quyên tiền của mọi người hết một lượt cũng là lúc tiếng sáo tắt thì mọi người trên xe đều tròn xoe mắt vì ngạc nhiên. Người ăn mày đó tháo tấm bảng ra cầm trên tay, và bước xuống xe nhanh nhẹn như một người bình thường. Lúc đó thì mọi người mới hiểu ra người ăn mày đó là ai!

 

Đó chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện mà hầu như bạn sinh viên nào cũng dễ dàng bắt gặp ở bến xe khách, điểm xe buýt hay bất kỳ vỉa hè, đường phố nào của Hà Nội. Đó là những người làm “nghề” ăn mày. Chỉ với một ít đồ nghề là chiếc sáo, chiếc bị, bộ quần áo rách rưới, chiếc nón để đựng tiền là có thể kiếm được rất nhiều tiền bằng sự lợi dụng lòng tốt của người khác.

 
Lòng tốt cũng cần phải cảnh giác? - 1
 

Câu chuyện thứ 2:

 

Lúc đó trời đã nhá nhem tối, tôi đang đứng đợi xe buýt ở điểm xe buýt ĐHQG Hà Nội. Như thường lệ, cứ tầm này điểm xe buýt này lại đông nghịt người. Và lúc đó tôi đã được tận mắt chứng kiến cảnh “cướp ngày” ở Hà Nội là như thế nào.

 

Bạn nữ đứng gần tôi đang cầm trên tay điện thoại nhắn tin gì đó thì một người phụ nữ trông khắc khổ, đầu tóc bù xù ù té chạy đến hớt hơ hớt hải: “Em ơi, em cho chị mượn điện thoại chị gọi về cho mẹ chị một lát được không? Bố chị bị tai nạn giao thông, mà điện thoại của chị lại hết tiền rồi”.

 

Không ngần ngại, bạn gái đó đưa điện thoại cho người phụ nữ đó gọi nhờ. Chị ta loáy hoáy bấm bấm gì đó rồi nhanh như chớp, chạy lẻn vào giữa đám đông, cầm theo chiếc điện thoại. Và ở ngoài kia đã có một chiếc xe máy chờ sẵn. Khi bạn gái đuổi theo thì người đàn bà kia đã ngồi sau xe máy chạy rồi. Mọi người chỉ biết đứng nhìn mà thương bạn gái chứ không dám giúp bạn.

 

Câu chuyện thứ 3:

 

Một lần ra bến xe Mỹ Đình để bắt xe về quê tôi đã gặp một tình huống thật trớ trêu. Đang đứng nghiêng ngó ở ngoài cổng để tìm xe về thì có mấy người nữ đến mời tôi mua tăm. Các cô ấy giới thiệu mình là người của hội người mù Hà Nội, đi bán tăm để ủng hộ người mù.

 

Cứ nghĩ như thường ngày mình mua có 1 ngàn một gói tăm tre nhân đạo nên tôi lấy một gói. Các cô còn mời tôi kí tên vào sổ lưu niệm. Tôi cũng không ngần ngại kí tên. Chỉ đến khi trả tiền thì tôi giật mình. Một gói tăm có giá 20.000 đồng. Khi tôi chần chừ chưa trả tiền thì có 2 người đàn ông đến bên cạnh và nói: “mua tăm của người ta thì trả tiền người ta đi chứ”.

 

Tôi hiểu ra sự việc và ngậm ngùi trả tiền. Không chỉ ở bến xe khách mà ở cổng trường đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học quốc gia tôi cũng thường xuyên bắt gặp những tốp bán tăm tre kiểu này. Mong rằng đừng bạn nào là nạn nhân của những trò lừa bịp này như tôi nữa.

 

Lòng tốt là điều cần thiết nhưng các bạn cũng cần cảnh giác để mình không trở thành nạn nhân của những kẻ xấu chuyên đi lợi dụng lòng tốt kia.

 

Theo Mực Tím